| Hotline: 0983.970.780

Cà phê đặc sản giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường EU

Thứ Năm 17/07/2025 , 20:50 (GMT+7)

TP.HCM Phát triển cà phê đặc sản, đẩy mạnh chế biến sâu và truy xuất nguồn gốc giúp ngành cà phê nâng cao giá trị xuất khẩu, chinh phục thị trường khó tính.

Cà phê đặc sản mở đường chinh phục thị trường cao cấp

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đạt gần 5,5 tỷ USD, trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh yếu tố giá cà phê bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, động lực tăng trưởng còn đến từ việc chuyển hướng sang phát triển các dòng cà phê chế biến sâu và cà phê đặc sản. Đây là những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh bền vững hơn trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Sơn Trang.

Trong chiến lược nâng tầm cà phê Việt, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, doanh nghiệp đang tập trung phát triển dòng cà phê Arabica đặc sản vùng Tây Bắc. Đây là những dòng sản phẩm có giá trị cao nhờ sở hữu hương vị đặc biệt, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng và độ sạch được đánh giá tốt bởi các nhà rang xay quốc tế. Không dừng lại ở Arabica, Phúc Sinh còn phát triển dòng Robusta đặc sản, nhằm định vị lại hình ảnh Robusta Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Các nhà rang xay tại EU, Mỹ, Ý… đều đã biết và sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam, nhờ chất lượng đã được cải thiện rất nhiều trong 10 năm qua”, ông Thông nói.

Phát triển các sản phẩm cà phê chế biến sâu, 6 tháng đầu năm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lên đến 48%. Trong đó phần lớn đến từ các sản phẩm cà phê hòa tan, rang xay, những mặt hàng chế biến sâu được xuất sang châu Âu. Theo ông Thái Như Hiệp, Giám đốc công ty, giá cà phê cao là yếu tố thuận lợi, nhưng quan trọng hơn là sự đóng góp đáng kể của nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng. Với thị trường khó tính như EU, chất lượng sản phẩm thôi là chưa đủ; doanh nghiệp cần chứng minh được câu chuyện minh bạch, có trách nhiệm trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, thị trường EU hiện đang là trọng điểm xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Số liệu của Cục hải quan cho thấy, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm tới 42,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 409.713 tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 84,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam nói chung và trong khối EU nói riêng gồm Đức (chiếm 15,3%), Italy (7,6%) và Tây Ban Nha (7,5%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Đức tăng gấp 2,1 lần, sang Italy tăng 47,4% và Tây Ban Nha tăng 67%.

Phát triển cà phê đặc sản, cà phê bền vững góp phần nâng giá trị xuất khẩu. Ảnh: Trần Thọ.

Phát triển cà phê đặc sản, cà phê bền vững góp phần nâng giá trị xuất khẩu. Ảnh: Trần Thọ.

Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU - xu hướng tiêu dùng tại EU đang chuyển dịch mạnh sang các sản phẩm xanh, sạch và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, doanh nghiệp muốn khai thác tốt thị trường này cần tập trung phát triển dòng sản phẩm khác biệt như cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng nhận, cà phê đặc sản và chế biến sâu. Đặc biệt, EU đang áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn như Quy định không gây mất rừng (EUDR), đòi hỏi chuỗi cung ứng minh bạch từ nông trại đến ly cà phê.

Chiến lược dài hơi để nâng tầm cà phê Việt

Từ góc nhìn ngành hàng, ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhận định, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu với thị trường thế giới. Điều đáng ghi nhận là nội lực ngành cà phê đã khác trước: Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đang có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Theo ông Minh, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất được các dòng cà phê đặc sản với giá bán cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng thế giới, chứng tỏ tiềm năng nâng cao giá trị trong chuỗi xuất khẩu không còn là viễn cảnh xa vời.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược phát triển dài hạn để có thể giữ vững và mở rộng vị thế ngành cà phê. Theo ông Hải, ngành cà phê không thể tiếp tục phát triển theo hướng tăng sản lượng mà phải dịch chuyển sang nâng cao chất lượng và giá trị. Điều này đòi hỏi phải tái canh vùng trồng theo hướng chất lượng cao, đầu tư vào quy trình sản xuất có chứng nhận, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu từ 10% hiện nay lên 25 - 30% trong những năm tới. Cùng với đó, ngành cần sớm thích ứng với các quy định mới của thị trường, đặc biệt là các quy định khắt khe từ EU liên quan đến môi trường và truy xuất nguồn gốc.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận định rõ, Việt Nam không thể chạy đua với Brazil về sản lượng hay giá rẻ. Con đường bền vững là tập trung vào chất lượng, phát triển cà phê đặc sản và xây dựng câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm, đó có thể là bản sắc vùng trồng, sự bền vững trong canh tác, hay nét văn hóa cà phê phin của người Việt. Những giá trị này chính là lợi thế cạnh tranh mà các thị trường cao cấp đang tìm kiếm.

Xem thêm

Bình luận mới nhất