| Hotline: 0983.970.780

Startup Kenya tạo tín chỉ carbon từ không khí

Thứ Sáu 18/07/2025 , 16:30 (GMT+7)

Octavia Carbon, startup đến từ Kenya, đang tiên phong trong công nghệ thu giữ carbon trực tiếp từ không khí.

Tại vùng bán hoang mạc miền Trung Kenya, một startup công nghệ xanh mang tên Octavia Carbon đang âm thầm thực hiện tham vọng lớn: thu giữ carbon trực tiếp từ không khí để tạo tín chỉ carbon – một giải pháp đột phá nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nằm trên vành đai địa nhiệt của Thung lũng Tách giãn Lớn, Kenya sở hữu nguồn năng lượng địa nhiệt dồi dào, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện quốc gia. Chính điều này giúp Octavia Carbon tận dụng được nguồn hơi nước nóng giá rẻ để vận hành công nghệ Direct Air Carbon Capture (DACC), theo chia sẻ của kỹ sư Hannah Wanjau thuộc công ty Octavia Carbon.

Theo ông, Kenya không chỉ có lợi thế về năng lượng mà còn sở hữu tầng đá bazan lý tưởng để lưu trữ carbon dưới lòng đất trong thời gian dài, giúp hiện thực hóa giấc mơ phát triển một ngành công nghiệp mới: thu giữ và lưu trữ carbon.

 Octavia Carbon là công ty tiên phong về công nghệ DACC tại khu vực Toàn cầu Phía Nam, nhằm thu CO₂ trực tiếp từ không khí, lưu trữ dưới lòng đất để giúp chống biến đổi khí hậu. Ảnh: 3BL Media.

 Octavia Carbon là công ty tiên phong về công nghệ DACC tại khu vực Toàn cầu Phía Nam, nhằm thu CO₂ trực tiếp từ không khí, lưu trữ dưới lòng đất để giúp chống biến đổi khí hậu. Ảnh: 3BL Media.

"DACC là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, hút không khí qua một bộ lọc hóa học. Sau khi bão hòa khí nhà kính, nó sẽ được làm nóng trong môi trường chân không để giải phóng CO₂, tiếp theo được đóng chai hoặc lưu trữ dưới lòng đất. Mỗi máy DACC thử nghiệm của Octavia hiện có khả năng thu giữ khoảng 10 tấn CO₂ mỗi năm, tương đương với lượng hấp thụ của 1.000 cây xanh và được giao dịch dưới dạng tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp và chính phủ muốn bù đắp phát thải", kỹ sư Hannah Wanjau cho biết.

Octavia vừa ký hợp tác với Cella Mineral Storage, mở ra khả năng giúp Kenya trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới – sau Iceland, chôn giữ CO₂ dưới lòng đất. Đáng chú ý, startup này đã ký hợp đồng bán tín chỉ carbon trị giá 3 triệu USD, một nửa trong số đó đã được trả trước. Đồng sáng lập Martin Freimüller khẳng định: “Thế giới thường nghĩ châu Phi là nạn nhân của biến đổi khí hậu, nhưng chúng tôi muốn chứng minh rằng châu Phi hoàn toàn có thể đi đầu trong việc giải quyết nó, với công nghệ được chế tạo và phát triển ngay tại Kenya.”

Hiện Octavia đang đặt mục tiêu đưa vào vận hành nhà máy công suất 1.000 tấn/năm vào năm 2026. Bất chấp những hoài nghi về "tô màu xanh" cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, Tổ chức IPCC của Liên hợp quốc khẳng định thu giữ carbon là giải pháp cần thiết cho các lĩnh vực khó giảm phát thải như xi măng và thép.

Tổng hợp từ Reuters

Xem thêm
Cơ quan Khí tượng Anh cảnh báo thời tiết cực đoan trở thành 'bình thường mới'

Cơ quan Khí tượng Anh (Văn phòng Met) cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng phổ biến tại đây.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất