Trong tiến trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi, Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các mô hình quy mô lớn, công nghệ cao và chuỗi liên kết khép kín.
Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận: chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 50% tổng quy mô sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi heo và gia cầm. Đây không chỉ là đặc điểm mang tính lịch sử - xã hội, mà còn là “vành đai dịch tễ” dễ tổn thương nhất trong hệ sinh thái chăn nuôi Việt Nam.
Chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam, phần lớn là hộ gia đình, đặc trưng bởi sự phân tán, tận dụng nguồn lực sẵn có, đầu tư hạn chế, và ít gắn với chuỗi giá trị. Mô hình này mang lại lợi ích kinh tế nhất định cho hàng triệu hộ dân, nhưng đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu căn cơ trong kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điểm yếu đầu tiên là hạ tầng chăn nuôi manh mún, thiếu chuẩn hóa. Phần lớn chuồng trại tự phát, đan xen trong khu dân cư, không có hệ thống cách ly, xử lý chất thải và kiểm soát sinh học chuẩn.
Tiêm phòng cho vật nuôi chưa đồng bộ, việc tiêm phòng thường không đúng lịch, không đồng đều giữa các vùng. Người nuôi nhìn chung vẫn có tâm lý e ngại chi phí hoặc thiếu tin tưởng hiệu quả vacxin.
Công tác giám sát thú y hiện còn mỏng và không kịp thời. Lực lượng thú y cơ sở có lúc bị cắt giảm mạnh khiến công tác phát hiện, khoanh vùng và xử lý dịch bệnh bị động, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, tâm lý “giấu dịch, bán chạy” vẫn phổ biến. Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bệnh, không ít hộ dân lựa chọn xử lý theo hướng “lặng lẽ tiêu hủy” hoặc “bán tháo”, khiến nguy cơ phát tán mầm bệnh càng lớn.
Chính những yếu tố trên đã khiến các đợt dịch như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… nhiều lần bùng phát từ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau đó lan rộng ra cả hệ thống, kéo theo những thiệt hại kinh tế, môi trường và xã hội không thể đong đếm hết.
Một điểm cần đặc biệt nhấn mạnh là dịch bệnh không có ranh giới mô hình. Khi một mắt xích yếu trong chuỗi, hệ sinh thái bị “thủng”, hậu quả không chỉ dừng lại ở quy mô hộ chăn nuôi nhỏ, mà lan sang toàn bộ chuỗi giá trị, gây tổn thương hệ thống chăn nuôi quốc gia.
Cụ thể, dịch bệnh lan sang trại lớn, gây thiệt hại lớn tổng đàn vật nuôi, làm mất vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, thậm chí cấp quốc gia, ảnh hưởng đến năng suất, chuỗi cung ứng và niềm tin đầu tư. Một khi sản phẩm chăn nuôi Việt Nam bị “gán” nhãn “thiếu an toàn”, “nhiễm kháng sinh” hay “nguy cơ dịch bệnh”, việc khôi phục hình ảnh và thương hiệu có thể mất hàng thập kỷ.
Dịch bệnh còn cản trở chiến lược phát triển giá trị gia tăng ngành chăn nuôi, vì những định hướng về truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, phát triển chăn nuôi hữu cơ..., đều đòi hỏi nền tảng kiểm soát dịch bệnh tốt từ gốc.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều động thái tích cực như ban hành mức hỗ trợ tiêu hủy vật nuôi tốt hơn, siết chặt xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh thực phẩm động vật không đạt chất lượng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự có hiệu lực, cần nghiên cứu triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp then chốt.
Trước hết, cần tổ chức lại sản xuất và không gian chăn nuôi. Hướng dẫn, hỗ trợ hộ nhỏ lẻ gia nhập hợp tác xã, tổ nhóm chuyên ngành, hoặc tập trung về cụm chăn nuôi có kiểm soát, nhằm thuận tiện cho giám sát dịch bệnh và xử lý chất thải.
Phục hồi và tăng cường mạng lưới thú y cơ sở. Đầu tư đào tạo, đãi ngộ, nâng cao vai trò lực lượng thú y cấp xã, nhất là vùng có nguy cơ cao, bởi đây chính là điểm đầu tiên phát hiện, hướng dẫn xử lý triệt để dịch bệnh từ gốc.
Hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho chuyển đổi mô hình chăn nuôi như trợ giá xây dựng chuồng trại bán kiên cố, hệ thống xử lý chất thải, cấp vacxin và thiết bị phòng dịch cho hộ chăn nuôi có đăng ký, có cam kết tuân thủ quy trình an toàn sinh học.
Tạo liên kết chuỗi để kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra. Khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với hộ nhỏ lẻ, đi kèm điều kiện về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi và kiểm dịch, nhờ đó vừa nâng giá trị sản phẩm, vừa dễ kiểm soát dịch tễ.
Như vậy, có thể thấy rằng một khi thị trường ngày càng khắt khe thì công tác kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi nhỏ lẻ không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam thực sự muốn xây dựng một nền chăn nuôi hiện đại (năng suất hóa, minh bạch hóa và chất lượng hóa), an toàn và phát triển bền vững.