GS.TSKH Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

GS.TSKH Trương Quang Học cho rằng, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững. Ảnh: NVCC.
Thưa Giáo sư, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn mà thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông, đâu là những “điểm nóng” mà chúng ta cần tập trung giải quyết?
Thời gian gần đây, trên phạm vi toàn cầu, một số vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên, đe dọa sự an toàn của Trái đất, của chính bản thân con người.
Thứ nhất, hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã từ giai đoạn ấm lên toàn cầu chuyển sang giai đoạn “nung nóng toàn cầu”. Tốc độ BĐKH đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của chúng ta. Trong 50 năm qua, số lượng thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần và gây thiệt hại gấp 7 lần. Đây là điều rất đáng quan ngại.
Thứ hai, đa dạng sinh học - nguồn tài nguyên quý giá nhất cho sự phát triển, đang suy thoái ở mức báo động. Có khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng trong những thập kỷ tới, nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.
Về môi trường, ô nhiễm môi trường gia tăng, nhất là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của IQAIR, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.
Trong khi đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo BĐKH và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.
Những con số mà ông vừa chia sẻ có lẽ là hồi chuông báo động về tác động mạnh mẽ của con người tới tự nhiên và sự “phản ứng” tất yếu của tự nhiên. Điều này có thể cải thiện được không, thưa ông?
Hoàn toàn có thể, khi con người phát triển dựa vào thiên nhiên, thuận sinh thái, hài hòa với thiên nhiên.
Ở góc độ kinh tế, xu hướng này thể hiện rõ nét trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH). Trong kinh tế xanh, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng, đổi mới nền kinh tế và phúc lợi xã hội.
Cùng với đó, việc chuyển đổi sang nền KTTH là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế ‐ xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với BĐKH.

Kinh tế tuần hoàn đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Nói đến KTTH ở Việt Nam, chúng ta đều đã thấy những tín hiệu rất tích cực từ chính sách cho đến hoạt động sản xuất kinh doanh?
Đúng vậy! Từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2035. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; tiết kiệm năng lượng: phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN.
Trên thực tế, KTTH đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với KTTH trong khu vực tư nhân được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Có thể kể đến mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm; Mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO)…
Chuyển dịch đã rõ ràng, song đó mới là bước đầu. Thực hiện KTTH ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là nguy cơ đứt gãy của nền KTTH. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình KTTH là chi phí thu hồi giá trị từ chất thải. Kinh tế tuần hoàn là mô hình khép kín khi sử dụng chất thải của chu kỳ này cho đầu vào của chu kỳ mới. Ở Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Đây là một tỷ lệ nhỏ so với các nước đã và đang thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền KTTH chưa phổ biến, vì đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo lô gíc nền kinh tế tuyến tính, có các mục tiêu tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi KTTH là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.
Cùng với đó, các điều kiện về pháp lý, kết cấu hạ tầng cho phát triển KTTH còn thiếu, nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi ngay từ đầu phải có chiến lược sản xuất và phát triển sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể và lập kế hoạch đưa nguyên liệu trở lại sản xuất sau này. Để đạt được điều đó, đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải.
Trước những thách thức này, ông đề xuất giải pháp gì để kinh tế tuần hoàn tránh được đứt gãy và thực sự phát triển ở Việt Nam?
Tôi cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển KTTH phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất.
Hai là, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội trong việc phát triển KTTH ở Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo.
Bốn là, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải.
Năm là, đưa vào chương trình giáo dục ‐ đào tạo ở các cấp học những kiến thức về KTTH nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về KTTH. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
GS.TSKH Trương Quang Học: Cần có thêm hướng dẫn cụ thể về triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 để giúp cho bức tranh tổng thể về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sớm hoàn thiện. Theo đó, nên có quy định cụ thể về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi và tái chế hoặc chi trả chi phí cho việc xử lý rác thải, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.