| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng với tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa

Thứ Sáu 10/11/2023 , 14:08 (GMT+7)

Muôn vàn hệ lụy nảy sinh khi tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa ngang nhiên ‘vượt rào’. Để sửa sai, tỉnh Nghệ An cần thận trọng với dự án này.

Đã hơn 1 năm kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt, đến lúc này tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa vẫn chưa hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Ảnh: Việt Khánh.

Đã hơn 1 năm kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt, đến lúc này tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa vẫn chưa hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Ảnh: Việt Khánh.

Năm 2022 trên địa bàn xã Nghi Công Nam (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) mọc lên tổ hợp nuôi heo công nghệ cao quy mô 7ha trong sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây. Hỏi ra mới biết, dự án đình đám do Công ty TNHH Nông nghiệp Phúc Hòa làm chủ đầu tư.

Dự án này nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị liên quan, trong đó có Sở TN-MT tỉnh Nghệ An. Từ điểm tựa này, doanh nghiệp đã được quy hoạch địa điểm thực hiện tại xóm 6, xã Nghi Công Nam, hiện trạng trước đó là rừng sản xuất.

Chấp nhận phá rừng, đánh đổi môi sinh để phục vụ nuôi heo, loại hình nhạy cảm đặc biệt ắt hẳn gây ra nhiều dị nghị. Nỗi lo lắng càng nhân lên gấp bội khi tổ hợp này án ngữ ngay đầu nguồn, cách đó không xa là Đền Tam Tòa, nơi tôn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Năm 2012, Đền Tam Tòa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, đền ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng.

Vị trí xây dựng tổ hợp cách Đền Tam Tòa, di tích lịch sử cấp tỉnh không quá xa. Ảnh: Việt Khánh.

Vị trí xây dựng tổ hợp cách Đền Tam Tòa, di tích lịch sử cấp tỉnh không quá xa. Ảnh: Việt Khánh.

Với những yếu tố nhạy cảm nêu trên, lẽ ra tỉnh Nghệ An và các cấp, ngành liên quan cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt thận trọng trong khâu thẩm định trước khi tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa thành hình.

Có điều, công tác giám sát, theo dõi thực tế lại thiếu chỉn chu, được đà chủ đầu tư đã bất chấp quy định, ngang nhiên vượt rào đưa hàng ngàn con lợn vào nuôi khi chưa được cấp phép. Lợi ích doanh nghiệp hưởng, tội vạ chính quyền, nhân dân nai lưng gánh chịu.

Tổng đàn quá lớn, lượng chất thải quá nhiều nhưng công tác xử lý không đảm bảo tất sẽ kéo theo ô nhiễm trầm trọng. Chịu không nổi, từ đầu năm 2022 người dân và cử tri xã Nghi Công Nam đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất khẩn trương di dời tổ hợp tai tiếng này đi nơi khác nhưng chẳng ăn thua.

Phải đến tận tháng 9/2022, khi làn sóng phản ứng lên đỉnh điểm, các bên liên quan mới sốt sắng vào cuộc. Lúc này tất cả mới vỡ lẽ, rằng tổ hợp công nghệ cao chỉ là danh hão, thực chất doanh nghiệp đang làm chui dưới dạng không phép.

Với việc “không có giấy phép môi trường đối với dự án/cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh”, tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính số tiền 320 triệu đồng (Quyết định số 161/QĐ-XPHC ngày 28/9/2022). Đồng thời đình chỉ hoạt động nguồn phát sinh chất thải (hoạt động chăn nuôi heo thịt) trong thời gian 4,5 tháng.

Chưa đầy đủ thủ tục nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên 'vượt rào', đưa hàng ngàn con lợn vào nuôi trong sự lo lắng, bất an của người dân xã Nghi Công Nam. Ảnh: Việt Khánh.

Chưa đầy đủ thủ tục nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên "vượt rào", đưa hàng ngàn con lợn vào nuôi trong sự lo lắng, bất an của người dân xã Nghi Công Nam. Ảnh: Việt Khánh.

Lẽ ra chủ đầu tư phải khẩn trương thực hiện ngay khi quyết định xử phạt có hiệu lực, tuy nhiên với lý do “chưa bán hết số lợn còn dư” nên việc này bị trì hoãn liên hồi.

Nói có sách mách có chứng, ngày 19/12/2022 Sở TN-MT có văn bản yêu cầu Công ty TNHH nông nghiệp Phúc Hòa phải xuất bán toàn bộ số lợn hiện có trước ngày 26/12/2022.

Nhận thấy tình hình không chuyển biến, ngày 13/1/2023 Sở TN-MT tiếp tục có công văn đốc thúc, tuy nhiên kết quả vẫn như cũ. Về phía UBND xã Nghi Công Nam, ghi nhận đến ngày 16/1/2023 trang trại vẫn còn gần “1.000 con lợn đã đến kỳ nhưng chưa xuất bán”…

Đưa ra những lát cắt chân thực nhất để thấy hậu quả nghiêm trọng từ việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của Công ty TNHH nông nghiệp Phúc Hòa. Sự tắc trách của chủ đầu tư, kết hợp trách nhiệm chưa tròn của các đơn vị liên đới khiến sự thể rối tung rối mù. Đến tận thời điểm này, sau hơn 1 năm kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt, nhìn chung công tác khắc phục, hoàn thiện vẫn rất mông lung.

Qua trao đổi, lãnh đạo UBND xã Nghi Công Nam xác nhận dự án đi vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện về chăn nuôi, môi trường. Quá trình triển khai các ngành, cơ quan chức năng liên quan và chủ đầu tư luôn lờ đi vai trò của chính quyền địa phương, phải đến khi sự việc vỡ lở mới cuống cuồng khâu nối, xử lý.

Môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng do quá trình xả thải của tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa. Ảnh: Việt Khánh.

Môi trường xung quanh bị ô nhiễm trầm trọng do quá trình xả thải của tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa. Ảnh: Việt Khánh.

Đáng trách nhất là Công ty TNHH nông nghiệp Phúc Hòa, để mọi việc hanh thông đơn vị này hứa hẹn đủ đường (cam kết không gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho số lượng lớn lao động địa phương được làm việc tại trang trại), dù vậy tất cả như gió thổi mây trôi. Chưa kể, doanh nghiệp còn ngang nhiên xây lấn vào quỹ đất nông nghiệp rộng khoảng 2ha của xã Nghi Công Nam, đến nay thủ tục hoàn trả vẫn chưa hoàn tất.

Trực tiếp có mặt tại tổ hợp nuôi heo công nghệ cao Phúc Hòa dễ thấy không gian yên ắng bao trùm rộng khắp, qua khâu nối bộ phận quản lý trang trại thông tin: “Trang trại đang để trống, đơn vị thi công mới bắt tay xử lý hệ thống nước thải được 2 tuần nay, dự kiến 2 tuần nữa sẽ xong”.

Nhân việc nà,y xin nhắc lại lời “hứa hẹn” của Công ty TNHH nông nghiệp Phúc Hòa tại Văn bản số 2912-CV/PH.2022 ngày 29/12/2022: “Đã làm việc với nhà thầu (Công ty Môi trường ASIA), dự kiến khi dừng hoạt động (không có chất thải) sẽ tiến hành khắc phục, cải tạo. Kế hoạch đến 31/3/2023 sẽ hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và công trình bảo vệ môi trường”.

Ngày 30/10/2023, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Ngô Trí Chính, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam khẳng định: “Sau quyết định xử phạt, chủ đầu tư có triển khai một số nội dụng khắc phục ô nhiễm nhưng chưa hoàn tất, đến thời điểm này vẫn chưa trình thẩm định lại các tiêu chí. Chưa hoàn thành đương nhiên phải dừng hoạt động. Dự án liên quan đến 8 Sở, ngành, đơn vị liên quan, nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ (đất đai, tài nguyên, quân sự, văn hóa). Với tình hình này, để vận hành trở lại rất khó”.

Xem thêm
Nuôi 300 con dúi, 300 gà đen mang lại doanh thu nửa tỷ đồng

ĐỒNG THÁP Tổng thu nhập từ đàn dúi 300 con và đàn gà đen 300 con đem về cho anh Huỳnh Văn Hiếu ở Đồng Tháp khoảng nửa tỷ đồng mỗi năm.

Trồng xen ca cao trong vườn dừa, lợi đôi đường

VĨNH LONG Mô hình này tận dụng hiệu quả diện tích, cải thiện hệ sinh thái đất, duy trì độ ẩm, giảm xói mòn rửa trôi, năng suất dừa cũng tăng so với trồng chuyên canh.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tuyên truyền chống IUU

Vĩnh Long Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là trách nhiệm của ngư dân, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Điểm sáng nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Cần Thơ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước giúp Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lập cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, phục vụ lưu trữ các thông tin cần thiết.

Bình luận mới nhất