| Hotline: 0983.970.780

115 chuyên gia, tổ chức kêu gọi bảo vệ nguồn thực phẩm động vật tự nhiên

Thứ Tư 16/07/2025 , 16:20 (GMT+7)

Một bản dự thảo tuyên bố mới của Liên hợp quốc nhằm loại bỏ axit béo chuyển hóa khỏi chế độ ăn toàn cầu đã gây ra làn sóng lo ngại từ giới chuyên gia.

Hơn 115 chuyên gia và tổ chức toàn cầu đồng loạt ký thư ngỏ gửi Liên hợp quốc, kêu gọi bảo vệ nguồn thực phẩm động vật tự nhiên trong bối cảnh xây dựng tuyên bố loại bỏ axit béo chuyển hóa toàn cầu.

Ngày 10/7 tại Nairobi, một bản dự thảo tuyên bố mới của Liên hợp quốc nhằm loại bỏ axit béo chuyển hóa khỏi chế độ ăn toàn cầu đã gây ra làn sóng lo ngại từ giới chuyên gia, cố vấn chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành nông sản thực phẩm. Họ cảnh báo rằng nỗ lực này có thể vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến hàng triệu người nghèo - những người phụ thuộc vào sữa và thịt như nguồn dinh dưỡng thiết yếu.

Các chuyên gia chỉ ra rằng không nên đánh đồng axit béo chuyển hóa do công nghiệp sản xuất với loại tự nhiên có hàm lượng rất thấp trong sữa và thịt. Ảnh: Freepik.

Các chuyên gia chỉ ra rằng không nên đánh đồng axit béo chuyển hóa do công nghiệp sản xuất với loại tự nhiên có hàm lượng rất thấp trong sữa và thịt. Ảnh: Freepik.

Dự thảo trên được xây dựng với mục tiêu phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như tim mạch và tiểu đường bằng cách loại bỏ hoàn toàn axit béo chuyển hóa (trans fat) ra khỏi bữa ăn toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng không nên đánh đồng axit béo chuyển hóa do công nghiệp sản xuất với loại tự nhiên có hàm lượng rất thấp trong sữa và thịt - những thực phẩm vốn được đánh giá là có giá trị dinh dưỡng cao.

Trong một bức thư ngỏ gửi các nhà đàm phán của Liên hợp quốc, hơn 115 chuyên gia đến từ châu Phi, châu Âu và châu Mỹ khẳng định: “Việc cam kết loại bỏ toàn bộ axit béo chuyển hóa một cách đồng loạt có thể vô tình làm giảm tiêu thụ sữa, thịt và các thực phẩm có nguồn gốc động vật vốn rất giàu dinh dưỡng. Và một lần nữa, gánh nặng sẽ đổ dồn lên các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi các thực phẩm giàu dinh dưỡng như sữa và thịt vốn đã bị tiêu thụ dưới mức cần thiết.”

Thư ngỏ được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) có trụ sở tại Nairobi và được Cục Tài nguyên Động vật Liên châu Phi (AU-IBAR) thuộc Liên minh châu Phi đồng thuận. Trong danh sách ký tên còn có đại diện đến từ Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, Liên minh Toàn cầu Cải thiện Dinh dưỡng (GAIN), và Liên minh Thế giới các Dân tộc Bản địa Du mục (WAMIP).

Dữ liệu hiện có cho thấy các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở các nước đang phát triển, nơi tình trạng béo phì ở người lớn thường có liên hệ chặt chẽ với suy dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ nhỏ. Năm 2023, cứ 5 người châu Phi thì có 1 người đối mặt với tình trạng đói ăn, và gần một phần ba trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Trong bối cảnh này, sữa và thịt, vốn giàu đạm chất lượng cao và vi chất thiết yếu như vitamin A, B12, riboflavin, canxi, kẽm, i-ốt, đóng vai trò quan trọng. Tuy vậy, mức tiêu thụ các sản phẩm này ở nhiều nước đang phát triển vẫn cực kỳ thấp, thậm chí chỉ đạt 1 kg sữa/người/năm.

Bà Namukolo Covic, chuyên gia dinh dưỡng và đại diện của Tổng Giám đốc ILRI tại Ethiopia nhấn mạnh: “Một ly sữa có thể là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng với chi phí thấp nhất, sữa đã được chứng minh có thể giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em và giảm gánh nặng đói nghèo.” Bà cũng cho rằng, axit béo chuyển hóa công nghiệp chủ yếu xuất hiện trong thực phẩm chế biến, một lĩnh vực vẫn còn sơ khai ở châu Phi, vì thế đây là thời điểm thích hợp để các quốc gia xây dựng hệ thống thực phẩm mới, hướng tới loại bỏ hoàn toàn axit béo chuyển hóa nhân tạo.

Dự kiến, bản dự thảo nghị quyết sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới. Trong thời gian chờ đợi, các quốc gia sẽ nhóm họp tại Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Liên hợp quốctừ ngày 14–23/7 tại New York, nhằm đánh giá tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, trong đó có Mục tiêu số 3 về sức khỏe và hạnh phúc.

Giáo sư Ruth Oniang’o, chuyên gia về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí Châu Phi về Thực phẩm, Nông nghiệp, Dinh dưỡng và Phát triển nhấn mạnh: “Lượng axit béo chuyển hóa trong thực phẩm có nguồn gốc động vật rất thấp so với lượng do công nghiệp tạo ra, và cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên những lợi ích dinh dưỡng mà chúng mang lại, dù chỉ với một lượng nhỏ.”

Bà cũng cảnh báo về tác động tiêu cực nếu cấm đồng loạt toàn bộ axit béo chuyển hóa mà không phân biệt nguồn gốc: “Với những người có thu nhập thấp, thực phẩm có nguồn gốc động vật thường là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu duy nhất mà họ có thể tiếp cận. Chúng ta cần một cách tiếp cận tinh tế, đi kèm với các giải pháp phát triển bền vững.”

Các chuyên gia kêu gọi Liên hợp quốc cần đảm bảo bản tuyên bố mới phân biệt rõ ràng giữa axit béo chuyển hóa công nghiệp - vốn là nguyên nhân gây bệnh và lượng thấp chất béo chuyển hóa tự nhiên trong sữa, thịt - vốn có giá trị thiết yếu trong bữa ăn của người nghèo. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà là trách nhiệm nhân đạo trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng cơ bản cho mọi người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Xem thêm
Trung Quốc ra mắt nhà máy tái chế nhựa bằng công nghệ hóa học

Nhà máy tái chế nhựa bằng công nghệ hóa học tiên tiến đầu tiên đã chính thức vận hành thử tại thành phố Yết Dương, miền đông tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất