Điểm nhấn vườn mẫu
Sau 10 năm nỗ lực, năm 2020, huyện Vũ Quang trở thành huyện miền núi đầu tiên trên cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Phát huy những kết quả đã đạt được, những năm qua, không khí xây dựng NTM tiếp tục diễn ra sôi nổi ở huyện biên giới Vũ Quang. Người dân tập trung cao nâng chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí, tạo không khí lao động hăng say, phấn khởi trong từng cộng đồng dân cư.

Không khí xây dựng nông thôn mới tiếp tục diễn ra sôi nổi ở huyện biên giới Vũ Quang. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Ấn tượng đầu tiên khi đến thăm vườn mẫu sinh thái của gia đình ông Nguyễn Quang Đài ở thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh là khu vườn được quy hoạch khoa học, xanh mướt, cho thu nhập ổn định qua từng năm. Dưới hơn 200 gốc cam, 100 đàn ong nuôi lấy mật được ông Đài chăm sóc tỉ mẩn.
Ông Đài cho biết: Sau khi địa phương phát động phong trào xây dựng vườn mẫu, ông đã tiên phong đăng ký quy hoạch và xây dựng lại vườn xanh sạch đẹp. Sau nhiều năm miệt mài, đến năm 2023, vườn gia đình ông Đài đã được công nhận vườn mẫu sinh thái cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Vườn mẫu sinh thái của gia đình ông Đài không chỉ minh chứng cho sự cần cù, nỗ lực của người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Vườn mẫu sinh thái của gia đình ông Nguyễn Quang Đài cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Bên cạnh việc xây dựng các vườn mẫu tạo điểm nhấn trong xây dựng NTM, nông thôn trên địa bàn huyện Vũ Quang đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ được xây dựng trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương, các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại thu nhập cao cho người dân. Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Đình Cảnh tại thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh là một điển hình như vậy.
Trên diện tích hơn 2,5ha, anh Cảnh đầu tư đầu tư chuồng trại nuôi lợn khép kín với đầy đủ trang thiết bị nhằm tạo môi trường nuôi tốt nhất cho 10 lợn nái sinh sản và gần 100 con lợn thịt. Ngoài ra, mỗi năm anh Cảnh nuôi 2 lứa gà lấy thịt với hơn 1.000 con và thả nuôi gần 50 con dê. Toàn bộ phân chuồng trong quá trình chăn nuôi được anh Cảnh xử lý bón cho hơn 1 nghìn gốc chanh. Với sự đầu tư bài bản và quyết tâm, mô hình chăn nuôi - trồng trọt tổng hợp giúp gia đình anh Cảnh vươn lên làm giàu.

Mô hình chăn nuôi - trồng trọt tổng hợp của anh Nguyễn Đình Cảnh. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Xã Đức Lĩnh là một trong những lá cờ đầu trong xây dựng NTM ở Vũ Quang, với những thành công ấn tượng trong xây dựng cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, phát triển sản xuất. Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xã được thành lập. Đến nay, toàn xã có 3 HTX, 48 tổ hợp tác, 2 doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh - dịch vụ, tất cả đều hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, xã Đức Lĩnh cũng ghi nhận hơn 400 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người toàn xã cũng liên tục được nâng lên trong những năm qua.
Ông Nguyễn Đức An, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: Những năm qua, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi như hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, đưa các bộ giống năng suất cao vào sản xuất... Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng quy mô và áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đến nay toàn huyện Vũ Quang có 20 sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Vũ Quang xác định cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao mức sống của người dân, trong đó chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem giải pháp đột phá của mục tiêu đó. Thực tế, chương trình OCOP đã mang lại nhiều khởi sắc, giúp đời sống người dân tham gia chương trình từng bước được nâng cao. Từ chương trình OCOP, nhiều sản phẩm chủ lực của các địa phương ngày càng phát triển, khẳng định uy tín với người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho các chủ thể.
Cú hích từ chương trình OCOP
Thời gian qua, nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói nông sản, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Đến nay, toàn huyện Vũ Quang có 20 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt sao đã phát huy hiệu quả khá rõ nét, tạo niềm tin cho khách hàng, có tem nhãn, mẫu mã bao bì đẹp, có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm được tiêu thụ với giá cao hơn bình quân chung toàn huyện.
Trong công cuộc xây dựng NTM, ngoài vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Vũ Quang đã linh hoạt hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình như cụm dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp; cụm dân cư sinh thái; nhà văn hóa trí tuệ...

Kinh tế nông nghiệp là động lực quan trọng giúp Vũ Quang sớm trở thành huyện miền núi đầu tiên trên cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Từ đầu năm 2024 đến nay, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, toàn huyện đã huy động được hơn 25 tỷ đồng, gần 200 nghìn ngày công lao động, vận động người dân hiến gần 25 nghìn m2 đất và hàng trăm công trình kiên cố để nâng cấp hơn 14km nền và lề đường giao thông, chỉnh trang hơn 6.685 vườn hộ…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động được sự vào cuộc đồng bộ của nhân dân, đến nay, huyện Vũ Quang đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao (điện; thuỷ lợi - phòng chống thiên tai; an ninh trật tự - hành chính công; môi trường), các tiêu chí còn lại đã đạt từ 80 - 90%.
Phát huy những kết quả đạt được, những tháng đầu năm mới 2025, Vũ Quang tiếp tục vận động nhân dân tích cực chung tay cùng chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, không để mục tiêu này bị đứt quãng. Đồng thời sử dụng các nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu sớm đưa địa phương về đích NTM nâng cao trong năm 2025.