Cơ giới hóa trong sản xuất góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các HTX nông nghiệp của Trà Vinh đã cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và đưa rơm rạ khỏi đồng ruộng.
Đơn cử như HTX nông nghiệp Phước Hảo ở huyện Châu Thành hiện sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa tương đối đầy đủ gồm lò sấy lúa, máy bay phun thuốc, máy sạ hàng, cuộn rơm, máy xay xát.
“Những máy móc, thiết bị giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí lao động, hỗ trợ HTX thực hiện tốt quy trình canh tác lúa chất lượng cao", ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hảo cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh, hiện nay diện tích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên địa bàn tỉnh đạt 98%. Ảnh: Lê Hùng.
Tại HTX nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành), từ năm 2024 đến nay đã đưa máy móc, thiết bị đồng bộ vào sản xuất. Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX nông nghiệp Phát Tài cho biết, hiện các công đoạn từ tách hạt giống, làm đất, sạ lúa, thu hoạch, phơi lúa đều do máy móc thực hiện, chỉ còn công đoạn bỏ lúa vào bao phải thuê nhân công.
Là thành viên HTX nông nghiệp Phát Tài, ông Nguyễn Văn Đậm chia sẻ: Trồng lúa bây giờ không còn tốn công sức như trước đây vì máy móc đã làm thay. Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao hơn.
Anh Đậm dẫn chứng, trước đây chi phí thuê nhân công phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi công lúa 25.000 đồng nhưng nay phun thuốc bằng máy bay không người lái chỉ 15.000 đồng. Bên cạnh đó, dùng máy sạ lúa theo hàng còn giúp nông dân giảm lượng lúa giống đáng kể.
Từ những lợi ích của việc cơ giới hóa, hiện nay một số HTX nông nghiệp ở huyện Cầu Kè đang trang bị thêm máy móc để tiến tới cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất lúa.

Nhiều HTX nông nghiệp ở Trà Vinh đã trang bị máy cuộn rơm đưa rơm khỏi đồng ruộng. Ảnh: Lê Hùng.
Ông Kim Tâm, Chủ tịch HTX nông nghiệp Việt Thành (huyện Cầu Kè) cho hay, HTX dự định mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp lên khoảng 170ha. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, HTX sẽ đầu tư thêm máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đơn cử năm 2019, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 84%, đến năm 2025 đạt 100%, diện tích thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 70% năm 2019, tăng lên 98% năm 2025.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các HTX trên địa bàn tỉnh đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả cao cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và môi trường Trà Vinh tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thiết bị, máy móc, kho chứa, nhà máy chế biến. Đồng thời, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm bổ sung máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.