| Hotline: 0983.970.780

Thượng Hải - Hàng Châu, những chuyện nhặt dọc đường...

Thứ Tư 15/10/2008 , 08:00 (GMT+7)

Đi hết Thượng Hải và Hàng Châu mới thấy hết cảnh đẹp và nhịp sống trái ngược hẳn nhau...

Một khu du lịch ở Thượng Hải

Ồn ào Thượng Hải

Trước đây, Thượng Hải có hai khu phố gần như riêng biệt. Khu phố Đông là khu của người nước ngoài, với những toà ngang dãy dọc hiện đại, còn gọi là đất Tô Giới. Khu phố phía Tây là khu của người đánh cá Thượng Hải, với những căn nhà thấp nhỏ, chỉ một hoặc hai tầng. Ngày nay, thành phố giàu có đã thay da đổi thịt, ở khu phố Tây đã có nhiều căn nhà mới mọc lên, nhưng cũng còn rất nhiều nhà cũ với kiến trúc cổ kính, rêu phong.

Người Thượng Hải hôm nay hay nhắc tới công lao của ông Đặng Tiểu Bình, người có công mở cửa và tái thiết Thượng Hải những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước. Ông Đặng bằng uy tín quảng đại của mình, đứng ra hoà hợp hai luồng tư tưởng Đông, Tây vốn từ lâu tồn tại một cách độc lập nhưng ẩn chứa nhiều mâu thuẫn ở Thượng Hải. Với sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, tất cả mọi người sống trên mảnh đất này cùng nhìn về một hướng, chung tay xây dựng nên một Thượng Hải giàu mạnh, được cả thế giới biết tiếng và nể trọng. Ở thành phố này, người ta hay bắt gặp hình ảnh vị cố lãnh tụ của mình hiện diện trang trọng ở các nơi công cộng như công viên, nhà ga…nhìn ông đứng đó, hiền lành, gần gũi.

Người Trung Quốc có câu: “Chưa đi Thượng Hải chưa biết nhà mình thấp”. Quả thật những toà nhà ở đây (trong đó có toà tháp cao nhất 102 tầng đang được hoàn thiện) to lớn và hoành tráng hơn bất cứ nơi nào trên đất nước Trung Hoa. Toà tháp truyền hình cao trên 400m, với kiến trúc cực kỳ hiện đại là một niềm tự hào khác của thành phố. Khi chúng tôi đến Thượng Hải thì thành phố đang thực hiện việc tiết kiệm điện, nên vào buổi tối các toà nhà chọc trời và tháp truyền hình không được chiếu sáng, nếu không ban đêm tất cả đã rất lung linh, huyền diệu.

Có điều lạ là thành phố đông đúc hơn 20 triệu dân và lúc nào cũng có khoảng 4 triệu khách du lịch nhưng không biết làm cách nào, người ta giữ gìn môi trường được trong lành như vậy. Dòng sông Hoàng Phố nổi tiếng và các sông con nhỏ đổ vào nó, nước vẫn trong xanh, không hề có màu đen của nước thải. Người Thượng Hải thường đi các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt chạy điện, tàu điện, người dùng phương tiện cá nhân cũng chọn ôtô chạy điện, xe đạp điện mà ít dùng xe chạy xăng và hầu như không dùng xe máy nhằm triệt để bảo vệ môi trường…

Trên cây cầu cao nhất thành phố Thượng Hải, cao năm tầng, đường dẫn dài ngót 50km, có bút tích của ông Đặng với dòng chữ: “Thượng Hải đại kiều”.

Người dân ở đây kể chuyện vui, do thấp người nên ông Đặng đã viết có một lỗi trên chữ “kiều”, một nét phảy đáng lẽ ở phía trên ông đã đánh nhầm xuống phía dưới. Không biết thực hư như thế nào, nhưng chỉ qua câu chuyện nhỏ vậy thôi, đã thấy Đặng Tiểu Bình vốn là con người có thật mà như là một huyền thoại trong lòng dân Thượng Hải.

Thượng Hải có một trung tâm triển lãm vào hàng lớn nhất thế giới, có tất cả 12 toà nhà, gọi là “hall” để các công ty trưng bày sản phẩm. Chỉ cần 2 “hall” đó thôi là đã lớn bằng cả trung tâm triển lãm Giảng Võ của ta, nhưng vào dịp hội chợ, tất cả các “hall” đều chật ních gian hàng. Những công ty hàng đầu trên thế giới không bao giờ bỏ qua các triển lãm ở Thượng Hải để quảng bá sản phẩm của mình ở thị trường đông dân cư nhất thế giới. Tuy nhiên, một việc có thể làm du khách ngán ngẩm nhất là việc đi tàu điện ngầm ở đây, nhất là vào giờ tan tầm. Trong khi mật độ người trong tàu đã đông đến mức như không thể nhồi thêm được, thì ở ga tiếp theo người ta lại ùn ùn đổ vào, khiến tất cả phải chen đè lên nhau, nhiều người đến ga của mình mà không làm thế nào để thoát ra được. Trong những tình huống như thế, những người đàn ông “đứng đắn” chỉ còn cách giơ hai tay lên trời, vì nếu buông tay xuống thì có thể vô tình mà…gây án không biết chừng.

Người Thượng Hải kể rằng đàn ông ở đây cực kỳ ga-lăng và chiều vợ. Phụ nữ phần lớn được ở nhà và…chỉ tiêu tiền. Những ai đi làm chỉ là cho vui, còn trách nhiệm kiếm tiền chính là của chồng. Đã thế, đàn ông Thượng Hải còn phải lo lắng việc nhà như đón con, phụ vợ nấu ăn…Anh nào đi làm cũng mang theo giỏ, để khi đi làm về thì qua chợ mua đồ ăn cho gia đình. Khi có bạn bè rủ đi nhậu, bao giờ cũng phải “xin ý kiến” bã xã, nếu vợ không đồng ý thì thường phải từ chối bạn bè…

Êm ả Hàng Châu

Hàng Châu là thành phố du lịch nhỏ, nằm cách Thượng Hải khoảng hai giờ đồng hồ xe hơi và khoảng hơn một giờ đi tàu cao tốc (chạy tới 180km/h). Thành phố này nổi tiếng với khu du lịch Tây Hồ, cực kỳ thơ mộng ngày nào cũng nườm nượp du khách từ bốn phương đổ về. Điểm khác biệt lớn so với Hồ Tây ở ta là cảnh quan ở đây vô cùng yên ả, với những công viên rộng và đẹp như những cánh rừng xung quanh hồ. Nhà cửa chỉ được xây dựng xa hồ và không được phép che lấp bất kỳ cảnh quan nào quanh hồ. Trong khi ở ta phải khó khăn và tốn kém lắm với giải toả được một con đưòng nhỏ ven hồ Tây, thì ở Tây Hồ của Hàng Châu, xung quanh hồ đâu đâu cũng là công viên. Trong đó không chỉ có màu xanh của cây cối, mà du khách còn có thể bắt gặp những động vật hoang dã như sóc, công…đi lại tự do trên các thảm cỏ trong công viên.

Đến Hàng Châu, du khách còn được thưởng thức các món ăn nổi tiếng, gắn với các danh nhân ở đây như thịt kho “Tô Đông Pha” hay gà tiềm “Cái Bang”. Kèm theo mỗi món ăn là một câu chuyện nổi tiếng không kém các nhân vật đã sáng tạo ra chúng. Câu chuyện của Tô Đông Pha được kể lại rằng ngày Tết, dân làng vì yêu thích nhà thơ nên nhà nào cũng đem đến biếu ông một miếng thịt. Tô Đông Pha không ăn hết nên chế biến thành món thịt kho đặc biệt. Sau Tết khi nhà nhà hết thịt, ông mới mời dân làng đến dùng thử món thịt kho của mình, ai cũng khen ngon.

Còn câu chuyện về món ăn của bang chủ Cái Bang lại khác. Khi ấy, ông rất nghèo, có bao nhiều tiền thường đi nhậu hết. Một hôm ông đến một nhà hàng lớn nhất vùng, nói với ông chủ rằng ông xin mỗi ngày một con gà để uống rượu, bù lại ông sẽ bày cho nhà hàng chế biến một món ăn, đảm bảo khách nào ăn xong cũng phải quay lại. Chủ nhà hàng không tin và sai người đuổi ông đi, nhưng ông quỳ gối từ tối đến sáng trước cửa nhà hàng. Sáng hôm sau, ông được nhận vào để thử chế biến món ăn thì quả nhiên làm nức lòng các thực khách thật. Ngày nay, ngoài các món ẩm thực đó, những di tích về hai nhân vật nổi tiếng này như tượng đài, nơi ở…vẫn được bảo tồn và là điểm thu hút du khách đáng kể.

Ở Hàng Châu còn có một câu chuyện khá thú vị về loại cây được trồng phổ biến nhất Hàng Châu, đó là cây long não (một loài thân mộc, khác với cây long não trồng làm thuốc). Nhà nào sinh con gái đều trồng một cây long não. Cây lớn lên, người trai vùng khác đi qua, nhìn vào cây long não thì đoán được tuổi người con gái trong nhà mà đến tìm hiểu. Khi người con gái lấy chồng thì cây được xẻ gỗ làm giường cưới. Sẽ thật buồn nếu nhà nào có cây long não đã đứng bóng mà người con gái vẫn chưa gả được chồng. May thay (hay là…chẳng may thay?!), ngày nay do tỷ lệ sinh con nam nhiều hơn nữ, nên hầu như không còn những cây long não đã già mà chưa được đốn làm giường cưới… 

Trong thành phố Thượng Hải, có khu Nam Kinh là phố đi bộ, với nhiều hàng hoá bày bán dọc đường. Người ta kể rằng ở đây có các cô gái trẻ đẹp, thấy vị khách nam nào đi một mình thì hay tiến lại làm quen. Sau khi kể hoàn cảnh khó khăn của mình, cô gái thường xin anh nọ khoảng 20 tệ (cỡ 50.000 đồng Việt Nam) và mời vào quán cà phê tâm sự thân mật như bạn bè. Cuối buổi cô gái xin phép đi vào trong, sau đó cô ta nhìn anh bạn mỉm cười, gật đầu và…biến mất.

Lát nữa, chủ quán đến tính tiền, trong hoá đơn, ngoài hai ly cà phê, còn có hai chai rượu ngoại đắt tiền. Lúc đó nếu khách từ chối, thì chủ quán đã có băng ghi hình hai người ngồi nói chuyện thân mật như người thân, và khi cô gái lấy hai chai rượu đi ra đã nhìn anh và anh gật đầu đồng ý…

Xem thêm
728 tỉ đồng nâng cao chất lượng trường dân tộc nội trú, bán trú

Gia Lai dự chi 728 tỉ đồng dùng để đầu tư, nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất cho mạng lưới các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú toàn tỉnh.

Bình luận mới nhất