| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/05/2025 , 08:27 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 08:27 - 13/05/2025

Niềm tin người tiêu dùng bị thử thách

Người tiêu dùng hôm nay phải học cách tra cứu nguồn gốc, kiểm chứng thông tin. Sự thông minh không nằm ở chỗ tiêu dùng nhiều, mà ở chỗ biết hoài nghi đúng lúc.

Bạn tôi, một người sống cẩn trọng với chế độ ăn uống, gần đây lại tỏ ra thích thú sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội về món "lòng lợn xe điếu". Sau lần đầu thử, anh còn giới thiệu cho tôi, nói rằng “ngon không tưởng”. Nhưng chỉ một tuần sau, anh hoang mang gửi tôi bài viết tố đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt về lòng xe điếu bị nghi là hàng nước ngoài. Chúng được cho là đã nhập khẩu đông lạnh, tẩy rửa bằng hóa chất, đóng gói giả làm hàng Việt.

Dẫu bài viết không dẫn nguồn chính thức, nhưng nỗi hoang mang là thật. Tôi chợt nhớ đến vụ kẹo rau củ Kera từng gây sốc dư luận vì được quảng cáo là “kẹo rau sạch cho trẻ em, giúp ăn rau ngon miệng”, nhưng bị phát hiện chứa hàm lượng Sorbitol quá cao, một chất có thể gây rối loạn tiêu hóa nếu dùng quá liều mà nhà sản xuất lại không ghi rõ trên bao bì. Không có chuyện “làm từ phân bón” như tin đồn mạng từng rêu rao, nhưng chính sự lập lờ thông tin đã khiến dư luận dễ bị dẫn dắt theo hướng giật gân, thậm chí bịa đặt.

Trước đó nữa là sữa giả - tưởng chỉ còn trong ký ức - bị phát hiện, khi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ.

Những vụ việc này không chỉ làm dấy lên lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng, mà còn phơi bày 3 lỗ hổng nghiêm trọng trong chuỗi giá trị, bao gồm đạo đức sản xuất, năng lực quản lý, và khả năng nhận định thông tin trong thời đại mạng xã hội.

Về phía người sản xuất. Từ cơ sở làm lòng nhập khẩu đến công ty sản xuất kẹo - những nơi lẽ ra phải gìn giữ niềm tin và sức khỏe cộng đồng - lại trở thành những mắt xích đầy tính vụ lợi, đặt lợi nhuận lên trên mọi chuẩn mực đạo đức. Việc mập mờ thành phần sản phẩm, hoặc quảng cáo sai lệch công dụng không chỉ là hành vi gian thương mà còn là đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với đối tượng dễ tổn thương như trẻ nhỏ.

Nhưng điều đáng lo hơn nằm ở hệ thống kiểm soát: tại sao những sản phẩm như vậy vẫn len lỏi được vào thị trường, thậm chí vào siêu thị? Vì sao những hành vi sai phạm chỉ được phát hiện sau khi đã bùng nổ dư luận? Trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đến sau khi sản phẩm đã tràn lan và người tiêu dùng đã sử dụng, cho thấy rõ một thực tế quản lý đang chậm hơn hành vi vi phạm, và trong cuộc rượt đuổi ấy, nạn nhân vẫn là người dân.

Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ nhất cho những sản phẩm kém chất lượng lại chính là sự cường điệu và thiếu kiểm chứng từ mạng xã hội. Trong thời đại TikTok và Facebook lên ngôi, một món ăn có thể nổi tiếng chỉ sau một video viral, được tung hô như “đặc sản địa phương”, “hàng sạch nhà làm” dù không ai kiểm chứng được nguồn gốc. Những người làm sáng tạo nội dung vì lượt xem, tương tác hoặc hoa hồng tiếp thị dễ dàng giới thiệu những món ăn mà họ chưa từng kiểm tra thực tế.

Không ít người tự xưng là food reviewer nhưng không có hiểu biết về an toàn thực phẩm, không kiểm tra giấy phép kinh doanh, và cũng không quan tâm đến hậu quả mà người tiêu dùng có thể gánh chịu. Khi thông tin sai được lặp lại đủ nhiều, nó sẽ trở thành một loại “sự thật ảo” trong tâm trí đám đông. Và đến lúc sự thật phơi bày, thì hàng ngàn người đã tiêu dùng, hàng ngàn đứa trẻ đã nếm thử, và hàng ngàn cơ thể có thể đã âm thầm tích lũy rủi ro sức khỏe.

Sức khỏe người tiêu dùng vì thế đang đối mặt với hai mối nguy, đó là thực phẩm kém chất lượng có thật, và tin đồn thổi phồng sai sự thật. Những rủi ro này không bộc phát tức thì mà ngấm ngầm, âm ỉ như một quả bom nổ chậm trong cơ thể. Chúng ta không thể chấp nhận một thị trường nơi “ăn uống cũng là trò hên xui”. Lại càng không thể dung túng đạo đức sản xuất xuống cấp, quản lý lỏng lẻo, và thông tin bị thao túng bởi người không có trách nhiệm với cộng đồng.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở người bán, ở nhà quản lý hay người làm nội dung mà nằm ở chính người tiêu dùng. Trong thời đại thật giả lẫn lộn, chúng ta buộc phải trở thành những người tiêu dùng thông thái. Không thể chỉ vì vài lời quảng cáo, vài hình ảnh hấp dẫn mà dễ dàng tin tưởng. Không thể xem mạng xã hội như kênh thông tin duy nhất, cũng không thể nghĩ rằng “ai ăn cũng khen thì chắc không sao”. Người tiêu dùng hôm nay phải học cách tra cứu nguồn gốc, kiểm chứng thông tin, đọc kỹ nhãn mác, đối chiếu với báo chí chính thống và lắng nghe các chuyên gia. Sự thông minh không nằm ở chỗ tiêu dùng nhiều, mà ở chỗ biết hoài nghi đúng lúc.

Khi niềm tin dễ dàng bị tổn thương bởi thực phẩm giả, đạo đức giả và cả truyền thông giả, thì người tiêu dùng dù yếu thế vẫn có một sức mạnh quan trọng, quyền đặt câu hỏi.

Đặt câu hỏi về xuất xứ, về sự thật, về ai đứng sau món ăn mà bạn đang cho vào miệng. Bởi vì đôi khi, thứ nuốt vào không chỉ là một món ăn mà còn là một phần sức khỏe, một phần tương lai, và một phần lòng tin vào cuộc sống này.