U70 được hỗ trợ đào tạo, chuyển nghề
Cũng như nhiều hộ dân khác, bà Tải Thị Nghiêm ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối hết sức bức xúc và khó hiểu trước việc thu hồi hàng nghìn mét vuông đất ở, đất trồng cây, trồng lúa... của gia đình. Lo lắng nhất đối với bà là khi không còn đất canh tác thì làm gì để nuôi các cháu ăn học.

Cuộc sống người dân xáo trộn trong nhiều năm, không thể phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: H.Đ.
"Nhà bà dưới ruộng có 1.700m2 đã thu xong từ 2019 được hơn 200 triệu đồng tiền bồi thường. Còn gần 4.300m2 nữa gồm nhà, vườn bảo cũng thu hồi hết. Sinh sống ở đây mà không có đất thì sống thế nào. Bà chỉ sống dựa vào trồng rau, hoa mận để mua mắn, mua muối nuôi các cháu ăn học", bà Tải Thị Nghiêm 65 tuổi lắc đầu tỏ ý không hài lòng.
Bà đưa ra lý do không chấp nhận giao nốt đất: "Các bà chưa nhận tiền đền bù, làm đường rộng bao nhiêu đã lấy rồi. Còn lại để cho dân trồng cây ăn quả, trồng rau để sinh sống. Các bà băn khoăn thu để làm gì mà nhiều đất thế? Bà muốn ở tại chỗ cũng không cho vì không cho tái định cư tại chỗ".
Qua trao đổi, người dân chỉ ra những bất cập trong thu hồi đất, áp giá, bồi thường, tái định cư của dự án vành đai 2 Bắc Hà do tỉnh Lào Cai phê duyệt (như đã phản ánh). Có hay không những khuất tất khi thu hồi đất trái mục đích làm đường đã được phê duyệt?
Cùng thôn Na Hối Tày, bà Nùng Thị Hò (chủ hộ) hiện ở cùng cháu ngoại đang học lớp 12. Bà cho rằng, nhà nước sử dụng đúng mục đích như điện - đường - trường - trạm, nếu cần làm dự án phải gặp gỡ bàn bạc cụ thể với nhân dân; phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể và được đền bù thỏa đáng. Khi thu hồi đất cần đảm bảo chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo bà, việc thu hồi đất sản xuất và được tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm việc, nhưng không hữu ích, vì bà đã gần 70 tuổi. Ở Bắc Hà, người dân sinh sống nhờ canh tác trên đất nông nghiệp là chủ yếu.
Ông Lương Văn Thòn (60 tuổi) cũng không đồng ý với áp giá bồi thường, 1.000m2 đất ruộng, 2.500m2 đất ở, trồng cây lâu năm với mức bèo bọt. Cuộc sống của gia đình ông chắc chắn khó khăn hơn gấp bội khi không còn ruộng, vườn.
Ông Thòn không muốn ly nông rồi phải ly hương khi ở Bắc Hà hiện không có bất kỳ nhà máy, cụm công nghiệp nào…
Đành rằng, quy định thu hồi đất nông nghiệp phải được hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng tỉnh Lào Cai và huyện Bắc Hà đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, định hướng cho hộ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án hay chưa?
Dân khổ, ai được lợi?
Trở lại với mục tiêu cao đẹp dự án vành đai 2 Bắc Hà đặt ra… để phát triển kinh tế xã hội. Song, thực tế việc thu hồi đất triệt để của người dân như nhát dao chặt đứt tia hy vọng xóa nghèo của họ. Có đất, có vườn, có nhà… bà con có cơ hội làm giàu nhờ du lịch xanh, du lịch cộng đồng.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều hộ phải chuyển nơi sinh sống (4 hộ vào Na Lu Ván giáp rừng, 2 hộ chuyển đất khác…) chủ yếu vì không có tiền dựng nhà.

Bà con vùng cao Bắc Hà sinh sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Đ.
Với bà con dân tộc thiểu số, trình độ hạn hẹp các căn cứ pháp lý dài cả trang, những tờ thông báo, quyết định thu hồi, chuyển mục đích đất của họ sang đất công cộng, đất ở… để hiểu được không khác gì bị buộc phải giải đố. Trong khi, vấn đề đất đai vốn đã phức tạp.
Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của dự án cho đến nay chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Song, hệ lụy của đường vành đai 2 đã hiện hữu, ngày càng rõ ràng, kéo lùi đời sống vật chất tinh thần người dân. Không ai khác, người dân phải gánh chịu. Không ai có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm?
Bắc Hà là huyện nghèo, chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc làm đường vành đai 2 và thu hồi đất tràn lan, đẩy người dân tộc thiểu số vào nơi không có đất xuất. Vô hình chung đã tạo tạo áp lực lên người dân, dồn họ vào thế khó khăn, trước khi phê duyệt dự án, tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đã tính toán việc này?
Với cách xoay sở nguồn lực phục vụ dự án, những hệ lụy xảy ra, người dân hoàn toàn có thể đặt câu hỏi có hay không việc vẽ dự án để cho doanh nghiệp làm? Dân chịu thiệt, ai được lợi? Vai trò của Công ty TNHH Anh Nguyên trong dự án này ra sao?
Một thông tin khác người dân phản ánh, trong các bảng áp giá đền bù vì sao chỉ được áp dụng “Hộ gia đình bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp” trong khi họ bị thu hồi 100% diện tích đất canh tác?
Có thể thấy, cho đến nay, chính quyền và nhiều hộ dân chưa có tiếng nói chung, chưa giải đáp được những khúc mắc về quyền lợi thì việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của dự án vành đai 2 hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu. Có hay không việc né trách nhiệm của lãnh đạo địa phương để dự án kéo dài tới 3 "đời" Chủ tịch UBND huyện?