| Hotline: 0983.970.780

Trâu ơi, ta bảo trâu này

Thứ Năm 05/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Năm nay năm con Trâu, cầm tinh con Trâu, nhắc đến Trâu, tôi liên tưởng ngay tới bài “Chăn trâu” trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu...

Năm nay năm con Trâu, cầm tinh con Trâu, nhắc đến Trâu, tôi liên tưởng ngay tới bài “Chăn trâu” trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu, bài ấy tôi thuộc nhuyễn như cháo dinh dưỡng trẻ sơ sinh:

“Ai bảo chăn trâu là khổ? – Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất ngưởng ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!”.

Lúc nhỏ, tôi không phân biệt được con trâu này khác con trâu nọ trong cùng một bầy trâu. Giờ, gặp con trâu tôi vẫn sợ hơn gặp con bò. Vẫn biết nó không làm gì mình, nó hiền khô, nhưng nom tướng tá vẫn cứ sợ sợ. Vậy mà ngày xưa, ngài Lão Tử thuỷ tổ Đạo gia ưa ngồi trâu đi chơi xa. Con trâu của ngài to mập trong khi ngài gầy nhom. Ngài ngồi lưng trâu, hai chân cùng thòng  một phía, ung dung tự tại. Dường như bài “Chăn trâu” trong Quốc văn giáo khoa thư cũng phảng phất tinh thần an lạc của Ngài. 

Cũng trong “Quốc văn giáo khoa thư” lớp Đồng Ấu có dạy bài “Con trâu” như thế này: “Trâu lớn hơn bò và mạnh hơn bò. Lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng. Mắt lờ đờ, sừng to và cong lên… Tính nó thuần và hay chịu khó…Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe, hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làm giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như: cán dao, lược, ống thuốc...” 

Viết đến đây, đột nhiên có câu tục ngữ liên quan đến trâu, chạy xoẹt qua óc, đó là câu: “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết.” Xem ra câu này chưa chắc trúng. Nếu trâu bò húc nhau, một là bò chết, hai là trâu chết, ba là cả hai cùng chết, nhưng ruồi muỗi đâu có chết. Chúng bay tuốt chỗ khác, đâu có chết. Chúng quá nhỏ và bay được cơ mà. Lại một bài ca dao nói về trâu cũng đột ngột hiện ra: “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đó ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.” Xem ra, câu đầu cũng phải chỉnh lại chút ít. Trâu không “bảo” được, trâu phải “lùa” hoặc “dắt”. Lùa hoặc dắt nó còn chưa chịu đi, vậy bảo cái nỗi gì cơ chứ?

Ồ, tôi bỗng nhận ra mình viết bài “Trâu ơi, ta “lùa” trâu này” thiếu chủ đích, không nhất quán ý tưởng. Lung tung, lan man, vô định hướng. Thế nên phải sửa lại thể loại là “Tạp bút” thay vì “Tản văn”. Tạp bút là tạp - nhạp -bút, vậy là xứng bì xứng cốt với nội dung. Đã xứng rồi thì cứ giữ lại, không bỏ. Cảm ơn các bạn nếu có ghé mắt đọc qua. Chúc sức khoẻ năm mới. Chúc thịnh vượng năm mới.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất