Chia sẻ tại hội thảo "Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tiễn hành động" do Báo Tiền phong tổ chức sáng 20/4 tại TP.HCM, TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: Trong các bệnh không lây nhiễm, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai. Năm 2021, toàn thế giới có 12,2 triệu ca đột quỵ mắc mới mỗi năm. Trung bình 3 giây có một ca mắc mới, trong 4 người thì có một người bị đột quỵ.

TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Hà Duyên.
Chi phí toàn cầu ước tính của đột quỵ là hơn 890 tỷ USD chiếm 0,66% tổng GDP toàn cầu. Sự gia tăng liên tục gánh nặng của đột quỵ là một thách thức lớn đối với các hệ thống y tế trên thế giới. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị đột quỵ dù được chữa trị tại trung tâm tốt nhất, khả năng quay trở lại công việc trước đây vẫn không khả quan, tối đa chỉ khoảng 50%.
Đáng chú ý, đột quỵ không còn là bệnh của người già. Năm 2019, 63% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 70 tuổi và 16% xảy ra với những người dưới 50 tuổi. 89% số ca tử vong do đột quỵ và tàn tật trên toàn cầu cộng lại xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.
Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam nằm số những nước có màu đỏ đậm nhất - nhóm các quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất. Tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ lần lượt là 161 và 415 trên 100.000 người.
Theo TS.BS Nguyễn Tất Đạt - Khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Chợ Rẫy) – nhận định, cho hay đột quỵ được xem là bệnh lý hàng đầu gây ra tàn phế. Mỗi năm, Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ mắc mới. So với các nước có nền kinh tế tương đương thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tử vong cao nhất.
"Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở người trên 60 tuổi, và ở nhóm người trên 75 tuổi, nguy cơ tử vong sau đột quỵ cao gấp ba lần. Các yếu tố nguy cơ được phân thành hai nhóm. Nhóm không thể thay đổi như tuổi cao, giới tính nam và yếu tố di truyền. Nhóm có thể thay đổi bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ, hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì và ít vận động", bác sĩ nhận định.

TS.BS Nguyễn Tất Đạt - Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Duy Anh.
Gợi ý giải pháp phòng chống đột quỵ, TS.BS. Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, cần có chiến lược phòng chống đột quỵ phải đa ngành và tổng lực.
Theo đó, cần có chiến lược với toàn dân như thiết lập cộng đồng lành mạnh - nơi hoạt động thể lực, dinh dưỡng lành mạnh với giá phải chăng, giảm sử dụng thuốc lá, muối, đường và tiêu thụ cồn và chất béo chuyển hóa. Từ đó, thúc đẩy lối sống lành mạnh, giáo dục nâng cao nhận thức về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ, thuốc với giá phải chăng để người dân có thể tiếp cận.
Song song đó là xây dựng chiến lược cá nhân như sàng lọc đơn giản về huyết áp tâm thu, hút thuốc lá, thừa cân, chẩn đoán, xác định người có bất cứ nguy cơ của đột quỵ, bệnh tim mạch. Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch, đột quỵ như bắt đầu với thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ.
Trong khi đó, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng việc tổ chức mạng lưới các đơn vị đột quỵ, đưa ra quy trình đi đâu về đâu sẽ làm giảm tối đa hậu quả gây ra của bệnh đột quỵ. Từ đó, ông đề xuất có phối hợp, sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương để có thể giúp điều trị đột quỵ đạt hiệu quả tối đa.