Chữa cháy
Theo ngư dân Nguyễn Văn Lãnh ở phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), tình trạng thiếu lao động đi biển không phải mới xảy ra đây, mà từ năm 2000, các chủ tàu cá đã quen cảnh đỏ mắt kiếm thuyền viên đi biển.
Khi ấy, ông Lãnh có 2 tàu cá hành nghề lưới vây rút chì, nghề này cần có 12-15 lao động/tàu. Mỗi khi mở chuyến biển mới, ông Lãnh phải đi từ Quy Nhơn ra đến thị xã Hoài Nhơn kiếm người đi bạn. Kiếm có rồi, ông phải đưa trước cho mỗi người 3-4 triệu đồng để “giữ chân” vì sợ họ đi cho tàu khác. “Thời gian gần đây, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải neo tàu dài ngày vì không kiếm ra lao động đi biển”, ông Lãnh bộc bạch.
Những chuyến biển trong năm đã khó kiếm lao động đi biển, những chuyến ra khơi vào đầu năm mới âm lịch, các chủ tàu còn khốn khổ hơn trong việc kiếm bạn thuyền. Ngư dân Giã Chiến Huy, chủ tàu cá BĐ 91416 TS ở phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn), cho hay: “Thời điểm sau Tết Nguyên đán tàu nào ra khơi cũng khốn đốn việc tìm lao động đi biển, các chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mà tìm không ra, cuối cùng phải “tuyển” cả những người chưa từng làm nghề biển để có đủ thuyền viên cho chuyến biển đầu năm”.
Những tàu hành nghề lưới vây rút chì hiện đang rất khốn đốn chuyện kiếm người đi bạn, vì nghề này phải cần đến 12-15 lao động. Có những chuyến biển kiếm không ra người, chủ tàu đành phải ra khơi với 10-11 lao động. Thế nhưng những chuyến biển thiếu bạn thuyền có hiệu quả đánh bắt rất kém vì chuỗi hoạt động không được vận hành đồng bộ, thuyền viên lao động vất vả hơn.

Với lao động đi biển xuất thân là nông dân chủ tàu không dám bố trí họ vào những việc đòi hỏi chuyên môn. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay: Khi lao động nghề biển thiếu trầm trọng, nhiều tàu cá phải “tuyển” luôn cả lao động nông nhàn đi biển.
Theo ông Bình, lao động nghề biển chuyên nghiệp hầu hết là con em của những gia đình có tàu cá, hoặc là cư dân các làng chài. Đối với lao động nghề biển chuyên nghiệp, dù lạ hay quen thì chủ tàu cũng không phải lo, vì những người này ít nhiều đã quen với nghề, nếu làm trái nghề đã từng làm trước đây thì họ cũng nhanh chóng quen việc với nghề mới. Còn những nông dân tham gia nghề biển thì khi nhận người, chủ tàu sẽ bố trí họ làm những việc đơn giản, không quan trọng, ví như chuyên nấu cơm phục vụ cho những lao động khác.
"Với lao động đi biển là nông dân chủ tàu không dám bố trí họ vào những việc đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật như quay tời hoặc kéo lưới, vì họ sẽ vận hành lúng túng, ảnh hưởng đến hoạt động chung”, ông Bình cho hay.
"Trước tình trạng thiếu lao động đi biển trầm trọng, bây giờ mà tàu nào trong 2 chuyến biển đánh bắt không có cá, đồng nghĩa thuyền viên không có thu nhập là lao động bỏ đi sang tàu khác hết ngay”, ngư dân Phan Thanh Trưởng, chủ tàu cá BĐ 91052-TS hành nghề lưới vây rút chì ở phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn) chia sẻ.
Hệ lụy của lao động nghề biển không chuyên
Khi nghề biển trong thời hoàng kim, đánh bắt đạt sản lượng thì nhiều lao động nông nhàn, người làm phụ hồ, bốc vác... thấy nghề đi biển có thu nhập cao hơn các nghề trên bờ, nên “bỏ bờ, xuống biển” đi bạn thuyền cho các tàu cá. Bây giờ, nghề biển không còn cho thu nhập cao như trước đây, lại phải đối mặt với nhiều rủi ro nên họ lập tức bỏ biển, về bờ kiếm việc làm từ những nghề cũ. Còn những ngư dân đi biển chuyên nghiệp, gia đình không có ruộng, không có nghề nào khác thì vẫn bám nghề biển, tàu này đi không hiệu quả thì sang tàu khác đi. Do đó, chủ tàu sẽ gặp khó khăn nếu không biết cách thu hút, giữ chân lao động đi biển.
Theo ông Nguyễn Công Bình địa phương là tỉnh có lực lượng tàu đánh cá đánh bắt xa bờ lớn. Bởi, những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ nên ngư dân Bình Định có điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn để tham gia đánh bắt xa bờ.

Với nghề lưới vây rút chì, mọi thao tác của các lao động trên tàu phải đồng bộ từ việc chạy ru lô quay tời, đến kéo lưới, trút cá ra boong tàu rồi cho cá vào sọt. Ảnh: V.Đ.T.
Tàu cá đánh bắt xa bờ ngày càng tăng trưởng thì nhu cầu về lao động nghề biển cũng tăng theo. Trong khi đó, lực lượng lao động nghề biển chuyên nghiệp có hạn, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định, dẫn đến tình trạng tàu cá thiếu trầm trọng lao động đi biển.
Ngư dân Võ Thế Dư (49 tuổi), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS (825CV) ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), chia sẻ, khi tàu cá của anh Dư gặp sự cố phải nằm bờ dài ngày, 12 thuyền viên gắn bó với tàu của Dư nhiều năm nay đồng loạt đi bạn cho các tàu khác, đến khi tàu của Dư khắc phục được sự cố, anh phải tìm bạn thuyền mới.
"Tàu của tôi hành nghề lưới vây phải cần đến 12-15 lao động, mà bây giờ “kiếm mờ mắt” mới có 1 lao động, vất vả muôn phần. Trước khi tàu ra khơi, tôi phải ứng trước cho mỗi lao động 7 triệu đồng chứ không phải 4-5 triệu như trước đây, chi phí để họ vận chuyển từ nhà đến cảng cá nơi tàu xuất bến mất 1 triệu đồng/người nữa, vị chi tôi tốn hết cho mỗi người 8 triệu đồng mà vẫn tìm không ra người đi bạn”, ngư dân Võ Thế Dư cho hay.
Khi khắp nơi xảy ra nạn thiếu trầm trọng lao động đi biển, nhiều tàu cá “quơ quào” những lao động không chuyên để đủ người cho những chuyến biển dẫn tới hiệu quả đánh bắt bị sụt giảm. Những người làm nông chỉ quen cày quen cuốc, khi tham gia lao động trên tàu cá không tránh khỏi bỡ ngỡ, hiệu suất làm việc không cao, dẫn tới sản lượng đánh bắt giảm sút. Bởi, công việc của nghề cá như dây chuyền trong sản xuất công nghiệp, một người thao tác “lớ ngớ” sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuỗi công việc trên tàu cá.

Lực lượng lao động nghề biển chuyên nghiệp có hạn, nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu của hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.
Ví như nghề lưới vây rút chì, mọi thao tác của các lao động trên tàu phải đồng bộ từ việc chạy ru lô quay tời, đến hàng chục lao động khác kéo lưới, trút cá ra boong tàu rồi cho cá vào sọt, ướp đá, đưa vào hầm bảo quản… chỉ cần “mắc míu” ở một khâu là cả chuỗi công việc sẽ bị ảnh hưởng ngay.
“Hầu hết lao động nghề cá vốn là nông dân rất thường bị say sóng, khi có người say sóng tàu cá ấy chẳng những đã mất một lao động. Đó là nói về nghề lưới vây rút chì, chứ với nghề câu cá ngừ đại dương đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn cao thì lao động không chuyên càng không thể đáp ứng”, lão ngư Bùi Thanh Ninh ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ.