| Hotline: 0983.970.780

Bộ Công Thương điều chỉnh quản lý chứng từ ưu đãi thuế

Thứ Ba 22/04/2025 , 05:12 (GMT+7)

Quyết định mới về việc thu hồi quyền cấp C/O và mã số REX từ VCCI sẽ ảnh hưởng đến quy trình chứng nhận xuất xứ và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngày 21/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT về việc thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM), và mã số REX (Registered Exporter System) từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo đó, các loại chứng từ này sẽ do các cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương thực hiện, thông qua hệ thống quản lý cấp C/O điện tử - eCoSys.

Thủ tục cấp C/O sẽ thay đổi sau Quyết định số 1103/QĐ-BCT. Ảnh: TD.

Thủ tục cấp C/O sẽ thay đổi sau Quyết định số 1103/QĐ-BCT. Ảnh: TD.

C/O, CNM và REX là những chứng từ quan trọng để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Trong đó, C/O xác nhận xuất xứ hàng hóa; CNM xác nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ trong quá trình trung chuyển; còn mã số REX là điều kiện để doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo tiêu chuẩn của châu Âu. Việc thiếu hoặc sai lệch các chứng từ này có thể khiến hàng hóa bị từ chối ưu đãi thuế, thậm chí bị trả lại hoặc bị áp dụng mức thuế tối huệ quốc (MFN) cao hơn đáng kể.

Hệ thống eCoSys là nền tảng điện tử chính thức của Bộ Công Thương, phục vụ việc tiếp nhận, xử lý và quản lý toàn bộ quy trình cấp C/O. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, theo dõi tiến độ xử lý và nhận kết quả cấp chứng từ một cách minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện.

Theo Quyết định 1103/QĐ-BCT, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sẽ là đơn vị trực tiếp tiếp nhận và cấp các chứng từ C/O, CNM, REX. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đảm nhận vai trò quản lý, vận hành hệ thống eCoSys, đảm bảo hoạt động thông suốt và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Động thái này sẽ tác động trực tiếp đến nhiều nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, nông sản và gỗ – những ngành đang tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ EVFTA, CPTPP, UKVFTA hay RCEP. Đặc biệt, với nhóm nông, lâm, thủy sản vốn chịu thuế cao tại các thị trường phát triển, giấy tờ xuất xứ là yếu tố sống còn để duy trì năng lực cạnh tranh.

Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định: “Đây là bước đi thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Công Thương trong việc tăng cường minh bạch hóa và số hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ cần thời gian thích nghi với việc chuyển đổi đầu mối cấp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn quen làm việc trực tiếp với VCCI”.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị, doanh nghiệp nên chủ động đăng ký tài khoản và làm quen với giao diện hệ thống eCoSys, đồng thời thường xuyên cập nhật các hướng dẫn mới từ Cục Xuất nhập khẩu để đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thuế quan trong xuất khẩu.

Đồng thời, đề nghị VCCI hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi nơi đề nghị cấp C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX theo Điều 14 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP; lưu trữ hồ sơ, chứng từ liên quan theo Điều 30 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Chuẩn bị đầy đủ các nội dung tổ chức thực hiện việc ủy quyền cấp các loại C/O, CNM và mã số REX để bàn giao cho Bộ Công Thương.

Việc Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp từ VCCI không đơn thuần là một thay đổi về thủ tục hành chính, mà phản ánh định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh quốc tế ngày càng chú trọng đến yếu tố minh bạch và tuân thủ.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đây là một bước chuyển quan trọng, đòi hỏi sự chủ động cập nhật và thích ứng để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/4.

Xem thêm
Vận hành xe điện 4 bánh theo mô hình hợp tác xã

Đó là phương án được tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu nhằm đưa xe điện 4 bánh hoạt động trong khu du lịch Thiên Cầm chạy đúng tua tuyến, đảm bảo theo quy định.

PV GAS CA MAU - Vững bước cùng dòng khí PM3

PV GAS CA MAU tiếp nhận thành công 30 tỷ Sm3 khí ẩm, đánh dấu hành trình gần 20 năm vận hành an toàn, ổn định của công trình khí PM3 - Cà Mau.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.