Nhiều thửa đất đã được cấp sổ đỏ nay "dính" quy hoạch đô thị vệ tinh
Hòa Lạc là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Theo định hướng, nơi đây sẽ hình thành 4 phân khu chức năng riêng biệt, bao gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu đô thị sinh thái và Khu tổ hợp y tế. Đô thị vệ tinh Hòa Lạc được kết nối trực tiếp với khu trung tâm Thủ đô bằng tuyến đường sắt đô thị số 5 đang chuẩn bị được khởi công. Chính vì vậy, thời gian gần đây, đất Hòa Lạc lại tiếp tục lên các cơn sốt giá.
Nhiều nhà đầu tư có tâm lý mua nhanh không lỡ cơ hội nên không kiểm tra kỹ các thông tin nên mua phải đất dính quy hoạch.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, huyện Thạch Thất nằm trong khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc đang có 3 quy hoạch bao trùm. Đó là, quy hoạch chung của huyện; quy hoạch đô thị Hòa Lạc và quy hoạch phân khu.

Nhiều khu vực tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã được cấp sổ đỏ những vẫn vướng quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: Thùy Linh.
Nhiều khu vực đất ở tại Thạch Thất đã được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) từ nhiều năm trước nay chiếu theo quy hoạch đô thị vệ tinh lại vướng vào quy hoạch đất giao thông, cây xanh, trường học. Sau khi biết được thông tin này, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu bán tháo các thửa đất.
Ông Nguyễn Bá Huy (nhà đầu tư) cho biết, quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc mới được phê duyệt tháng 9/2024, khi làm hồ sơ đăng ký biến động các thông tin về quy hoạch thửa đất vẫn chưa được cập nhật thông tin về quy hoạch. Dẫn đến việc đăng ký biến động vẫn được làm bình thường. Người dân không nắm được thông tin quy hoạch mới.
“Khi xem đồ án quy hoạch chung, tôi thấy trên sơ đồ chỉ thể hiện đường quy hoạch loại 1-2-3. Trên quy hoạch phân khu thể hiện rõ hơn về chức năng các loại đất. Cụ thể, đất ở, đất cây xanh, đất trạm y tế, hoặc đất trụ sở, đất công cộng. Vì vậy, nhiều thửa đất đã được cấp sổ đỏ ở thời điểm trước khi phê duyệt quy hoạch phân khu, thì sổ đỏ cũng không thể hiện được việc bị dính vào quy hoạch. Do vậy, rất rủi ro cho người dân”, ông Huy nhấn mạnh.
Thực tế, tại 5 khu đô thị vệ sinh của TP Hà Nội đang xảy ra tình trạng, nhiều thửa đất ở có diện tích 1.000-2.000m2, đã được phân lô tách thửa theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi cập nhật quy hoạch đô thị vệ tinh thì “dính” quy hoạch khiến người dân bị hạn chế nhiều quyền.
Đất vướng quy hoạch vẫn được cấp sổ đỏ
Theo ông Lê Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), quy hoạch đô thị vệ tinh của TP Hà Nội được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị. Sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, TP. Hà Nội mới xây dựng quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các dự án ở từng cấp độ khác nhau. Thời gian thực hiện quy hoạch có thể kéo dài 30-50 năm.
Khi nhà nước chưa ra thông báo thu hồi đất, chưa công bố vào kế hoạch sử dụng hàng năm cấp huyện, danh sách các dự án phải thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người dân được thực hiện các quyền của mình rất bình thường và trách nhiệm của người mua là phải tìm hiểu quy hoạch. Cơ quan nhà nước không can thiệp vào việc này. Quyền của người dân là được cấp sổ đỏ kể cả đất quy hoạch hay không bị quy hoạch.
"Không thể lấy lý do chỗ này quy hoạch mở đường thì không được cấp sổ đỏ. Đất người dân đang sử dụng thì vẫn được cấp sổ đỏ. Đất được cấp sổ đỏ sẽ thuận lợi hơn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Bởi vì thửa đất được cấp sổ đỏ là có đủ hồ sơ địa chính, nguồn gốc. Khi giải phóng mặt bằng, cán bộ sẽ kiểm đếm tài sản dễ dàng hơn. Luật Đất đai 2024 không có điểm nào quy định về việc đất vướng quy hoạch thì không được cấp sổ đỏ. Việc cấp sổ đỏ là để quản lý và thể hiện quyền sở hữu của người dân", ông Bình cho biết.
Hiện nay, Nhà nước đang triển khai các quy hoạch rất là bài bản. Căn cứ từ các đồ án quy hoạch vùng, đồ án phát triển kinh tế vùng để xây dựng đề án phát triển quy hoạch vùng, đến quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Vì vậy, để kiểm tra chính xác quy hoạch, các nhà đầu tư phải liên hệ với phòng quản lý đô thị, các đơn vị quy hoạch để tra cứu thông tin, tránh rủi ro khi mua đất đã bị quy hoạch.