Hòa bình là điều kiện, nhưng tương lai là lựa chọn và thế hệ trẻ đang lựa chọn đưa Việt Nam vươn ra thế giới bằng đôi tay, khối óc và trái tim của mình.
Năm nay, chúng ta bước vào mùa 30/4 với một tâm thế rất khác. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước liền một dải, ký ức chiến tranh vẫn là tầng sâu trong lịch sử dân tộc, nhưng ánh nhìn của thế hệ trẻ đã vượt qua vết thương, vượt khỏi những chia cắt, để hướng tới những giấc mơ mới, giấc mơ đưa Việt Nam vươn xa trên bản đồ kinh tế, văn hóa và công nghệ toàn cầu.
Đã đến lúc thôi kể về chiến tranh bằng súng ống, bom đạn, mà cần viết tiếp về hòa bình bằng tư duy phát triển, sáng tạo, và tầm nhìn hội nhập. “Giải phóng” không còn chỉ là cột mốc của quá khứ, mà là sứ mệnh hiện tại: giải phóng tiềm năng, tư duy, và sức mạnh nội sinh, nhất là của những người trẻ bước ra từ làng quê, mang theo mùi đất, giọng quê, và khát vọng ra thế giới.

Đã đến lúc thôi kể về chiến tranh bằng súng ống, bom đạn. Ảnh: Tùng Đinh.
Những xóm làng từng chìm trong đạn lửa giờ đã thành cánh đồng xanh. Những trường làng giờ có học sinh đoạt giải quốc tế. Những chàng trai từng theo con trâu ra ruộng giờ làm việc từ xa cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu. 50 năm trước, cha ông giữ nước bằng máu. 50 năm sau, thế hệ trẻ hậu chiến đưa quốc gia bước ra thế giới, bằng nội lực của đất, của người và của văn hóa Việt.
Việt Nam không còn là cái tên xa lạ. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt 730.000 tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và 20,2% về giá trị so với năm trước . Trong lĩnh vực cà phê, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản lượng, đạt 1,806 triệu tấn, chiếm 17% tổng sản lượng toàn cầu.
Về xuất khẩu gạo, Việt Nam xếp thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với sản lượng xuất khẩu đạt 9 triệu tấn, trị giá 5,7 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Á, với tổng vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 25,35 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9,4% so với năm trước. Nhưng vị thế đó sẽ mong manh nếu không có người trẻ tiếp bước.

Việt Nam giờ đây đã trở thành biểu tượng của tốc độ, đổi mới và ổn định. Ảnh minh họa.
Nếu thế giới biết đến hạt cà phê Việt mà chưa cảm nhận được hương vị Việt, biết đến nông sản Việt mà chưa hiểu hồn quê Việt, biết đến cần cù Việt mà chưa thấy trí tuệ thời đại số của người Việt trẻ thì hành trình hội nhập vẫn còn dang dở.
Từ một biểu tượng của chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành biểu tượng của tốc độ, đổi mới và ổn định. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó? Thế giới biết đến Việt Nam vì phở, vì chiến thắng Điện Biên Phủ, vì thiên nhiên tươi đẹp, vì đức tính cần cù, nếu là vậy đã đủ chưa?
Thế giới đã có K-pop, K-food và Samsung từ Hàn Quốc, anime và Toyota từ Nhật Bản, iPhone và Marvel từ Mỹ. Còn Việt Nam, 50 năm sau hòa bình, sẽ mang điều gì ra thế giới?
Câu hỏi không còn là “Liệu Việt Nam có thể vươn lên?” mà là “Người trẻ hôm nay có dám dấn thân và dẫn dắt?”. Và chúng ta đã có câu trả lời. Trên khắp miền quê, người trẻ đang viết lại câu chuyện làng quê theo cách rất khác. Không còn gắn với nghèo khó và ly hương, làng quê giờ là nơi sản sinh ra ý tưởng khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, điểm đến du lịch sinh thái, và trung tâm sáng tạo nông nghiệp số.
Ở Lâm Đồng, rau hữu cơ từ hợp tác xã do người trẻ điều hành đã có mặt trong chuỗi siêu thị Nhật. Ở Sóc Trăng, các video hướng dẫn làm bánh truyền thống thu hút hàng triệu lượt xem, đưa đặc sản quê nhà ra thế giới qua nền tảng số. Ở Thanh Hóa, một cậu bé từng chăn trâu nay là kỹ sư AI tại tập đoàn nước ngoài, nhưng vẫn giữ giọng quê và phát triển ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp bền vững quê mình.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cả nước hiện có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2024. Trong số đó, 48 sản phẩm OCOP 5 sao đã thành công thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Gần 30% startup nông nghiệp do người trẻ sáng lập, phần lớn đến từ nông thôn. Thanh niên nông thôn không còn là đối tượng cần hỗ trợ, mà là lực lượng kiến tạo.
Họ không chỉ sản xuất, mà còn kể câu chuyện nông nghiệp bằng ngôn ngữ hiện đại: thiết kế bao bì, làm truyền thông số, xây dựng thương hiệu bản địa, kết nối logistics. Nhiều bạn trẻ quay lại làng sau đại học không phải vì thất thế, mà vì nhận ra tiềm năng quê hương.
Một bạn trẻ có thể vừa gặt lúa, vừa livestream bán hàng cho khách Nhật. Một nhóm sinh viên có thể thiết kế tour trải nghiệm mùa gặt, đưa du khách Hàn đến ăn cơm giữa đồng, nghe cải lương lúc chiều buông. Những điều tưởng nhỏ ấy, chính là cách Việt Nam kể lại câu chuyện của mình không chỉ bằng con số tăng trưởng, mà bằng bản sắc, tự hào, và sức sống văn hóa.
Từ chỗ từng bị coi là “chậm phát triển”, làng quê Việt hôm nay trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và bản lĩnh vươn lên của thế hệ hậu chiến. Từ nơi đó, người trẻ mang theo khát vọng lớn đưa tiếng nói, tri thức và bản sắc Việt vươn ra thế giới.

Người trẻ mang theo khát vọng lớn đưa tiếng nói, tri thức và bản sắc Việt vươn ra thế giới. Ảnh minh họa.
Người trẻ hôm nay không chỉ là lao động, mà là công dân toàn cầu. Họ du học, làm việc ở nước ngoài, khởi nghiệp xuyên biên giới, sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Nhưng điều họ đau đáu không phải là “rời khỏi Việt Nam”, mà là “đưa Việt Nam đi xa hơn”.
Chúng ta không thể mãi là “nước gia công”, mà phải là quốc gia sáng tạo. Không chỉ gia công sản phẩm cho thế giới, mà còn tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa và trí tuệ Việt.
Chúng ta mơ có những bộ phim Việt lọt top Netflix toàn cầu, không chỉ vì cảnh đẹp mà còn vì nội dung sâu sắc, đậm chất Việt. Chúng ta muốn có những đầu bếp, nghệ sĩ, nhà thiết kế Việt được vinh danh ở Milan, Tokyo, Paris mà vẫn giữ được hồn dân tộc. Chúng ta muốn có những startup tỷ đô do người Việt sáng lập trên đất Mỹ, đất Âu nhưng vẫn đặt trụ sở tại Hà Nội, TP.HCM.
Ngày 30/4 hôm nay không chỉ là ngày kỷ niệm, mà là lời nhắc rằng: đất nước này từng vượt qua đạn bom, thì không có gì là không thể. Nhưng nếu ngày ấy cha ông giữ đất nước bằng máu, thì hôm nay người trẻ phải đưa đất nước đi xa bằng khối óc và trái tim.
Để mỗi sản phẩm Việt ra thế giới là một lá cờ giữa thương trường! Để mỗi làng quê Việt là một biểu tượng văn hóa sống!