Vacxin phòng bệnh zona vốn được sử dụng nhằm ngăn ngừa tái phát virus thủy đậu ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature đã phát hiện rằng loại vaccine này còn có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi tới 20%.

Chứng mất trí nhớ thường xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là từ sau tuổi 65. Ảnh: Health.
Bệnh zona xảy ra khi virus Varicella-zoster, nguyên nhân gây thủy đậu, được kích hoạt trở lại sau thời gian dài ẩn náu trong các hạch thần kinh. Khi miễn dịch suy yếu do tuổi tác hoặc bệnh lý, virus có thể gây ra các mảng phát ban đau rát, thường kéo dài trong nhiều tuần, kèm theo nguy cơ biến chứng như đau thần kinh kéo dài hoặc mất thị lực. Khoảng 1/3 người trưởng thành sẽ mắc zona trong suốt cuộc đời, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Trong khi đó, sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer, đang ngày càng phổ biến ở nhóm dân số già. Nhiều giả thuyết cho rằng các loại virus xâm nhập thần kinh, đặc biệt là Herpesvirus, có thể góp phần làm tăng nguy cơ thoái hóa não do gây viêm kéo dài và tổn thương tế bào thần kinh. Từ nền tảng này, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: nếu virus góp phần vào quá trình mất trí nhớ, liệu kiểm soát virus bằng vaccine có thể giảm nguy cơ đó hay không?
Để làm rõ, nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đã tận dụng một “thí nghiệm tự nhiên” từ chương trình tiêm chủng tại xứ Wales, nơi chỉ những người tròn 79 tuổi vào ngày 1/9/2013 mới đủ điều kiện tiêm vaccine Zostavax, loại vaccine zona thế hệ đầu tiên. Dữ liệu từ hơn 280.000 hồ sơ y tế trong 7 năm theo dõi cho thấy nhóm được tiêm vaccine có tỷ lệ mắc sa sút trí tuệ thấp hơn 20% so với nhóm không tiêm.
Sự khác biệt này đặc biệt rõ rệt ở nữ giới, nhóm vốn có nguy cơ mất trí cao hơn. Tác dụng phòng ngừa xuất hiện từ năm thứ hai sau tiêm, cho thấy đây không phải hiệu ứng tạm thời.
Một nghiên cứu độc lập khác cũng đăng trên Nature đã khai thác chương trình tiêm chủng tại Anh, nơi chỉ những người sinh vào hoặc sau ngày 2/9/1933 được mời tiêm phòng. Thiết kế phân chia theo ngày sinh này tạo ra hai nhóm gần như tương đồng về tuổi tác, sức khỏe và lối sống, nhưng chỉ khác ở việc có được tiêm hay không. Phân tích dữ liệu từ hàng trăm nghìn người cho thấy tỷ lệ chẩn đoán sa sút trí tuệ ở nhóm được tiêm thấp hơn 3,5%, tương đương mức giảm nguy cơ khoảng 20%.
Kết quả còn ghi nhận nhóm tiêm vaccine có tỷ lệ nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp thấp hơn 12% và tỷ lệ tử vong liên quan đến sa sút trí tuệ cũng thấp hơn. Những phát hiện này củng cố giả thiết rằng vaccine không chỉ tạo miễn dịch đặc hiệu chống lại zona mà còn kích hoạt một cơ chế miễn dịch rộng hơn, còn gọi là “miễn dịch huấn luyện”. Theo đó, sau khi được kích thích, hệ miễn dịch bẩm sinh phản ứng mạnh hơn và hiệu quả hơn trước nhiều tác nhân khác, trong đó có các yếu tố liên quan đến viêm thần kinh.

Các chuyên gia cho rằng, cần thêm các nghiên cứu để xác định tác dụng của vaccine ngừa bệnh zona và nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Ảnh: Nature.
TS Maria Nagel, Đại học Colorado, chuyên gia về virus xâm nhập hệ thần kinh, lý giải rằng Varicella-zoster có thể xâm nhập vào mạch máu não, gây viêm, hình thành cục máu đông và ảnh hưởng đến lưu thông máu, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ và sa sút trí tuệ. Ngoài ra, zona có thể thúc đẩy sự hình thành protein Amyloid - một dấu hiệu sinh học của bệnh Alzheimer.
Dù hai nghiên cứu trên sử dụng dữ liệu từ những người tiêm Zostavax, loại vaccine sống giảm độc lực, hiện nay CDC đã thay thế bằng Shingrix, một loại vaccine tái tổ hợp hiệu quả hơn và an toàn hơn, tiêm hai liều cách nhau vài tháng.
Mặc dù có thể gây một số tác dụng phụ nhẹ như sốt, đau cơ hoặc mệt mỏi, Shingrix được khuyến cáo tiêm cho mọi người từ 50 tuổi trở lên hoặc người trẻ có suy giảm miễn dịch. Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy Shingrix có thể mang lại hiệu quả tương tự trong phòng ngừa sa sút trí tuệ, và hãng dược phẩm GSK hiện đang phối hợp với giới chức y tế Anh để theo dõi thêm.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý một số hạn chế. Cả hai nghiên cứu đều dựa trên dữ liệu ở người cao tuổi, do đó chưa rõ tác dụng này có xảy ra ở nhóm tuổi trẻ hơn hay không. Ngoài ra, hiệu quả phòng sa sút trí tuệ của Shingrix vẫn cần được xác nhận qua các nghiên cứu độc lập có thời gian theo dõi dài hơn. Một số yếu tố như thói quen sinh hoạt, khả năng tiếp cận y tế và tình trạng kinh tế cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến kết quả, dù phương pháp “thiết kế gián đoạn” đã cố gắng giảm thiểu những khác biệt này.
Dù còn một số câu hỏi chưa được làm rõ, phát hiện về tác dụng bảo vệ não bộ của vaccine phòng bệnh zona mang lại hy vọng trong bối cảnh dân số già hóa và các bệnh lý thần kinh ngày càng phổ biến. Điều đáng nói là vaccine này đã được kiểm chứng về độ an toàn, có sẵn trên thị trường và chi phí tương đối thấp so với các phương pháp can thiệp khác.
Trong khi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm sa sút trí tuệ, các chuyên gia vẫn khuyến cáo duy trì chế độ sống lành mạnh: vận động thể chất thường xuyên, ăn uống cân đối, giữ các hoạt động nhận thức và xã hội, kiểm soát huyết áp và đường huyết. Việc tiêm phòng zona, nếu được xác nhận rộng rãi qua các nghiên cứu tiếp theo, có thể trở thành một phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ trí nhớ và chất lượng sống cho người cao tuổi.
Một mũi tiêm nhỏ, nhưng có thể là bước tiến lớn trong phòng ngừa một trong những thách thức y tế lớn nhất của thế kỷ 21.