| Hotline: 0983.970.780

Trồng bưởi Diễn, hái... vàng ròng

Thứ Năm 12/11/2009 , 09:37 (GMT+7)

Theo tính toán của giới chuyên môn, trong một chu kỳ phát triển cây bưởi cho bình quân 100-120 quả/năm. Với giá thị trường hiện tại, mỗi năm 1 ha bưởi Diễn cho thu 330 - 360 triệu đồng...

1 cây thu bạc triệu

Được biết ông Nguyễn Hữu Xạ, thôn Đông, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang là một trong những hộ đưa cây bưởi Diễn về trồng sớm nhất tỉnh. Một ngày cuối tháng 10 chúng tôi đến thăm khu vườn trồng bưởi Diễn nhà ông.

Trước mắt chúng tôi là một vườn bưởi dài tít tắp, bát ngát hương thơm. Cây to cao hơn 4 mét, cây nhỏ hơn 2 mét, cây nào cũng trĩu quả. Nhiều cành tới 6-7 quả trĩu sát mặt đất. Cúi sát đất nhìn lên, tôi thật sự thích thú khi chỉ thấy quả và quả, chúng như được túm lại treo vào cành, trọng lượng mỗi quả từ 1-1,2 kg. Bắt đầu thời kỳ chín, một số quả đang chuyển mầu vàng. Đếm tại cây ở vị trí đang đứng, số quả lên tới 113.

- Năm nay mất mùa nên số quả chỉ có thế, năm ngoái, cây bưởi này cho thu tới 170 quả. Ông Nguyễn Hữu Xạ giới thiệu. Tôi thật sự bất ngờ về mức độ sai quả của loại bưởi này.

- 113 quả mà nhiều cành đã phải dùng cọc chống, vậy 170 quả có lẽ cành nào cũng phải làm giá đỡ à? - Tôi băn khoăn.

- Không chỉ làm cọc chống, tôi còn phải lấy dây thừng kéo các cành lên - ông Xạ giải thích, rồi cho biết thêm: - “Lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên như anh đấy, loại bưởi này rất nhiều quả. Mấy năm trước do không biết làm giá đỡ, nên mỗi năm có hàng chục cành bị gẫy, hàng trăm quả rụng, tiếc lắm anh ạ. Nhưng bây giờ quen rồi, nhiều quả thế nào tôi cũng có cách đỡ, không để gẫy cành và không để quả rụng”. Lúc này tôi mới để ý rất nhiều cây bưởi được chống cẩn thận. Riêng những cành nhiều quả ông lấy dây thừng níu vào thân cây, cành bưởi được nâng đỡ phía trên rất an toàn. Ông nói tiếp:

- Đã có khách ở Hà Nội lên đặt mua quả rồi. Họ trả 14 nghìn đồng/quả, bằng giá năm trước, nhưng tôi chưa đồng ý và hẹn đến tuần sau mới trả lời. Tôi nghĩ năm nay bưởi mất mùa, lượng quả ít nên giá sẽ cao hơn năm trước. Mấy hôm nay họ liên tục điện thoại hỏi, tôi cũng phân vân. Chỗ quen biết, giá đó bán cũng được rồi. Cũng lạ, trong khi nhiều loại nông sản khác khó tiêu thụ, giá cả lúc cao, lúc thấp thì người trồng bưởi Diễn chúng tôi chẳng phải lo gì. Đến vụ, thương nhân lùng mua, chỉ việc ra giá và đếm tiền.

Sản lượng ít, giá cao là lẽ thường, ông Xạ đắn đo là có lý. Tuy nhiên nếu chỉ bán với 14 nghìn đồng/quả thì năm nay vườn bưởi cũng thu tới gần 30 triệu đồng. Được biết, năm 2008, gia đình ông thu từ bưởi được 41 triệu đồng, trong đó 35 triệu tiền quả, số tiền còn lại từ bán cây giống.

Ông Xạ đến với cây bưởi Diễn cũng tình cờ. Năm 1993 khi xuống Hà Đông (Hà Nội) ăn cỗ, ông được chứng kiến những vườn bưởi Diễn sai lúc lỉu, thích quá, ông mua 20 cây giống về trồng. Theo thời gian, diện tích bưởi tăng lên, đến nay gia đình ông trồng được 200 cây, trong đó có 80 cây cho thu hoạch. Bưởi Diễn thuộc loại dễ trồng, thời gian sinh trưởng dài. Theo các nhà khoa học chu kỳ của một cây cũng tới 30-35 năm, trong đó 3 năm đầu thuộc thời kỳ kiến thiết cơ bản, không nên lấy quả.

Về sau cây càng to, quả càng nhiều. Những cây bưởi 15 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Phiến, Nguyễn Hữu Xạ, Nguyễn Văn Ngọc (thôn Đông), Nguyễn Văn Sáu (thôn Cấm), xã Lương Phong - Hiệp Hoà mỗi vụ đều cho thu gần 200 quả/cây. Cũng theo tính toán của giới chuyên môn, trong một chu kỳ phát triển cây bưởi cho bình quân 100-120 quả/năm. Mật độ trồng tốt nhất 400-440 cây/ha. Như vậy với giá thị trường hiện tại, mỗi năm 1ha bưởi Diễn cho thu 330 - 360 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 280-300 triệu đồng.

Diện tích lan rộng

Giá trị bưởi Diễn cao như vậy nhưng đầu tư trồng và chăm sóc lại không lớn - Đó là khẳng định của các hộ dân đã trồng bưởi cũng như cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Giang mà chúng tôi tiếp xúc. Tìm hiểu được biết: Hiện nay chi phí trồng 1 ha bưởi chỉ hết 12-14 triệu đồng, trong đó 7 triệu tiền cây giống. Tuy nhiên, để cây bưởi phát triên tốt phải chăm sóc đúng cách và trồng đúng khung thời vụ. Bưởi thường trồng vào hai vụ chính là: Xuân (tháng 2,3) và thu (tháng 8, 9, 10). Bưởi là cây cần nước nên chú ý tưới.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình hình sâu, bệnh hại đối với loại bưởi này, cả kỹ sư Trần Văn Giáp, cán bộ khuyến nông huyện Hiệp Hoà và Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Lê Văn Ngân đều khẳng định: “Cây bưởi Diễn ít bị sâu, bệnh hại. Nhiều năm theo dõi cho thấy bưởi Diễn chỉ bị sâu vẽ bùa, bọ xít xanh, sâu đục cành hại. Những loại sâu này dễ xử lý nên chưa có gia đình nào phải đốn bỏ bưởi do sâu, bệnh hại”.

Cũng theo các chuyên gia về bưởi, Bắc Giang thuộc vùng khí hậu nhiệt đới với lượng mưa trung bình hàng năm 1.500-2.000 mm; đất đồi núi nhiều lại là đất nhẹ, tơi xốp… rất phù hợp với cây bưởi Diễn. Hơn nữa 5 năm gần đây, ngành chuyên môn có nhiều biện pháp giúp nông dân đưa cây bưởi Diễn vào trồng vì thế diện tích bưởi Diễn không ngừng tăng. Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 200 ha bưởi Diễn, tập trung chủ yếu ở các huyện Hiệp Hoà, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang và Lục Ngạn.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.