Cú hích hạ tầng, cảng biển phá thế cô lập
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, huyện đảo Cần Giờ lâu nay gần như biệt lập với các địa phương khác của TP.HCM bởi cách trở giao thông. Là vùng đất được xem như “lá phổi xanh” cùa thành phố, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có biển, có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn nhưng thị trường bất động sản ở đây ít được quan tâm.

Thị trường bất động sản Cần Giờ đang "nóng" lên trước thông tin nhiều siêu dự án đầu tư vào đây. Ảnh: Thục Vy.
Thời gian gần đây, nhờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc xây cầu nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, đồng thời, thông tin về siêu cảng trung chuyển quốc tế và khu đô thị lấn biển đã nhanh chóng kích hoạt một làn sóng mới trong thị trường bất động sản Cần Giờ. Tại thời điểm thị trường bất động sản nói chung vẫn đang trong tình trạng “phá băng” thì bất động sản Cần Giờ lại đang “nóng” lên, nhiều nhà đầu tư đổ về “săn” đất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cú hích từ hạ tầng và cảng biển đang đưa bất động sản Cần Giờ vào tầm ngắm của giới đầu tư. Dù vậy, tiềm năng nơi đây chỉ thực sự phát huy trong dài hạn, không dành cho nhà đầu tư ngắn hạn.
Bà Cao Thị Thanh Hương – Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu tại Savills Việt Nam đánh giá, các dự án này sẽ trở thành một cú hích mới, góp phần định hướng dòng tiền đầu tư cũng như tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Đây sẽ là nền tảng để hình thành hành lang phát triển cho các doanh nghiệp logistics và vận tải biển.
Theo bà Hương, tình trạng cô lập địa lý tại Cần Giờ đang dần thay đổi khi nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được quy hoạch. Nổi bật trong số đó là dự án cầu Cần Giờ - công trình được kỳ vọng sẽ thay thế hoàn toàn phà Bình Khánh, rút ngắn thời gian di chuyển giữa trung tâm thành phố và Cần Giờ xuống dưới một giờ đồng hồ. Song song đó, việc nâng cấp tuyến đường Rừng Sác, mở rộng kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc liên vùng được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa phát triển cho khu vực.
“Từ giữa năm 2024, giá đất nền tại một số xã như Long Hòa, Bình Khánh, Lý Nhơn đã ghi nhận mức tăng trưởng cao. Giao dịch cũng trở nên sôi động hơn, đặc biệt sau khi có thông tin chính thức về các dự án siêu cảng và khu đô thị lấn biển”, bà Hương cho hay.
Cân nhắc kỹ lưỡng về pháp lý, hạ tầng và tiềm năng phát triển
Dù thị trường bất động sản Cần Giờ đang sôi động song theo bà Cao Thị Thanh Hương, nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào “sóng ngắn” mà chỉ nên đầu tư ở Cần Giờ theo tầm nhìn trung và dài hạn. Bởi lẽ, Cần Giờ hiện vẫn là khu vực có khả năng tiếp cận hạn chế so với trung tâm, vì vậy nhu cầu ở thực hoặc lưu trú lâu dài chưa có đủ điều kiện để bùng nổ trong tương lai gần.
Ngoài ra, Cần Giờ cần có sự đồng bộ giữa sản phẩm bất động sản, hệ thống tiện ích xã hội và các khu vực tạo việc làm như cảng biển hay khu công nghiệp. Nếu mọi yếu tố được triển khai đúng thời điểm và đúng cách, sự tăng trưởng của bất động sản tại Cần Giờ mới phát triển tích cực.
Ở góc nhìn tương tự, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Tiếp thị Nhà ở, CBRE Việt Nam khuyến cáo, nhà đầu tư cần thận trọng, lựa chọn các sản phẩm, dự án có pháp lý hoàn thiện và hạ tầng đồng bộ để bảo đảm tính thanh khoản và lợi nhuận bền vững.
Theo đó, nhà đầu tư cần lưu ý giá đất trong ngắn hạn (2025 - 2026) có thể tăng mạnh ở các khu vực gần dự án và các tuyến giao thông chính. Xét về trung hạn (2027 - 2030), thị trường có thể điều chỉnh khi nguồn cung tăng và các dự án hạ tầng hoàn thiện. Trong dài hạn, Cần Giờ có tiềm năng trở thành trung tâm nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái, nhưng sự phát triển bền vững còn phụ thuộc vào việc quản lý quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Còn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản Cần Giờ đang bước vào chương mới với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Song, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về pháp lý, hạ tầng và tiềm năng phát triển của từng phân khúc để đưa ra quyết định phù hợp.