Khi phim cổ trang chiếm lĩnh màn ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc, thì các nhà làm phim nước ta cũng háo hức làm phim cổ trang. Và khi những music video (MV) của các nghệ sĩ Trung Quốc và Hàn Quốc chạy theo phong cách cổ trang thì các ca sĩ nước ta cũng mô phỏng y hệt.
Dấu ấn cổ trang hóa MV ở Việt Nam chính là “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Dù nội dung ca khúc nửa ngô nửa ngọng nhưng tên tuổi Sơn Tùng M-TP và những hình ảnh cổ trang bắt mắt trong MV “Lạc trôi” đã nhanh chóng thu hút đám đông. Phát hành đầu năm 2017, sau 12 tháng, MV “Lạc trôi” đã đạt con số 170 triệu lượt xem trên Youtube. Kỷ lục của MV “Lạc trôi” khiến những ca sĩ khác phải sốt ruột thực hiện những MV cổ trang, hòng chinh phục các diễn đàn âm nhạc trực tuyến.
MV cổ trang "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của ca sĩ Bảo Anh ra mắt khoảng 1 tháng đã có 40 triệu lượt xem, khiến các MV cổ trang khác như MV "Lạc giữa nhân gian" của ca sĩ Ngô Kiến Huy) MV "Họa tình" của Trương Quỳnh Anh, MV "Chờ người" của Tố My… lục tục kéo nhau xuất hiện.
![]() |
MV cổ trang của ca sĩ Bảo Anh giống hệt phim kiếm hiệp Trung Quốc |
Đặc điểm chung của các MV cổ trang này là chọn trang phục và bối cảnh như trong các bộ phim kiếm hiệp Hồng Kong. Câu chuyện và nhân vật trong MV cổ trang cũng nhuốm màu huyền ảo và lâm ly như những hình ảnh lãng tử và nữ kiệt trong các bộ phim kiếm hiệp. Còn chất liệu âm nhạc và giá trị giọng ca được xếp xuống hàng… gia vị phụ trợ.
Bên cạnh những khán giả hào hứng đón nhận những MV cổ trang thì cũng không ít khán giả thẳng thắn chê bai các sản phẩm kém thẩm mỹ nghệ thuật ấy. Để có một MV cổ trang, ca sĩ phải bỏ ra khoảng tiền đầu tư gấp đôi những MV bình thường. Ngoài việc đánh vào thị hiếu một lớp công chúng đang cuồng phim cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc để tạo chỗ đứng trên thế giới mạng, thì các ca sĩ có MV cổ trang cũng hy vọng kiếm được lợi nhuận khủng từ số lượt xem mà Youtube chia cho họ.
Hai bài toán có vẻ khôn ngoan kia, chưa biết đáp án ra sao, nhưng trước mắt cho thấy sự ngớ ngẩn của những ca sĩ có tâm lý “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Bởi lẽ, phần lớn những ca sĩ phải cầu cạnh đến những MV cổ trang nhằm lấy mắt bù tai, thì đều không đủ tự tin vào chính giọng hát của mình!
Một ca sĩ sốt ruột chạy theo trào lưu làm MV cổ trang thú nhận: "Lần đầu tiên thực hiện một MV cổ trang nên choáng váng, với mức kinh phí phải bỏ ra hơn 600 triệu đồng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chưa kể, một MV cổ trang cũng rất khó để xin tài trợ vì nó chẳng liên quan đến bất cứ nhãn hàng hay thông điệp gì. Vậy nên cứ phải bỏ tiền túi".
Tuy nhiên, khi trách móc những ca sĩ làm MV cổ trang bắt chước thiên hạ, thì cũng phải nghĩ đến trách nhiệm của người tạo mẫu và người đạo diễn. Muốn có MV cổ trang cũng tốt, nhưng tại sao không làm MV mang bản sắc Việt? Đành rằng ca sĩ chỉ biết hát trong MV cổ trang , nhưng chất lượng dàn dựng thì phải phụ thuộc vào người tạo mẫu đã thiết kế trang phục và người đạo diễn đưa ra ý tưởng thể hiện chứ. Ví dụ, MV “Chờ người” của ca sĩ Tố My đã tiêu hết khoảng tiền 1 tỷ đồng, trong đó phần trang phục đã chiếm hơn phân nửa mà chỉ đổi được những kiểu quần áo y hệt phim Tàu, thì người tạo mẫu phải cảm thấy xấu hổ về tư cách một nhà thiết kế chỉ biết sao chép của thiên hạ.
Cũng khai thác yếu tố cổ trang, nhưng MV “Bánh trôi nước” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh lại có vẻ đẹp gần gũi với người Việt! Theo ca sĩ Hoàng Thùy Linh, nội dung MV được cô và đạo diễn Phù Nam hướng tới người phụ nữ Việt nói riêng và thân phận phụ nữ nói chung, nên hình ảnh được cân nhắc rất kỹ lưỡng về trang phục!