| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 16/04/2025 , 10:08 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 10:08 - 16/04/2025

Trồng mới, mất cũ

Sự phụ thuộc vào một số ít giống cây trồng thương mại có thể khiến nông nghiệp rơi vào khủng hoảng khi dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu xảy ra.

Lần trước về thăm nhà, tôi đi ngang qua xã Hòa An, tình cờ mua được một cân mận Hòa An với giá 50.000 đồng từ một người nông dân trồng và bán ngay trước cửa nhà. Mức giá ấy không hề rẻ so với nhiều loại trái cây khác, nhưng tôi không hề do dự.

Đằng sau vị ngọt giòn quen thuộc ấy là cả một câu chuyện buồn về sự mai một của các giống cây bản địa - một thực trạng đáng báo động đối với nền nông nghiệp nước ta. Mận Hòa An, giống mận đặc trưng của vùng Đồng Tháp, không chỉ nổi bật bởi hương vị mà còn mang trong mình giá trị văn hóa lâu đời. Nhưng trong cơn lốc của thị trường, loại mận này bị lấn át bởi các giống mận lai ghép có ngoại hình bắt mắt và độ giòn ngọt cao hơn. Để rồi khi nó dần vắng bóng trên thị trường, người ta mới nhận ra mình đã đánh mất hương vị chua ngọt đặc trưng của một thời.

Câu chuyện của mận Hòa An không phải cá biệt. Nó phản ánh một thực tế đáng lo ngại khi nông dân liên tục thay thế giống cây bản địa bằng những giống cây thương mại cho lợi nhuận cao hơn trong ngắn hạn. Nhưng hệ quả dài hạn thì sao?

Khi một giống cây mất đi, không chỉ là mất đi một loại nông sản, mà còn là sự đánh mất một phần hệ sinh thái, một phần lịch sử canh tác của vùng đất ấy. Không chỉ mận Hòa An, nhiều giống cây truyền thống khác cũng đang đối diện với nguy cơ biến mất.

Tại Tiền Giang và Cần Thơ, hàng nghìn hecta trồng xoài cát Hòa Lộc và dâu Phong Điền đã bị chặt bỏ để nhường chỗ cho sầu riêng - loại cây có giá trị xuất khẩu cao. Dù phải mất ít nhất 5 năm mới có thể thu hoạch, nhiều nông dân vẫn chấp nhận đánh cược tương lai, sẵn sàng "lót dép" chờ đợi cơ hội làm giàu từ thị trường xuất khẩu.

Nhưng rủi ro ở đâu? Giá trị kinh tế của cây trồng không chỉ đến từ nhu cầu hiện tại mà còn từ khả năng thích ứng lâu dài. Sự phụ thuộc vào một số ít giống cây trồng thương mại có thể khiến nông nghiệp rơi vào khủng hoảng khi dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu xảy ra.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với bài toán này. Thế giới đã chứng kiến những hệ lụy nghiêm trọng khi bỏ quên giống cây bản địa. Ấn Độ từng có hơn 1.000 giống lúa bản địa, nhưng việc tập trung trồng lúa năng suất cao đã làm mất đi 75% số giống này. Khi biến đổi khí hậu diễn ra, những giống lúa thương mại bỗng trở nên dễ tổn thương trước sâu bệnh, buộc chính phủ phải chi hàng triệu USD để phục hồi các giống lúa bản địa có khả năng chống chịu tốt hơn.

Philippines từng quá phụ thuộc vào chuối Cavendish để xuất khẩu, nhưng bệnh Panama quét qua khiến 30% sản lượng bị thiệt hại. Khi ấy, người ta mới hoảng hốt tìm cách khôi phục những giống chuối bản địa có sức kháng bệnh tốt hơn.

Châu Âu và Mỹ cũng đã đánh mất nhiều giống táo và ngô truyền thống vì chạy theo sản xuất đại trà. Đến khi nhận ra sự suy giảm đa dạng sinh học, họ phải đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình bảo tồn để phục hồi những giống cây này, không chỉ để bảo vệ nông nghiệp mà còn để phát triển du lịch nông sản cũng như nâng cao giá trị thương mại.

Những bài học này là lời cảnh tỉnh cho Việt Nam. Nếu tiếp tục xu hướng loại bỏ giống bản địa, nền nông nghiệp nước ta có thể phải đối mặt với những cú sốc khôn lường. Việc bảo tồn giống cây bản địa không chỉ là trách nhiệm của nông dân mà cần sự chung tay của các nhà khoa học và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Đồng Tháp đang cố gắng khôi phục mận Hòa An và xoài Tượng, nhưng hành trình này không dễ dàng. Chi phí trồng lại mận Hòa An dao động từ 70-100 triệu đồng mỗi hecta, và phải mất 2-3 năm mới có thể thu hoạch. Nhưng nếu được phát triển đúng hướng, giống mận này có thể mang lại giá trị kinh tế ổn định, đồng thời trở thành một đặc sản thu hút du lịch nông nghiệp.

Nông dân Việt Nam không thể chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt mà phải suy nghĩ về tương lai. Nếu không bảo vệ giống cây bản địa ngay từ bây giờ, có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự phụ thuộc vào thị trường, bằng những trận dịch bệnh quét sạch mùa màng, và bằng chính sự bấp bênh của sinh kế nông thôn.

Việc bảo tồn và phục hồi giống cây bản địa không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà còn là một thách thức toàn cầu. Thực tế tại Ấn Độ, Philippines, châu Âu và Mỹ đã cho thấy, sự mai một của giống cây bản địa không chỉ khiến đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng mà còn đẩy nền nông nghiệp vào tình trạng phụ thuộc vào một số ít giống cây công nghiệp, làm tăng rủi ro trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Nếu không hành động kịp thời, nông dân sẽ phải đối mặt với hệ lụy nặng nề: đất đai bạc màu, chi phí sản xuất gia tăng, trong khi năng suất và chất lượng nông sản ngày càng sụt giảm. Các nhà khoa học nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu cải thiện giống cây bản địa để vừa nâng cao giá trị kinh tế của nông sản, vừa bảo vệ nguồn gen quý hiếm cho thế hệ tương lai.

Quan trọng hơn, cần có những chính sách quyết liệt nhằm khuyến khích nông dân bảo tồn, phát triển giống cây bản địa theo hướng bền vững. Đây không chỉ là giải pháp bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học mà còn là chìa khóa giúp nông dân đảm bảo sinh kế lâu dài trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Nếu không có sự chung tay từ cả chính quyền, nhà khoa học và chính người nông dân, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức khó lường.

Hãy hành động ngay trước khi quá muộn!