Để thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á tăng tốc loại bỏ nhiệt điện than, tổ chức quốc tế Verra - đơn vị kiểm định tín chỉ carbon, đã chính thức công bố phương pháp chứng nhận mới cho phép chuyển lượng phát thải giảm được từ việc đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than thành tín chỉ carbon có thể giao dịch. Phương pháp này mở ra hướng huy động nguồn vốn mới, bù đắp tổn thất tài chính cho các bên liên quan và tạo động lực mạnh mẽ cho các sáng kiến chuyển đổi năng lượng sạch.

Khung tín dụng carbon mới thúc đẩy việc ngừng hoạt động sớm các nhà máy điện than ở Đông Nam Á. Ảnh: iStock.
Theo Verra, các dự án áp dụng “Phương pháp luận VM0052 về thúc đẩy đóng cửa sớm nhà máy nhiệt điện than qua chuyển đổi công bằng” phải đi kèm với phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới. Mục tiêu là tạo ra các “tín chỉ chuyển đổi” chất lượng cao, đồng thời đảm bảo yếu tố công bằng, tức có các biện pháp hỗ trợ công nhân và cộng đồng chịu tác động bởi việc đóng cửa nhà máy, cả về xã hội lẫn kinh tế.
Phương pháp luận này do Coal to Clean Credit Initiative (CCCI - tạm dịch là Sáng kiến Tín chỉ chuyển đổi từ Than sang Sạch”) thuộc Quỹ Rockefeller phát triển. Việc được Verra phê duyệt giúp tăng độ tin cậy cho các dự án tín chỉ carbon, từ đó mở rộng cơ hội phát triển thị trường tín chỉ tại các quốc gia đang chuyển dịch năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Joseph Curtin, Giám đốc phụ trách năng lượng và khí hậu của Quỹ Rockefeller, hiện phương pháp này chỉ áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than đấu nối trực tiếp vào lưới điện quốc gia, chưa bao gồm các nhà máy tự dùng (CPPs) phục vụ riêng các khu công nghiệp, doanh nghiệp mà không hòa lưới.
Tín chỉ chuyển đổi đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn, chính phủ lớn. Năm ngoái, HSBC và Standard Chartered đã bắt đầu nghiên cứu các dự án liên quan. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) là đối tác của CCCI, đang hỗ trợ tập đoàn ACEN của Philippines đóng cửa sớm một nhà máy than trước 10 năm so với kế hoạch, với tổng chi phí dự kiến lên tới 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp như Keppel, GenZero (quỹ đầu tư xanh) của Singapore, Mitsubishi (Nhật Bản) và Diamond Generating Asia (DGA) cũng vừa tham gia sáng kiến.
Cơ hội phát triển thị trường tín chỉ carbon tại các nền kinh tế mới nổi còn thu hút cả doanh nghiệp Mỹ. Trung tâm Giải pháp Khí hậu & Năng lượng (C2ES) của Mỹ đã ra mắt “Liên minh Kinetic”, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển. Theo Chủ tịch C2ES Nat Keohane, liên minh này hiện quy tụ khoảng 20 đối tác tiềm năng như PepsiCo, Amazon, Mastercard, McDonald’s - các tập đoàn lớn đang tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phương pháp mới của Verra là công cụ tiềm năng để thúc đẩy quá trình loại bỏ nhiệt điện than sớm, chuyển đổi công bằng, giảm phát thải và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong khu vực và toàn cầu.