Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Tuy Hòa - Thứ Tư, 09/07/2025 , 10:28 (GMT+7)

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Hào khí Việt của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, phục dựng chân dung những nghĩa sĩ làm nên hào khí Việt cách đây hơn một thế kỷ không hề đơn giản. Bằng thái độ một hậu sinh thiện chí, tác giả Đỗ Thái Bình đã giành hơn 10 năm để nghiên cứu tài liệu và thâm nhập thực tế địa danh Guyane để khẳng định giá trị trường tồn của hào khí Việt qua ba nhân vật tiêu biểu Đỗ Văn Phong, Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu.

Tác giả Đỗ Thái Bình là hậu nhân của nghĩa sĩ Đỗ Văn Phong. Ảnh: NNCC.

Trước hết, cần nói rõ, tác giả Đỗ Thái Bình không phải một nhà sử học. Ông là một kỹ sư hàng hải, tốt nghiệp khoa đóng tàu của Đại học Giao thông Hà Nội năm 1966. Ngoài công việc chuyên môn, kỹ sư Đỗ Thái Bình đã biên soạn và chuyển ngữ nhiều cuốn sách hữu ích cho cộng đồng như “Megallan”, “Hỏi đáp tàu thuyền nhỏ”, “Trong thế giới tàu thuyền”, “Đường trên biển”, “Từ điển Bách khoa hàng hải”, “Bè tre vượt Thái Bình Dương”, “Thuyền buồm Đông Dương”, “Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam”… Bây giờ, ở tuổi 84, tác giả Đỗ Thái Bình ra mắt cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyena” đầy tâm huyết.

Địa danh Guyane là một vùng hải ngoại thuộc Pháp. Guyane trước đây được Pháp chọn làm nơi lưu đày tội nhân, với hệ thống nhà tù được xây dựng và giám sát nghiêm ngặt. Theo tài liệu thu nhập của tác giả Đỗ Thái Bình, có tổng cộng 1.311 tù nhân Việt Nam từng bị thực dân Pháp đưa đến Guyane.

Những năm đầu thế kỷ 20, bất kỳ ai quan tâm đến hào khí Việt trong ý chí chống lại ách đô hộ thực dân, đều từng nghe nhắc phiên tòa ngày 5/9/1913 diễn ra tại Hà Nội. Đó là phiên tòa xét xử 99 bị cáo là nghĩa sĩ đối đầu với chính quyền cai trị của Pháp. Trong phán quyết, 11 nghĩa sĩ bị kết án khổ sai lưu đày Guyane. Giai đoạn từ 1916 đến 1918, có 9 trong số 11 nghĩa sĩ trên đã vượt ngục Guyane, bao gồm: Lý Liễu, Đinh Hữu Thuật, Phạm Ngọc Ri, Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Huy Bửu, Đỗ Văn Phong, Lương Văn Phúc và Nguyễn Văn Xô. Số phận 9 nghĩa sĩ đào thoát khỏi Guyane trở thành một ẩn số lịch sử.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình là cháu của nghĩa sĩ Đỗ Văn Phong, trong quá trình tìm hiểu dấu vết tiền nhân dòng tộc, đã bước ra khỏi giới hạn “gia phả” để tái hiện chân dung “Ba người vượt ngục Guyane”. Bằng phương pháp biên khảo và ghi chép, cuốn sách 500 trang của tác giả Đỗ Thái Bình giúp độc giả hôm nay có được những nét phác họa cơ bản về ba nghĩa sĩ Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu và Đỗ Văn Phong.

Về địa danh Guyane, tác giả Đỗ Thái Bình mô tả: “Đặt chân tới Guyane, người tù khổ sai khám phá ra một thế giới hoàn toàn khác với những gì mà mình đã biết từ trước. Nằm trên bờ biển phía đông bắc của Nam Mỹ, nó có biên giới với Brasil dọc theo sông Oyapock và ở phía nam là dãy núi Tumuc Humac. Về phía tây, Guyane giáp với Suriname (tức Guiana thuộc Hà Lan) dọc theo sông Maroni. Nằm trong khoảng 2- 6 độ vĩ bắc và 51-51 độ kinh tây, khí hậu Guyane thuộc loại xích đạo và ẩm ướt, với mùa khô kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 và mùa mưa bắt đầu tháng 11 kết thúc tháng 7”.

Công trình nghiên cứu tôn vinh hào khí Việt.

Ở xứ người xa lạ, lại phải lao động như nô lệ, những nghĩa sĩ làm sao vượt ngục? Cuốn sách “Ba người vượt ngục Guyane” tiết lộ: “Để đào thoát, tù nhân cần tiền trả các khoản chi phí cần thiết để vượt sông Maroni. Nhưng khi sang Suriname thuộc Hà Lan, người đào thoát phải kiếm đủ tiền để không rơi vào cảnh túng thiếu và có nguy cơ bị đưa trở lại Guyane. Thông thường, Suriname chỉ là một chặng đầu tiên. Người đào thoát thường tiếp tục hành trình đến Venezuela hay một nước nào khác”.

Thực tế, các nghĩa sĩ Việt Nam cũng đã tìm được cách riêng để vượt ngục Guyane: “Trong thời gian ở Guyane, Lý Liễu có vai trò khá quan trọng đối với các đồng chí cách mạng: kêu với Tây để đòi quần áo, thuốc men là tay cụ; bắt tin tức bên ngoài để biết tình hình chính trị là nhờ cụ; gửi thư về thăm gia quyến và nhận thư của gia quyến gửi sang cũng một tay cụ. Cụ sẵn quen biết và có nhiều cảm tình với một số kiều dân Trung Hoa. Một lần cụ đem ý định vượt ngục nói cho vài bạn thân và ngỏ ý xin giúp đỡ, cụ được họ ừ liền.

Công việc sắp đặt bắt đầu từ giữa năm 1916 nhưng đến đầu năm 1917 mới có một chuyến khởi hành. Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Truật đi trước. Hai cụ được đưa xuống một chiếc thuyền đánh cá của thổ dân để từ bờ biển Gunaye dong buồm sang đảo Trinidad. Mọi việc lo liệu tốn kém đều do mấy bạn Hoa Kiều gánh chịu, họ còn tốt bụng viết thư giới thiệu trước với một thương hội ở Trinidad về tình cảnh các nhà cách mạng Việt Nam và yêu cầu ủng hộ. Từ đó ở Guyane thỉnh thoảng có người vượt ngục. Và mấy tháng sau, Lý Liễu cũng trốn được theo anh em sang Trinidad”.

Nghĩa sĩ Lý Liễu sau khi vượt ngục, trở về Việt Nam tiếp tục hoạt động ở Bến Tre với bí danh Lý Phùng Xuân. Nghĩa sĩ Đỗ Văn Phong sau khi vượt ngục, sáng lập nhà xuất bản Mai Lĩnh lừng lẫy ở Hải Phòng hỗ trợ các tài danh Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Phạm Cao Củng, Tam Lang...

Còn nghĩa sĩ Nguyễn Quang Diêu, sau khi vượt ngục trở thành nhà giáo - nhà thơ tranh đấu lỗi lạc ở Đồng Tháp. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của nghĩa sĩ Nguyễn Quang Diêu được truyền tụng đến hôm nay là “Chiêu hồn dân ruộng” viết năm 1928 để thức tỉnh đồng bào: “Người Nam ta lạ là rất lạ/ Nông nỗi này nghĩ đã biết không/ Mà còn mê mẩn tâm hồn/ Mà còn hớn hở như phồn trẻ con/ Hỏi đến nước mất còn chẳng biết/ Kêu đến dân Nam Việt chẳng thưa/ Miễn no bữa sớm bữa trưa/ Ngoài ra ai hiếp ai lừa mặc ai/ Thấy nghèo đói than dài thở vắn/ Có hỏi thời đổ hẳn cho trời/ Biết đâu muôn sự trên đời/ Kiết hung họa phước tự người làm ra”.

Tuy Hòa
Tin khác
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình
Lạc vào cuộc ‘đua thuyền’ truyền hình Quảng Bình

Không có hàng ngàn cổ động viên reo hò, nhưng tôi đã tưởng tượng là ê kíp truyền hình trực tiếp đang chèo một con thuyền chở văn hóa Quảng Bình đi khắp muôn nơi...

Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp
Nông nghiệp và Môi trường với Nguyễn Huy Thiệp

Dù khiêm tốn đến mấy, hẳn ông Lê Nam Sơn, ông Trịnh Bá Ninh và các biên tập viên kỳ cựu của báo đều không thấy chướng khi nói rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần làm nên, làm vững chắc thêm hiện tượng Báo Nông nghiệp Việt Nam số Tết trong làng báo nước nhà.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Xuất xứ cuốn truyện 'Mồ cô Phượng'

Ông bạn già kính mến của tôi thầm lặng viết 'Mồ cô Phượng', ở trong các tiệm ăn, ngoài đường, quán chợ, bến tàu. Vậy mà tuyệt nhiên không nói với tôi một lời.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Hoàng Tích Chu - Khí phách một nhà báo

Tôi say sưa đọc đi đọc lại bài báo của Hoàng Tích Chu. Với bài báo này, anh đã để lại trong tôi cái ấn tượng tốt đẹp của khí phách một người làm báo.

Cây liễu trước gió thôn tôi
Cây liễu trước gió thôn tôi

Tổng kết UBMTTQ huyện Quỳnh Lưu, tôi ngỡ ngàng khi thấy Bí thư Chi bộ thôn tôi Cù Thị Nhàn trong bộ áo dài vàng thướt tha lên sân khấu nhận bằng khen.

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Những tình duyên lỡ dở

Ở ngoài có bao nhiêu việc đáng nói, ở trong lòng tôi có bao nhiêu điều đáng viết ra, mà không nói, không viết nó lên giấy để cho nó như đã thành một thứ men rượu trong người thế này thì chịu sao được nổi nữa!

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Nghề đạm bạc

Kể lại những chuyện thiệt mình của nhà báo chúng tôi thì nhiều lắm, bằng chép bộ Bách khoa từ điển hay bộ Sử ký Tư Mã Thiên cũng nên...

Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo
Hồi ký Phùng Bảo Thạch: Bước đầu làm báo

Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), Báo Nông nghiệp và Môi trường trân trọng trích đăng hồi ức nghề báo của Nhà báo lão thành Phùng Bảo Thạch thay lời tri ân đến nhiều thế hệ làm báo nước ta.

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ
‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ

‘Tay chơi’ Đặng Huy Trứ là nhà cải cách lớn, góp phần khơi gợi tư tưởng canh tân và khai hóa vào giữa thế kỷ XIX ở Việt Nam.

‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut
‘Em bé Napalm’ trần tình về nhiếp ảnh gia Nick Ut

‘Em bé Napalm’ là bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam, sau nửa thế kỷ lại xôn xao dư luận về câu chuyện bản quyền liên quan đến tác giả Nick Ut.

Viết về Bác như cuộc đời đã chọn
Viết về Bác như cuộc đời đã chọn

Nguyễn Hưng Hải là trường hợp đặc biệt trong số các nhà văn, nhà thơ dành cả cuộc đời, phần lớn thi nghiệp theo đuổi đề tài về Bác Hồ.