Chạy án chỉ là cớ
Bạn Khương Hà (Đại Đồng, Tiên Du, Bắc Ninh) đưa ra nhận định: Tên phim là “Chạy án” nhưng chạy án chỉ là cái cớ. Nếu đơn thuần là chạy án thì gói gọn trong dăm tập là đủ. Đối tượng tham gia chạy án: Cao Thanh Lâm, bà Dung, tay luật sư…trong phần 2 này mờ nhạt. Nhưng, bộ phim vẫn hấp dẫn bởi đã đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng hiện nay: chạy chức, nông dân mất đất, thâu tóm quyền lực, hối lộ, vai trò thực của không ít các DN nhà nước...
Tác giả kịch bản Nguyễn Như Phong – Phó Tổng biên tập báo Công an Nhân dân (Bộ Công an) cho hay, các nhân vật trong phim là hư cấu. Nhưng, khi xem hẳn sẽ có nhiều kẻ giật mình thon thót.
Bạn Khương Hà cho hay: “Một bộ phận quan chức xấu xa, ưa nịnh nọt, kiếm tiền bất chính…sẽ thấy bóng dáng của mình trong bộ phim này”. Không biết có phải vì lẽ đó mà đạo diễn Vũ Hồng Sơn tiết lộ, có một người đề nghị mua đứt bộ phim, miễn là không phát sóng trên VTV.
Diễn viên Phan Hoà dẫn lời một đạo diễn cho hay, nhân vật hoa hậu Minh Phương do cô đảm nhiệm có bóng dáng những câu chuyện của ba cô hoa hậu thật ngoài đời nhưng “đã được thêm bớt nhiều”. Chỉ riêng điều đó thôi cũng khiến khán giả tò mò.
Đại diện cho vẻ đẹp quốc gia nhưng thực chất cái danh của Minh Phương là do Tổng giám đốc Lê Thanh nhào lặn. Một tay đại bịp bợm như Thanh, nhờ lỗ hổng của cơ chế và biết đánh vào lòng tham của đám quan chức: ông Tuý (Chủ tịch tỉnh), ông Kim (Phó giám đốc CA), ông Ngọc (Tổng Biên tập báo Thương trường)…leo tới cái chức Tổng giám đốc một Cty nhà nước chuyên làm ăn thua lỗ nhưng trở thành “bộ mặt của tỉnh”. Để rồi hắn dễ dàng xỏ mũi những lãnh đạo chóp bu với tuyên bố “trạng chết thì chúa cũng băng hà”.
Thứ trưởng Cao Đức Cẩm (Dũng Nhi thủ vai) cũng để lại cho người xem nhiều tâm trạng. Nhà biên kịch Nguyễn Như Phong thừa nhận, khi viết chính ông cũng có cảm tình với nhân vật Cao Đức Cẩm.
Ông Phong cho biết, rất khó nói ra lý do vì sao thích nhân vật Cao Đức Cẩm. Đó là con người tốt, có công với cách mạng. Nhưng khi đảm nhiệm ví trí cao như thế, tốt thôi chưa đủ. Ông Cẩm là người nhu nhược, để vợ con, cấp dưới mượn uy làm ăn bất hợp pháp gây tổn hại cho quốc gia…
Vai Trương Mã cũng đáng suy ngẫm. Một tên giang hồ nhưng có tiền, hắn phối hợp với Lê Thanh có thể thao túng chính quyền. Đi đâu hắn cũng lôi ảnh chụp chung với lãnh đạo cao cấp để loè. “Một xã hội có nhiều người như Trương Mã thì thật nguy hiểm”- một bạn đọc viết thư cho chúng tôi.
Không có phần 3
Bác Nguyễn Tường (Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) gọi điện hỏi: “Chạy án” có phần 3 không, dân chúng tôi đang háo hức. Đạo diễn Vũ Hồng Sơn cho hay, sẽ không có Chạy án 3. Tuy nhiên, đó là phát biểu trước khi bộ phim trình chiếu.
Trước khi chiếu, ông Sơn cũng tin rằng bộ phim sẽ ăn khách. Bởi, phần 1 mới khơi một chút bề nổi của những vấn đề nổi cộm, còn phần hai sẽ khiến khán giả sốc, bởi những gì xuất hiện trên phim vượt xa những tưởng tượng của phần đông khán giả.
Cho đến thời điểm này (tập 23), nhiều khán giả cho rằng, phát biểu của ông Sơn chuẩn xác, không những sốc mà họ còn giật mình bởi những mánh khoé, thủ đoạn nham hiểm của một số bộ phận quan chức tha hoá.
Thực ra, so với những bộ phim truyền hình chống tham nhũng, tiêu cực của Trung Quốc như “Quan chức nhà nước”, “Công tố viên”…thì “Chạy án” còn kém xa về kĩ thuật làm phim. Theo đạo diễn Vũ Hồng Sơn thì “kinh phí quá eo hẹp”. Không chỉ ông Sơn phát biểu, diễn viên Phan Hoà cũng khẳng định như vậy. Lực bất tòng tâm, nhiều ý tưởng trong kịch bản không chuyển tải hết.
Một nhà phê bình điện ảnh xin giấu tên nói:Trong bối cảnh phim truyền hình sản xuất để tránh thủng sóng thì “Chạy án” là bộ phim chấp nhận được…
“Đạo diễn đã cố tránh không muốn nói bối cảnh bộ phim diễn ra ở Hà Nội bằng chứng lấy biển số xe 10. Nhưng khi taxi chạy đón đưa các nhân vật trong phim lại có biển số lại là 30 hay 29, đây là biển số Hà Nội. Sơ xuất nhỏ khá …vui” Huỳnh La (xã Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) “Khoái nhất là nhân vật Lê Thanh. Lão này mắng chủ tịch tỉnh xơi xơi. Diễn viên Nguyễn Hải đóng rất đạt, nhất là những đoạn tâm sự với con hổ. Lời thoại phim cũng hay, sâu sắc, dẫn cả lời Lão tử, triết gia phương Tây…, chứng tỏ nhà biên kịch hiểu biết rộng” Nguyễn Văn Bình (Hiền Khánh, Vụ Bản, Nam Định) “Sau "Ma làng", nay mới thấy có “Chạy án” là hấp dẫn. Không biết bộ phim “Gió làng Kình” có chiều năm nay không, nếu không thì “Chạy án” khó tuột khỏi giải “Phim được khán giả yêu thích nhất năm 2008” Thanh Vân (nuxugiainhan@gmail.com)