Đến lúc ấy, liệu nó sẽ trở thành biểu tượng cho một cuộc tranh biện sâu xa hơn về bản sắc, quyền năng vùng miền và tương lai của thương hiệu địa phương?
Tôi là người Tiền Giang, nhưng hộ khẩu lại ở Đồng Tháp. Từ ngày rộ lên thông tin sáp nhập hai tỉnh, bạn học cũ trêu: “Từ nay mày chính thức ăn hủ tiếu Đồng Tháp rồi nhé!”. Nghe qua tưởng như chuyện đùa, nhưng thực tế, đây lại là đề tài gây tranh cãi không ít trên mạng xã hội. Giữ nguyên hay cải biên tên gọi: “Hủ tiếu Mỹ Tho - Tiền Giang”, “Hủ tiếu Sa Đéc - Đồng Tháp”, hay gộp luôn thành “Hủ tiếu Đồng Tháp” cho gọn?
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng chỉ khi những tranh luận này nổ ra, người ta mới nhận ra, ẩm thực chưa bao giờ chỉ là chuyện ăn uống. Đó là căn cước, là danh dự, là chiến tuyến mềm trong những cuộc chiến văn hóa âm thầm. Và lần này, "chiến tuyến" ấy trải dài trên một tô hủ tiếu.
Một tỉnh - hai “quốc hồn quốc túy”?
Nếu từng ăn hủ tiếu Mỹ Tho, với nước lèo trong thanh, sợi nhỏ dai, lát thịt mỏng ngọt tự nhiên, bạn sẽ hiểu vì sao người Tiền Giang xem nó là “quốc hồn quốc túy” của tỉnh mình. Nhưng nếu đã một lần đến Sa Đéc, ngồi trong chợ, thưởng thức tô hủ tiếu khô sợi to mềm, phủ đầy tóp mỡ, gan rim, nước sốt đỏ au đậm đà, bạn cũng sẽ hiểu vì sao người Đồng Tháp tự hào gọi món của họ bằng hai chữ “tinh hoa”.
Giờ hãy tưởng tượng: hai đặc sản ấy, mang hai bản sắc ẩm thực rõ rệt, cùng tồn tại trong một đơn vị hành chính mới. Một câu hỏi tưởng như đơn giản “món nào được giữ tên?” lại trở thành đề tài gây bùng nổ: Ai sẽ “mất tên”? Ai giữ được di sản?
Đó không chỉ là cuộc giằng co về tên gọi, mà là sự mặc cả ngầm giữa truyền thống và thể chế, giữa lòng tự hào địa phương và bộ máy hành chính. Ẩm thực, bao giờ cũng là biên giới mềm của quyền lực văn hóa.
Chúng ta đã quen vẽ bản đồ hành chính bằng đường ranh trên giấy. Nhưng có một tấm bản đồ tinh vi hơn, ăn sâu vào ký ức cộng đồng, đó là bản đồ ẩm thực. Trên bản đồ ấy, những tên gọi như “hủ tiếu Mỹ Tho” hay “hủ tiếu Sa Đéc” không thể bị thay thế bằng một cái tên chung chỉ vì một quyết định hành chính. Đó sẽ là một dạng “xóa biên” giống như gộp hai bức tranh sơn dầu khác nhau rồi gọi đó là “một tác phẩm mới”.
Vấn đề là: người dân không quên được màu sắc ban đầu. Và họ không muốn quên. Bởi mỗi món ăn là một phần căn cước gắn liền với ký ức, với nguồn gốc, với niềm tự hào văn hóa.
Từ tranh chấp thành cơ hội?
Những tranh luận kiểu này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Hãy nhìn cách Nhật Bản xử lý bản sắc ẩm thực khi các địa phương sáp nhập. Ramen vùng là ví dụ điển hình. Ramen Sapporo, Hakata, Tokyo mỗi loại đều mang đặc trưng riêng về khí hậu, khẩu vị và lịch sử. Nhà nước Nhật không tìm cách hợp nhất chúng. Trái lại, họ đẩy mạnh nhận diện vùng miền, biến ramen thành “bản đồ hương vị quốc gia”.
Kết quả? Thật thú vị, theo báo cáo từ Chính phủ Canada, doanh thu bán lẻ mì tại Nhật Bản năm 2023 ước đạt 8,9 tỷ USD, cho thấy quy mô thị trường mì nói chung rất lớn. Ramen còn nằm trong top 3 món ăn thu hút khách quốc tế, bên cạnh sushi và tempura. Nhật Bản không “đồng hóa” ramen, họ khuếch đại sự khác biệt để tạo sức mạnh tổng thể.
Trở lại Việt Nam. Nếu tỉnh mới sau sáp nhập giữ nguyên cả hai tên gọi “hủ tiếu Mỹ Tho” và “hủ tiếu Sa Đéc”, đó không phải là “chiều lòng cảm tính địa phương”, mà là một chiến lược văn hóa - kinh tế khôn ngoan.
Tỉnh mới có thể trở thành “thủ phủ hủ tiếu Việt Nam”, với hai trường phái ẩm thực sống chung hòa bình thậm chí cạnh tranh tích cực. Từ đó, mở ra vô vàn cơ hội phát triển: lễ hội “Song vị hủ tiếu” tái hiện hai không gian ẩm thực, cuộc thi nấu ăn, diễu hành hương vị, tour du lịch “Một ngày - hai tô - hai phong cách”, sáng Mỹ Tho, chiều Sa Đéc. Lớn hơn, là chiến lược xuất khẩu hai dòng hủ tiếu là sợi khô (Mỹ Tho) và sợi tươi (Sa Đéc) dưới nhãn hiệu “Made in Đồng Tháp” nhưng có chỉ dẫn địa lý rõ ràng.
Chính sự cạnh tranh lành mạnh ấy có thể khiến tỉnh mới nổi bật hơn bất kỳ địa phương nào khác vì có đến hai di sản ẩm thực sống động, thay vì một.
Đừng để hành chính xóa nhòa ký ức cộng đồng
Sáp nhập là quyết định hành chính. Nhưng văn hóa không thể bị chia cắt bằng ranh giới địa lý mới. Trong bối cảnh phát triển du lịch địa phương, văn hóa ẩm thực không chỉ là “tài nguyên mềm” mà còn là “vũ khí mềm” nếu được tôn trọng và đầu tư đúng cách.
Thay vì hợp nhất tên gọi đặc sản, hãy gìn giữ sự khác biệt như gìn giữ phần hồn riêng của từng vùng đất. Đó là cách duy nhất để tỉnh mới không chỉ lớn hơn về diện tích, mà còn sâu sắc hơn về văn hóa, đa dạng hơn về bản sắc và mạnh mẽ hơn trên bản đồ ẩm thực quốc gia.
Một tô hủ tiếu không chỉ là món ăn. Đó là tấm bản đồ tinh thần và trên bản đồ ấy, không có chỗ cho sự giản lược.