| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 11/07/2025 , 08:28 (GMT+7)
Nguyễn Nam Cường

Nguyễn Nam Cường

Giảng viên Đại học FPT - Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc 08:28 - 11/07/2025

Làm sao để cổ vật Việt Nam trở về?

Đưa cổ vật trở về không phải là câu chuyện 'đòi lại cái đã mất', mà là hành trình khôi phục giá trị, danh dự và bản sắc của dân tộc, thông qua con đường hòa giải, hợp tác và văn minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Pháp mong muốn nước bạn tặng lại hơn 9.000 cổ vật Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac, trong đó có không ít hiện vật được đánh giá ở tầm bảo vật quốc gia.

Về điều này, dư luận trong nước trào dâng một niềm hy vọng, phải chăng đã đến lúc những chứng tích của lịch sử, những mảnh hồn văn hóa Việt sau bao năm xa xứ có thể hồi hương?

Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách thực tế, việc hồi hương cổ vật đặc biệt là từ các quốc gia châu Âu không chỉ là bài toán của thiện chí, mà còn là thách thức của luật pháp, ngoại giao, và năng lực quốc gia. Và ở đây, bài học từ Hàn Quốc là một trường hợp điển hình mà Việt Nam cần tham khảo một cách nghiêm túc, sâu sắc, và có hệ thống.

Năm 1866, sau sự kiện quân Pháp đánh vào đảo Ganghwa, hàng trăm bản Uigwe, là sách ghi chép nghi lễ hoàng gia triều đại Joseon đã bị đưa về Pháp. Chúng bị quên lãng trong Thư viện Quốc gia Pháp suốt hơn một thế kỷ. Phải đến cuối thập niên 1990, Hàn Quốc mới xác định rõ tung tích của chúng. Và từ đó là một hành trình pháp lý kéo dài gần hai thập kỷ.

Dù phía Hàn Quốc liên tục yêu cầu trả lại, Pháp luôn khẳng định rõ ràng, theo luật di sản văn hóa quốc gia, tài sản thuộc sở hữu công cộng của nhà nước Pháp là bất khả chuyển nhượng (inaliénable), kể cả khi chính phủ đồng ý cũng không thể hợp pháp hóa việc chuyển nhượng hay tặng lại.

Đó là luật. Và luật thì không có chỗ cho ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã thay đổi chiến lược. Không “đòi”, không “tranh chấp”, mà chuyển sang đề xuất một hình thức “cho mượn dài hạn”. Đó là một nước cờ ngoại giao mềm dẻo, khéo léo nhưng hiệu quả. Chính phủ Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak thuyết phục được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ký thỏa thuận cho mượn bộ Uigwe trong 5 năm và tự động gia hạn vô thời hạn. Tức về bản chất là “cho mượn vĩnh viễn”. Năm 2011, các bản Uigwe được đưa về Hàn Quốc trong một lễ đón long trọng. Đó là một chiến thắng văn hóa, ngoại giao và là một bài học sâu sắc về cách ứng xử với cổ vật trong thời đại toàn cầu hóa.

Việt Nam có hoàn cảnh tương đồng. Phần lớn cổ vật Việt ở Pháp, đặc biệt là tại Bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac được sưu tập trong thời kỳ thuộc địa. Từ trống đồng Đông Sơn, tượng Phật Champa, đồ gốm Lý - Trần, đến các sắc phong, tranh Hàng Trống,... tất cả đều là những mảnh ký ức của lịch sử Việt Nam bị thất lạc.

Nhưng khác với cảm xúc “phẫn nộ” thường thấy trước hiện thực ấy, chúng ta cần một tâm thế tỉnh táo. Cổ vật ở lại Pháp lâu đến mức đã được hợp pháp hóa theo luật sở hữu văn hóa của quốc gia đó. Hành trình hồi hương nếu chỉ tiếp cận theo cách yêu cầu “trao trả” không chỉ phi thực tế, mà còn có thể làm căng thẳng quan hệ ngoại giao, khiến câu chuyện vốn mang tính nhân văn trở thành vấn đề nhạy cảm chính trị.

Vậy, giải pháp nào để hiện thực hóa giấc mơ đưa cổ vật trở về đất mẹ?

Thứ nhất, cần chuẩn bị hồ sơ khoa học, minh bạch về từng cổ vật. Hàn Quốc đã mất gần 10 năm chỉ để xác minh và chứng minh nguồn gốc các bản Uigwe - xác định rõ hoàn cảnh bị đưa đi, thời điểm, địa điểm và tính pháp lý trước khi ra khỏi nước. Việt Nam cũng cần tiến hành một chiến dịch tương tự, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, kết hợp giữa tư liệu sử học, khảo cổ, luật quốc tế và hồ sơ sở hữu để củng cố căn cứ đề xuất hồi hương.

Thứ hai, đề xuất hình thức “cho mượn dài hạn có điều kiện” thay vì “trao trả”. Hình thức này không vi phạm luật pháp của nước giữ cổ vật, đồng thời mở đường cho một sự hợp tác văn hóa song phương. Các điều kiện có thể bao gồm: đảm bảo điều kiện bảo tồn, cam kết trưng bày công khai, có chú thích nguồn gốc, hoặc tổ chức triển lãm lưu động với sự đồng bảo trợ của Pháp.

Thứ ba, xây dựng khung pháp lý và chính sách trong nước để “đón cổ vật về một cách xứng đáng”. Điều này bao gồm việc nâng cấp hạ tầng bảo tàng, quy chuẩn bảo quản, đào tạo chuyên gia bảo tồn và đảm bảo an ninh pháp lý để cổ vật sau khi về nước không rơi vào cảnh thất lạc hoặc thương mại hóa. Nên nhớ, cổ vật trở về cũng cần một “môi trường sinh thái” xứng đáng để sống và kể lại lịch sử.

Thứ tư, thúc đẩy ngoại giao nhân dân và truyền thông văn hóa. Hãy biến câu chuyện cổ vật không chỉ là câu chuyện giữa hai chính phủ, mà là mối quan tâm của học giả, nghệ sĩ, nhà báo, nhà sưu tập và cộng đồng quốc tế. Khi có đủ sức ép dư luận, các chính phủ cũng sẽ dễ tìm được “lối mở” trong những rào cản pháp lý. Hàn Quốc từng tổ chức các hội thảo quốc tế, triển lãm song phương, và chiến dịch truyền thông quy mô lớn để tạo dựng sự ủng hộ toàn cầu. Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều tương tự, với sự tham gia của các viện nghiên cứu, các nhà văn hóa và cả kiều bào ở Pháp.

Thứ năm, tính đến việc “chuyển hóa quyền sở hữu” thông qua mô hình trao tặng một phần, trưng bày luân phiên và đồng sở hữu. Có những mô hình pháp lý quốc tế cho phép hai bên cùng sở hữu hoặc cùng quản lý một cổ vật (ví dụ: trưng bày 5 năm ở Pháp, 5 năm tại Việt Nam). Đây là cách tiếp cận linh hoạt, giúp thỏa mãn yêu cầu bảo tồn toàn cầu nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện văn hóa quốc gia.

Cổ vật là ký ức vật chất của một dân tộc. Mỗi bảo vật hồi hương không chỉ là một hiện vật trở về, mà là một phần lịch sử được hồi phục. Nhưng để điều đó xảy ra, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào lòng tốt của quốc gia khác, mà phải thể hiện bản lĩnh chiến lược, năng lực pháp lý và tinh thần đối thoại văn hóa đương đại. Hàn Quốc đã làm được, không phải nhờ áp lực, mà nhờ khôn ngoan. Việt Nam cũng có thể làm được, nếu có đủ ý chí, trí tuệ và kế hoạch hành động bài bản. Đưa cổ vật trở về không phải là câu chuyện “đòi lại cái đã mất”, mà là hành trình khôi phục giá trị, danh dự và bản sắc của dân tộc, thông qua con đường hòa giải, hợp tác và văn minh.

Khi không thể “đòi”, hãy học cách “mượn mãi mãi”. Khi không thể “giành lại”, hãy khơi mở đối thoại và cùng chia sẻ. Cổ vật sẽ trở về nếu chúng ta biết cách đưa chúng về một cách xứng đáng.

Bình luận mới nhất