Có những buồn tênh giữa dòng đời hối hả, ngôi nhà xưa, nơi mỗi ngày trôi qua với tôi là một giấc mơ êm dịu tiếng chim, tiếng gà gáy, tiếng tắc kè hiền khô đếm từng nốt nhạc rừng, luôn quay quắt trở về trong niềm nhớ.
Tôi nhớ vườn khoai lang, nhớ bóng hình của mẹ vào đận tháng ba ngày tám, vào những ngày khô khát nắng nôi.

Cánh đồng khoai ở Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Không biết những vồng khoai lang đã lớn lên cùng cuộc đời người dân quê tôi từ khi nào. Hay từ khi bàn chân chạm đất những bước đi lập bập đầu tiên cây khoai lang đã vập vềnh xanh giữa bao sáng nắng chiều mưa ngày xưa cũ.
Khoai lang mộc mạc hiền hòa như bản tính người quê, không cần chăm sóc cầu kỳ, không cần tỉa tót nâng niu, chỉ cần hứng vài cơn mưa của tiết giao mùa ngày đầu chớm hạ. Khi ấy, giọt ngọc thanh mát của thiên nhiên thẩm thấu vào lớp đất nồng ngái phân xanh, loại phân được ủ từ cây bớp bớp là tốt tươi mơn mởn. Khoai lang cứ thế mà lớn lên trong bao bọc của niềm vui nỗi buồn, của thăng trầm lam lũ, của những giọt đời mệt nhọc đầy vơi.
Sau mỗi cơn mưa, sáng ra thấy cả vườn khoai, lá, ngọn non tươi mươn mướt. Tôi cầm rổ đi dọc vồng, hái những ngọn non nõn vươn dài luấn quấn bàn chân. Tiếng dế tỉ tê, tiếng mấy con cào cào tanh tách bật càng trên những phiến lá xanh thẫm tròng trành nước… Lúc đó tôi chỉ muốn ngả giữa khu vườn, lịm đi trong cơn say của khúc biến tấu quê hương êm đềm yên ả.
Tôi quen thuộc với công việc hái rau lang hàng ngày. Mỗi hôm như thế mủ khoai dính bết vào tay đen sì nhưng không hề gây cho tôi sự khó chịu. Vì tôi mê cái hương vị ngọt lành thuần khiết của khoảng trời trong veo tràn gió, của mùi đất cát, mùi cỏ dại, của chan chát mùi lá khoai trong chiều buông xóm núi.
Tôi thích thú với mỗi sáng mỗi chiều khi được mẹ giao nhiệm vụ đi kiếm rau nấu cám cho lợn. Thức ăn của lợn ngày ấy ngoài thân chuối rừng còn có dây khoai lang băm nhỏ trộn cùng với những củ khoai, củ sắn còi cọc. Chị em tôi mỗi đứa một cái rổ thưa đi men theo từng vồng, chọn những dây khoai đã già rồi cắt tỉa. Mẹ tôi luôn dặn, khi cắt dây làm thức ăn cho lợn phải cắt gần sát gốc để khoai nảy mầm ra nhánh, chứ lười cúi mà cắt hớt gần ngọn là khoai cằn cỗi không phát triển được nữa. Thế nên vườn khoai bốn mùa mưa nắng đều bật mầm xanh mướt.
Nhớ vườn khoai là tôi nhớ đôi bàn tay tảo tần của mẹ. Nhớ món ngọn khoai luộc chấm nước mắm. Loại nước mắm mặn xẳng hôi hôi mua bằng tem phiếu ngoài cửa hàng thực phẩm thời bao cấp. Vậy mà mấy đứa con thơ háu đói vẫn thi nhau chấm chấm gắp gắp. Có hôm, mẹ luộc ngọn chín tới, phi chút xíu mỡ lợn rồi bỏ rau vào trộn, nêm chút muối xong mẹ gắp ra đĩa, rải lên trên ít vừng đen rang giã nhỏ. Nhớ bát canh rau khoai mẹ nấu cùng mắm tôm, còn gọi là ruốc. Món canh đơn giản chân quê ăn kèm với cà muối, ngọt ngon đậm đà đi theo con suốt chặng đường dài.
Một ngày hanh hao nắng, giữa những vồng khoai hiện lên mấy bông hoa tim tím phớt trắng mang dáng vẻ dịu hiền quá đỗi. Hoa lặng thầm báo cho người biết đã vào mùa dỡ khoai. Khi dỡ khoai phải dùng cuốc khẩy vào hai bên vồng thật khéo léo thật nhẹ tay để không làm khoai bị gãy đứt. Sau đó cầm cả đoạn dây khẳng khiu lay nhẹ là có trong tay một chùm củ lủng lẳng bíu lấy nhau như đàn chuột con to con nhỏ. Cuối buổi chiều khi hoàng hôn đỏ ối như bếp than vỡ vụn trên dãy lèn phía bên kia sông, chị em tôi gánh khoai xuống suối rửa cho trôi hết đất cát. Ngày hôm sau, nắng đầu hạ bừng lên nhuộm vàng khu vườn rộn rã. Mẹ xắt khoai từng miếng mỏng rải ra trên cái nong để phơi. Chỉ vài ngày, những miếng khoai dần săn lại khô cong tỏa mùi thơm ngọt.

Khoai khô - nguyên liệu chính trong món khoai xéo của người Nghệ. Ảnh: Trang Nghệ ngữ.
Nhớ mùa khoai lang là tôi nhớ nồi khoai xéo vào ngày giáp hạt, vào cữ “tháng ba ngày tám’’ khi lúa vụ trước đã cạn bồ mà vụ sau chưa kịp trổ đòng. Đậu đen, đậu xanh, lạc nhân được mẹ tôi nấu trước cho mềm rồi bỏ vào nồi hầm cùng khoai khô. Khi nồi khoai sôi sùng sục, mùi thơm ngọt của khoai, mùi thơm bùi của các loại hạt theo làn khói quẩn quanh trong căn bếp nhỏ. Nồi khoai nhừ gần cạn nước, mẹ cho thêm vài thìa đường rồi cầm đôi đũa cả xéo qua xéo lại cho khoai mềm nhuyễn. Chắc tại động tác này mà người quê gọi là khoai xéo. Mẹ hơ tấm lá chuối tươi trên bếp lửa cho héo rồi đổ khoai ra lá, khéo léo vén bốn góc lại vuông vức chặt chẽ như một chiếc bánh chưng. Một lát mẹ mở lá, cắt khoai xéo thành từng miếng hình chữ nhật. Ôi chao, cái vị khoai xéo vừa bùi vừa ngọt, vừa thơm thơm mùi lá chuối tươi, chỉ mới vài miếng đã no căng bụng. Những tháng ngày thiếu đói, không kể mùa, không kể thời tiết, cứ vài ngày mẹ lại nấu một nồi khoai xéo để cả nhà cùng ăn. Mẹ bảo, ăn khoai xéo đủ chất dinh dưỡng nên no được lâu, tiết trời nào cũng hợp.

Khi nồi khoai nhừ gần cạn nước, người nấu sẽ dùng đôi đũa cả xéo qua xéo lại cho khoai mềm nhuyễn. Ảnh: Võ Thị Thu Hương.
Sống tha hương biền biệt phương trời. Chẳng thể nguôi nhớ rổ khoai luộc nứt vỏ bở tơi bên bát nước chè xanh nhưng nhức mùi quê. Chẳng thể nguôi nhớ nồi cơm một phần gạo trắng hai phần khoai độn đã nuôi nấng đời con khôn lớn. Chẳng thể nguôi nhớ những món ăn đơn sơ đạm bạc từ khoai lang mà mẹ đã nấu để cả nhà cùng đi qua những tháng năm cơ hàn mà ăm ắp niềm vui.
Tôi chạy ù ra chợ. Tìm mua bó ngọn, mớ lá, vài cân khoai củ, nghe tiếng ký ức bùi ngùi xa xôi, thúc giục tôi không ngừng hướng con tim về nơi có bàn tay chắt chiu của mẹ, có vị ngọt bùi của dằng dặc mùa khoai.