Trung Quốc đang chứng kiến đà phục hồi nhập khẩu sầu riêng sau thời gian sụt giảm kéo dài. Tính riêng tháng 4/2025, nước này nhập hơn 61.000 tấn sầu riêng, trị giá 345,2 triệu USD, tăng hơn 270% so với tháng trước, theo website chuyên về xuất nhập khẩu nông sản Produce Report.

Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thăm vườn trồng sầu riêng. Ảnh: People.
Dù tăng liên tiếp 3 tháng gần đây, sản lượng và giá trị nhập khẩu vẫn chưa đạt mức đỉnh hồi tháng 6/2024, khi lượng sầu riêng nhập đạt hơn 750.000 tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.
Giá trung bình của sầu riêng hiện ở mức 5,64 USD/kg, cao nhất trong 13 tháng qua, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng, đặt ra thách thức cho các quốc gia xuất khẩu.
Thái Lan dẫn đầu với hệ sinh thái xuất khẩu đồng bộ
Là quốc gia chiếm thị phần sầu riêng lớn nhất tại Trung Quốc, Thái Lan đang tận dụng tối đa lợi thế từ chuỗi cung ứng hiện đại, chính sách kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và mạng lưới logistics đa kênh.
Mỗi ngày, khoảng 500 container sầu riêng Thái Lan, tương đương 10.000 tấn, được thông quan qua các cửa khẩu của Trung Quốc. Từ cuối tháng 4, cửa khẩu Long Bang (tỉnh Quảng Tây) - tuyến mới kết nối trực tiếp với Việt Nam - trở thành điểm nhập khẩu chủ lực của sầu riêng Thái, với cơ chế ưu tiên 24/24 giờ, rút ngắn thời gian thông quan xuống chỉ còn một phần ba phương thức truyền thống.
Song song đó, tuyến đường sắt “Lan Thương tốc hành” khai thác 3 chuyến tàu container lạnh mỗi ngày từ Vientiane (Lào) đến Côn Minh, chỉ mất 26 tiếng để hoàn tất vận chuyển. Nhờ đó, mô hình “hái trong ngày - giao ngay hôm sau” được hiện thực hóa, đặc biệt phù hợp với các giống cao cấp như Monthong.
Cảng Nam Sa (TP Quảng Châu), nơi nhập khẩu sầu riêng lớn nhất Trung Quốc, cũng được tăng cường năng lực xử lý. Riêng dịp lễ 1/5, cảng này tiếp nhận 13 chuyến tàu chuyên dụng, tổng khối lượng hơn 28.000 tấn sầu riêng tươi.
Sự đồng hành của Trung Quốc
Tờ Nhân dân Nhật báo cho biết, ngày 19/5 vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan Hàn Chí Cường trực tiếp đến khảo sát vườn sầu riêng tại tỉnh Rayong, thủ phủ sầu riêng miền Đông Thái Lan. Tại đây, ông trao đổi với chủ vườn và nông dân về tình hình mùa vụ, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chất lượng cao sang Trung Quốc.
“Sầu riêng Thái Lan là mặt hàng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Năm ngoái, 85% sản lượng đã xuất khẩu sang Trung Quốc, một minh chứng rõ ràng cho quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi”, ông Hàn nói.
Theo Đại sứ, để hỗ trợ mùa vụ năm nay, Trung Quốc đã duy trì hoạt động thông quan “7 ngày x 24 giờ”, tăng cường nhân lực kiểm dịch, rút gọn quy trình kiểm tra và nâng cao hiệu quả thông quan tại tất cả cửa khẩu tiếp nhận sầu riêng Thái.
Các chính sách thuận lợi cùng hệ thống logistics hiện đại giúp sầu riêng Thái có thể đến tay người tiêu dùng Trung Quốc chỉ sau 3 ngày thu hoạch. Nhiều nông dân tại Rayong cho biết toàn bộ sản lượng thu hoạch trong ngày đều đã có đơn đặt trước, giá thu mua đạt 120 baht/kg (khoảng 3,7 USD/kg) - mức cao nhất kể từ đầu vụ.
Đại sứ Trung Quốc bày tỏ kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác thương mại với Thái Lan, không chỉ trong mặt hàng sầu riêng mà cả các nông sản chất lượng cao khác.

Nông dân Thái Lan thu hoạch sầu riêng. Ảnh: People.
Chất lượng và kiểm soát dư lượng là yếu tố quyết định
Để đáp ứng chính sách kiểm tra 100% lô hàng của Trung Quốc, Thái Lan đã sớm thiết lập chuỗi kiểm soát chất lượng toàn diện. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đưa ra “bộ tiêu chuẩn 4 không”: không quả sượng, không sâu bệnh, không gian lận, không hóa chất cấm. Các nhà máy xử lý đều được khử trùng định kỳ và giám sát nghiêm ngặt dư lượng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc nhuộm vàng O - chất bị Trung Quốc cấm tuyệt đối.
9 phòng thí nghiệm chuyên trách đã được cấp năng lực để phục vụ xuất khẩu, góp phần đưa tỷ lệ trả hàng của Thái Lan xuống dưới 0,5%.
Bên cạnh đó, Thái Lan tăng cường đầu tư vào hạ tầng logistics: từ đường bộ xuyên quốc gia, đường sắt, đường biển tới đường hàng không. Đặc biệt, hơn 150 container lạnh mỗi ngày vận hành qua cảng Laem Chabang, Bangkok tới Quảng Châu, Thâm Quyến. Các giống cao cấp như Musang King, Black Thorn được vận chuyển bằng đường hàng không trong vòng 3-6 tiếng, hiện chiếm 70% thị phần thương mại điện tử cao cấp tại Trung Quốc.
Việc bổ sung thêm 300 container lạnh 40 feet từ năm 2025 giúp giảm tỷ lệ hư hỏng từ 8% xuống còn dưới 3%, gia tăng đáng kể hiệu quả xuất khẩu.
Trong khi Thái Lan ngày càng chiếm ưu thế rõ rệt, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và nâng cấp chuỗi sản xuất. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lượng sầu riêng Việt Nam được thông quan mỗi ngày chỉ bằng 1/5 Thái Lan. 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn, trị giá từ 120-130 triệu USD, trong khi Thái Lan đạt 71.000 tấn, thu về gần 287 triệu USD.
Nguyên nhân được trang The Paper chỉ ra, là Việt Nam chủ yếu thu mua từ các vườn nhỏ lẻ, thiếu sự đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật và thời điểm thu hoạch. Mô hình HTX liên kết doanh nghiệp vẫn còn manh nha, khiến việc kiểm soát chất lượng theo chuỗi gặp nhiều trở ngại.