| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 09/07/2025 , 16:52 (GMT+7)
Bùi Huy Cường

Bùi Huy Cường

Giám đốc Ban Quản lý Dự án dân dụng công nghiệp Hà Tĩnh 16:52 - 09/07/2025

Ai dám đổi mới sáng tạo nếu còn nhiều điểm nghẽn

Còn nhiều ràng buộc về thủ tục khi tham gia dự thầu, không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng để những nhà thầu có năng lực, tâm huyết dám đổi mới sáng tạo.

Thời gian vừa qua xảy ra lùm xùm việc Tập đoàn Sơn Hải bị loại thầu khi tham gia gói thầu dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua tỉnh Bình Phước (cũ). Chưa bàn đến tính hợp lệ, đúng sai của hồ sơ dự thầu, chấm thầu… thì việc một nhà thầu đã từng thi công nhiều công trình tương tự và có giá thấp nhất bị loại là một điều đáng tiếc.

Đấu thầu trong xây dựng là mục đích chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thi công nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng, giảm chi phí và hiệu quả nhất cho chủ đầu tư… Việc tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo công khai, minh bạch và điều quan trọng nữa là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và thuận lợi để nhiều nhà thầu tham gia được.

Để đảm bảo tính cạnh tranh, bình đẳng, lựa chọn được nhà thầu đáp ứng công việc, trước hết, hồ sơ mời thầu cần đơn giản, tập trung ràng buộc về tính pháp lý về trách nhiệm thực thi và bồi hoàn (hậu kiểm), không nên đề cao về chi tiết ràng buộc về năng lực hồ sơ dự thầu, như con người, phương tiện… (mang tính tiền kiểm).

Để ràng buộc tính pháp lý thì ngoài tuân thủ quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, nên ràng buộc chặt chẽ về tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, chủ đầu tư cần đặt ra và yêu cầu một tiến độ thi công hợp lý theo tháng, hoặc quý và ràng buộc trong hợp đồng để có thể xử phạt hay chấm dứt hợp đồng khi nhà thầu vi phạm tiến độ cũng như chất lượng thi công công trình.

Nếu sai phạm hoặc không đáp ứng yêu cầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi hoàn kinh tế được quy định chặt chẽ trong hợp đồng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng của bên cung cấp tín dụng cho nhà thầu. Hồ sơ mời thầu thực chất là để tìm được những nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện gói thầu (năng lực tổ chức thực hiện và năng lực tài chính), khi nhà thầu đáp ứng phần cứng thì xét đến nhà thầu đưa lại lợi ích kinh tế nhất cho chủ đầu tư (giá dự thầu thấp nhất).

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư máy móc đưa vào hồ sơ mời thầu bằng những ràng buộc thiếu tính thực tiễn như phương tiện, nhân lực, phương án thi công… theo quan điểm chủ quan của chủ đầu tư, từ đó hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây khó dễ trong quá trình lựa chọn.

Thực tế, việc xây dựng đơn giá, chi phí tiêu hao nhân lực, máy móc trong thi công xây lắp hoàn thiện một đơn vị sản phẩm xây dựng đang được tính năng suất bình quân và những phương tiện thông dụng của xã hội hiện có. Với sự phát triển của khoa học công nghệ đang biến đổi hằng ngày và đặc biệt tính chuyên môn hóa phát triển sâu sắc trên thị trường, nếu áp dụng như thế thì doanh nghiệp sẽ không dám mua sắm loại phương tiện thiết bị mới tân tiến để phục vụ cho sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận; nhà thầu sẽ không dám thuê các tổ chức doanh nghiệp cá nhân khác có tính chuyên môn hóa cao (như chuyên đổ bê tông, chuyên cốp pha, chuyên xây lắp, chuyên vận tải…) vì sẽ vi phạm theo quy định của hồ sơ mời thầu.

Việc thi công hiện trường là một quá trình phức tạp, nhiều khi khác xa với phương án thiết kế đặt ra. Do vậy, cần thay đổi cách tiếp cận và mở rộng quyền của nhà thầu trong xây dựng phương án thi công phù hợp với đặc điểm của hiện trường, công việc nơi phát sinh... Theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng thì chủ đầu tư được phép thuê tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn đấu thầu… thì Nhà thầu cũng có quyền thuê tư vấn thực hiện dự án, thuê kỹ thuật công trường, thuê thiết bị và thợ chuyên dụng…

Tóm lại, với xu thế phát triển như hiện nay, cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW đang mở hướng cho doanh nghiệp tư nhân thì nhà thầu, nếu đủ nguồn lực tài chính sẽ có quyền thuê tất cả các dịch vụ để thực hiện gói thầu. Đồng thời, phải ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm về nguồn vốn cho gói thầu, trách nhiệm về pháp lý và bồi hoàn khi không cấp đủ vốn theo cam kết, hoặc bồi hoàn thiệt hại khi kéo dài thời gian xây dựng.

Cần sớm trao thêm thẩm quyền gắn với trách nhiệm cho chủ đầu tư. Theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, việc phê duyệt lựa chọn kế hoạch đấu thầu đang giao cho người quyết định đầu tư. Để rút ngắn thời gian hồ sơ, đồng thời gắn trách nhiệm và đẩy nhanh tiến độ, việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu cần mạnh dạn giao cho chủ đầu tư. Những trường hợp trong quá trình đấu thầu có bất thường như gói thầu chỉ một nhà thầu tham gia, giá gói thầu giảm bất thường, thời gian thi công quá ngắn... thì yêu cầu trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư.

Việc thực hiện một gói thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu thực chất là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật, cùng ràng buộc với nhau thông qua hợp đồng kinh tế. Do vậy, trong hồ sơ mời thầu, ngoài các yếu tố quy định phần cứng tính pháp lý như lâu nay vẫn làm thì trong thông tin mời thầu, mẫu hợp đồng nguyên tắc chủ đầu tư cần chi tiết, cụ thế hóa cho phù hợp với gói thầu mời thầu; phân định rõ, cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ mỗi bên khi thực hiện hợp đồng, tránh tình trạng “nặng gánh” cho bên B, “nhẹ gánh” cho bên A.

Điểm nghẽn hiện nay trong đấu thầu vẫn là nhiều ràng buộc về mặt hồ sơ thủ tục khi tham gia dự thầu (chủ yếu tiền kiểm), hạn chế và không tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng hay thuận lợi để những nhà thầu có năng lực, có tâm huyết và đặc biệt dám đổi mới sáng tạo tham gia vào hoạt động xây dựng.

Bình luận mới nhất