Sự kiện được tổ chức tại NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Tham dự sự kiện có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Giáng Vân…

Tác giả Đỗ Thái Bình (phải) chia sẻ về hành trình viết cuốn sách. Ảnh: Thái Hà.
Tại sự kiện, khách mời được gặp gỡ, trò chuyện cùng hậu duệ của chí sĩ Lý Liễu, Đỗ Văn Phong và chí sĩ Võ Hoành - người đã tổ chức cho các tù nhân sau khi vượt ngục hoạt động tiếp tại miền Nam; gặp gỡ hai chuyên gia nghiên cứu về các chí sĩ Nam Kỳ là Nguyễn Thanh Thuận (chuyên nghiên cứu về Nguyễn Quang Diêu) và Phan Lương Minh (chuyên nghiên cứu về Lý Liễu).
Đặc biệt, khách mời được giao lưu cùng tác giả cuốn sách - kỹ sư Đỗ Thái Bình, cháu nội của chí sĩ Đỗ Văn Phong.
Tại sự kiện, tác giả, kỹ sư Đỗ Thái Bình, các học giả, nhà nghiên cứu đã trao đổi về nội dung cuốn sách và những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của các chí sĩ yêu nước.
Theo đó, về nội dung, sách dày hơn 500 trang, kể lại câu chuyện của 3 chí sĩ Nguyễn Quang Diêu - Lý Liễu - Đỗ Văn Phong từ khi bị tòa án thực dân Pháp kết án khổ sai, lưu đày sang nhà lao ở Guyane (vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ), nhưng vẫn giữ trong mình ý chí sống để rồi bắt đầu hành trình vượt ngục trở về quê hương.
Cuốn sách còn đặc biệt ở phần phụ lục - một danh sách chi tiết những tù nhân Việt Nam từng bị lưu đày ở Guyane, được chú giải đầy đủ họ tên, số tù, năm tuyên án, tên con tàu áp giải, và các trại giam mà họ từng bị giam giữ. Đây là nguồn tư liệu vô giá đối với người làm sử và độc giả quan tâm đến lịch sử đầu thế kỷ 20.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, tác giả, kĩ sư Đỗ Thái Bình cho biết, ông là một nhà nghiên cứu về hàng hải, từng viết và chuyển ngữ nhiều sách, công trình về hàng hải, tàu thuyền.
Để viết cuốn sách, kĩ sư Đỗ Thái Bình đã dành hàng chục năm nghiên cứu, thu thập tư liệu, văn khố tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam, Văn khố Hải ngoại (ANOM) ở Pháp và trên thế giới. Ông đã tự mình tới Guyane để tìm lại những dấu vết lịch sử của ông nội khi bị giam cầm cùng các chí sĩ yêu nước khác sau bản án ngày 5/9/1913 của thực dân Pháp và cuộc đào thoát đầy ly kỳ của họ.
Kĩ sư Đỗ Thái Bình là cháu nội của nhà nho Đỗ Văn Phong, một trong 3 chí sĩ hoạt động yêu nước nêu trong cuốn sách và cũng là người sáng lập thương hiệu Nhà xuất bản Mai Lĩnh nổi tiếng.
Qua cuốn sách, tác giả đã khắc họa chân dung các chí sĩ, cách họ nuôi dưỡng lý tưởng sống và lên kế hoạch tìm về quê hương ở nơi xa cách nửa vòng Trái đất. Để rồi khi thời cơ đến, họ băng sông Maroni của Guyane đến nước láng giềng Surinam rồi tiếp tục di chuyển sang đảo Trinidad, và từ đó, mỗi người lần lượt tìm cách riêng về Việt Nam trên những con tàu xuất phát từ Bắc Mỹ.

Cuốn sách "Ba người vượt ngục Guyane" trưng bày tại buổi giao lưu. Ảnh: Thái Hà.
Kĩ sư Đỗ Thái Bình chia sẻ: “Tôi muốn viết cuốn sách này để tưởng nhớ những người yêu nước đã sống, đã hi sinh ở Guyane và để tri ân những người đã giúp nhóm tù, trong đó có ông nội tôi, vượt ngục thành công. Số phận của mỗi người đều gắn chặt với tập thể và với lịch sử”.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Ba người vượt ngục Guyane” là một nghiên cứu đồ sộ, có khối lượng kiến thức lớn. “Đã có những công trình nghiên cứu về cuộc đời các chí sĩ yêu nước giai đoạn đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống. Cuốn sách đã cho thấy phần nào những bí ẩn chưa từng biết đến, về số phận con người, và về những đóng góp của các chí sĩ yêu nước thời đó”.
Cuốn sách là một tư liệu quý hiếm, được chắt lọc từ quá trình điền dã thực địa và tiếp cận thư tịch của tác giả Đỗ Thái Bình. Những tư liệu quý này là cơ sở nền tảng để tái dựng bức tranh lịch sử về những người yêu nước.
Tiếp theo Hà Nội, sự kiện giao lưu ra mắt sách "Ba người vượt ngục Guyane" sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 15/7 và tại TPHCM vào ngày 20/7.