| Hotline: 0983.970.780

'Thần đồng' hơn 4 tuổi đã đọc sách báo, viết chính xác hàng chục số điện thoại

Thứ Hai 12/12/2016 , 08:20 (GMT+7)

Đó là danh hiệu mà người làng Bách Kim (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) dùng tặng cho cháu Cấn Thái Dương, mới 4 tuổi rưỡi (cháu sinh ngày 15/7/2012) nhưng đã đọc thông sách báo, viết chính xác hàng chục số điện thoại của người thân...

chu-cn-thi-duong-dng-doc-cuon-sch-cu-tc-gi154542320
Cháu Dương đang đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả
 

Đó là danh hiệu mà người làng Bách Kim (xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) dùng tặng cho cháu Cấn Thái Dương, mới 4 tuổi rưỡi (cháu sinh ngày 15/7/2012) nhưng đã đọc thông sách báo, viết chính xác hàng chục số điện thoại của người thân, biết làm phép cộng, phép trừ đến số 20 và đọc, viết tiếng Anh từ số 1 đến số 100, không cần ai dạy.

Bố cháu, thầy giáo Cấn Quảng Đại, là giáo viên dạy Toán của trường THPT huyện Thạch Thất. Còn mẹ cháu, chị Cấn Thị Dung, hiện đang làm kế toán cho một doanh nghiệp ở gần nhà. Nghe chúng tôi xưng tên và hỏi những chuyện về cháu mà người làng đồn thổi, xác nhận những chuyện đó là thật, nhưng ông nội cháu bảo:

- Ôi dào, trẻ con bây giờ đứa nào chả thế. Có gì lạ đâu hả bác.

- Vâng, đúng là trẻ con bây giờ có điều kiện hơn nên chúng phát triển, nhanh nhẹn, và hiểu biết hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa ở thời cha ông. Nhưng nếu được như cháu Dương, thì quả là hiếm có.

Trong cặp tôi có cuốn tiểu thuyết “Không thể giã từ” của mình, do NXB Hội Nhà văn tái bản quý I năm 2016, tôi lấy ra, bảo cháu:

- Cháu hãy đọc thử một trang trong cuốn sách này cho bác nghe.

Cháu đón cuốn sách, và đọc trang bìa theo tay bà nội chỉ:

- Vũ Hữu Sự - Tiểu thuyết - Không thể giã từ.

Tiếp theo, cháu đọc trọn trang đầu của cuốn sách. Giọng đọc của cháu rất mạch lạc, không vấp váp, chỉ có điều hơi ngọng, như “giã từ” thì đọc là “giá từ”, việc nói ngọng này là đặc điểm của cách phát âm địa phương.

Nghe tin có nhà báo về gặp cháu, mấy người hàng xóm chạy sang. Nghe cháu đọc, tất cả đều gật gù thán phục. Tôi đưa ra tờ giấy, cây bút, và bảo cháu:

- Cháu viết chữ: Ông nội, bà nội, số điện thoại của ông nội, bà nội và từ: Một, hai, ba bằng tiếng Anh cho bác xem nào.

Cháu lần lượt thực hiện các yêu cầu của tôi. Tôi hỏi ông nội cháu:

- Có phải bố mẹ cháu đã dạy cho cháu không, thưa ông?

- Không. Tuyệt đối không. Thậm chí thấy cháu quá ham mê, gia đình còn ngăn cháu lại, sợ cháu học sớm quá cũng không tốt.

- Thế gia đình phát hiện ra cháu có khả năng ấy từ bao giờ?

Bà nội cháu kể:

- Đó là vào khoảng năm cháu được hai tuổi rưỡi. Hôm ấy ông nội cháu đi Hà Nội, cầm theo chìa khóa, còn tôi thì bế cháu đi chơi bên hàng xóm, lúc về không mở cửa vào nhà được, tôi lại không nhớ số điện thoại của ông, của bố cháu, mẹ cháu.

Đang lúc lúng túng không biết làm sao thì cháu bảo, cháu biết số của ông, của mẹ. Rồi cháu đọc số của ông. Lúc đầu tôi cũng không tin, nhưng khi mượn máy của hàng xóm gọi theo số cháu đọc, thì đúng. Lúc đó ông mới giật mình biết mình đã cầm cả chìa khóa theo, không để vào chỗ quy định như mọi lần.

Ông gọi cho mẹ cháu mang chìa khóa về. Lúc đó, cả nhà ai cũng ngạc nhiên. Và càng ngạc nhiên hơn khi thấy cháu nhớ được số điện thoại của hơn chục người khác, toàn là người thân. Không những nhớ, mà cháu còn viết ra được những số điện thoại đó.

- Thế còn chuyện cháu đọc được sách báo, làm được toán, viết được các từ tiếng Anh?

- Vâng, thì sau đó cứ lần lượt phát hiện ra là cháu biết được những thứ đó, và mọi người cứ lần lượt đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ai hiểu vì sao cháu lại biết. Hỏi, thì cháu bảo cháu xem trên máy tính của mẹ.

Ông nội cháu nói thêm:

- Cháu Dương đặc biệt ham học. Cứ cho cháu một viên phấn là cháu quên hết mọi thứ, ngồi viết hết chữ này đến chữ khác, số này đến số khác. Có lần cháu có một viên phấn, thế là cháu đánh số từng viên gạch trên sân, từ nhỏ đến lớn. Có điều đến số 100 thì cháu lại đánh số lại từ 1, vì số lớn hơn 100 cháu chưa biết.

Trên đường về, tôi cứ vấn vương mãi vì hai chữ “thần đồng”. Trong lịch sử, cũng từng có rất nhiều đứa trẻ được người đời gọi là “thần đồng”. Nhưng dù là “thần đồng” chăng nữa, thì cũng phải bắt đầu bằng việc học. Chỉ có điều sức học của những “thần đồng” đó hơn hẳn những người thường, học một, nhưng họ biết mười, như thần đồng Nguyễn Văn Cẩm (Thái Bình) chẳng hạn, lúc vào học chưa biết chữ nào, nhưng chỉ mấy tháng đã học hết chữ của thầy.

Có thật gia đình không dạy gì cho cháu Cấn Thái Dương, như lời ông nội cháu hay không? Ở đây, chỉ có hai trường hợp. Nếu là gia đình dạy cho cháu, thì việc dạy một đứa trẻ quá sớm như vậy sẽ rất có hại cho cháu, như nhiều chuyên gia đã phân tích, đánh giá. Còn nếu không dạy gì mà cháu tự biết như vậy, thì đây quả là một đứa trẻ lạ lùng.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất