Hiệp định về bảo tồn đa dạng sinh học biển (BBNJ) cùng với Mục tiêu 3 của Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) đã đem lại khuôn khổ pháp lý toàn diện cho nỗ lực bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học biển ở các khu vực ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Phạm vi của Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển BBNJ bao gồm vùng biển khơi và đáy biển sâu bao phủ gần 2/3 diện tích đại dương trên Trái đất.
Có khuôn khổ pháp lý là một chuyện, nhưng thành công thật sự của nỗ lực bảo tồn chỉ đạt được khi các quốc gia chung tay thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó, công cụ quan trọng đảm bảo việc triển khai hành động không bị gián đoạn là các cơ chế tài chính.
Trong lĩnh vực này, điều 52 Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển BBNJ đã thiết lập một cơ chế tài chính đặc biệt nhằm cung cấp "các nguồn tài chính mới, bổ sung và có thể dự đoán được, đầy đủ, dễ tiếp cận" thông qua ba phương tiện tài trợ riêng biệt: Quỹ tín thác tự nguyện để hỗ trợ các nước đang phát triển tham gia các cuộc họp; Quỹ đặc biệt; và Quỹ tín thác của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định.

Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển BBNJ cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các nỗ lực bảo tồn ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Ảnh: IUCN.
Thách thức trong triển khai
Nỗ lực bảo tồn ở các khu vực ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đây là những khu vực có hệ sinh thái đa dạng nhưng đang chịu tác động tiêu cực từ nạn đánh bắt quá mức, ô nhiễm môi trường gây mất môi trường sống của sinh vật và cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Hiệp định BBNJ, một mặt, cung cấp lộ trình và công cụ pháp lý phù hợp để thế giới thực hiện nỗ lực bảo tồn biển, như việc xây dựng và triển khai các khu bảo tồn biển (MPA). Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này, chúng ta sẽ cần tới những khoản đầu tư quy mô lớn, vượt xa nguồn tài chính hiện đang được phân bổ cho nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Hiện nay, nhiều quỹ quốc tế đã được thành lập để tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, trong đó có GEF. GEF là một cơ chế tài trợ quan trọng cho các thỏa thuận môi trường đa phương (MEA), nhưng quỹ này mới chỉ ghi nhận mức tăng trưởng tài trợ khiêm tốn, không đáp ứng được các tham vọng ngày càng tăng về môi trường toàn cầu.
Cụ thể, khoản tài trợ đầu tiên của GEF, GEF-1 (1994-1998), phân bổ được 2,01 tỷ USD cho các nỗ lực vì môi trường, một con số đáng kể so với thời điểm ấy. Tuy nhiên, đến GEF-8 (2022-2026), con số này chỉ ở mức 5,35 tỷ USD, mức tăng trưởng thực tế khá khiêm tốn trong gần ba thập kỷ dù Quỹ đã mở rộng phạm vi nhiệm vụ của mình và thế giới kêu gọi tăng cường hành động.
Ngoài ra, các cơ chế tài chính hiện có đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, bao gồm các rào cản về khả năng tiếp cận và sự phân chia các ngành, khiến các khoản đầu tư này kém hiệu quả. Do đó, trước những thách thức này, thế giới cần các nguồn tài trợ bổ sung, dễ tiếp cận và đa dạng hơn để thực hiện hiệu quả Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển BBNJ nói riêng và nỗ lực bảo tồn thiên nhiên nói chung như đã nêu trong GBF.
Cơ hội cho nguồn tài chính mới
Hiện nay, Hiệp định bảo tồn đa dạng sinh học biển BBNJ đã cung cấp một cơ chế tài chính mới, được gọi là quỹ đặc biệt, mang đến cơ hội thiết lập các phương pháp tiếp cận tài chính hỗn hợp, được thiết kế riêng cho nhu cầu bảo tồn vùng biển.
Quỹ đặc biệt tiếp nhận các khoản đóng góp từ nhiều nguồn, bao gồm các khoản đóng góp hàng năm từ các bên là quốc gia phát triển, lợi nhuận từ hoạt động sử dụng tài nguyên di truyền biển và các khoản đóng góp tự nguyện bổ sung từ cả các tổ chức công-tư. Cơ chế này được kỳ vọng mang lại nhiều nguồn tài trợ bền vững và có thể dự đoán được hơn so với các mô hình phụ thuộc vào nhà tài trợ truyền thống.
Quan trọng hơn cả, quỹ đặc biệt sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để huy động các nguồn lực rộng hơn, nằm ngoài phạm vi các kênh tài trợ công truyền thống. Không giống như nhiều quỹ môi trường đa phương truyền thống, quỹ đặc biệt BBNJ được thiết kế để tiếp nhận các nguồn đóng góp từ “các tổ chức tư nhân muốn cung cấp nguồn tài chính để hỗ trợ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển”.
Sự khác biệt này cho phép quỹ đặc biệt tận dụng các khoản đóng góp từ thiện, các phương pháp tiếp cận tài chính hỗn hợp và các khoản đầu tư tác động có thể nhân lên tác động của các nguồn lực công bằng cách thu hút vốn tư nhân.
Thông qua phát triển quan hệ đối tác với, trong số những bên khác, các tổ chức tài chính, tổ chức từ thiện, nhà đầu tư tác động, các tổ chức theo ngành như ngành vận tải biển và các tổ chức quốc tế có liên quan như Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), quỹ đặc biệt có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính đáng kể, đồng thời tạo ra các cơ chế liên kết các hoạt động thương mại với các mục tiêu bảo tồn.
Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (Hiệp định BBNJ), còn được gọi là “Hiệp ước Biển khơi”, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nỗ lực bảo vệ đại dương; thúc đẩy công bằng và bình đẳng; giải quyết tình trạng suy thoái môi trường; chống biến đổi khí hậu; ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học ở vùng biển. Hiệp định BBNJ được xây dựng trong hơn một thập kỷ dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và được thông qua theo sự đồng thuận tại Hội nghị liên chính phủ BBNJ lần thứ 5 tại New York (Mỹ) vào ngày 19/6/2023.