| Hotline: 0983.970.780

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Thứ Sáu 02/05/2025 , 06:00 (GMT+7)

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.

Tôi nói “kỳ tích” bởi khu rừng ngập mặn Cần Giờ này, cách đây hơn nửa thế kỷ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã “hứng” tới hơn 1 triệu Gallons (tương đương 4 triệu lít) chất độc hóa học giặc trút xuống. Khiến hàng chục ngàn hécta rừng nguyên sinh với rất nhiều loài động thực vật phong phú, bị hủy diệt hoàn toàn, biến nơi đây thành “vùng đất chết” đúng nghĩa. Từ những cánh rừng xanh ngút ngàn, nay chỉ còn trơ lại những thân cây chết khô, lởm chởm như bãi chông. Khi thủy triều lên, lại trở thành một cánh đồng mênh mông nước.

Sông Lòng Tàu và rừng Cần Giờ hôm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Sông Lòng Tàu và rừng Cần Giờ hôm nay. Ảnh: Phúc Lập.

Ấy vậy mà hôm nay, “vùng đất chết” năm xưa đã không còn bất cứ dấu vết nào. Thay vào đó là những vạt rừng đước, bần, từ 30 đến hơn 40 tuổi với bộ rễ mốc meo, cũ kỹ trầm mặc, soi bóng xuống mặt sông trong vắt, phẳng lặng như gương. Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, như một một bức tranh “lâm - thủy” hữu tình, làm say lòng người.

“Tuyệt tác” thiên nhiên này là minh chứng hùng hồn cho ý chí và sức mạnh tập thể, là niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác. Tôi nói thế, bởi để có được khu dự trữ sinh quyển này, hàng ngàn người đã dành cả tuổi thanh xuân, bất kể nắng mưa, ăn ngủ ngay trên mặt đất bùn sình để cắm từng trái bần, trái đước xuống cánh đồng hoang ngập mặn mênh mông. Ròng rã hơn 1 thập kỷ như thế để đưa vùng đất bán ngập ven biển này từ màu “trắng” chuyển sang màu xanh của sự sống.

Những đôi chân vạn dặm

Trước khi có mặt trên chiếc ca nô lướt trên sông Lòng Tàu vào rừng phòng hộ Cần Giờ, tôi đã gặp ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, một trong những “cánh chim đầu đàn” trong công tác trồng rừng ở Cần Giờ cách đây gần nửa thế kỷ.

"Trong lịch sử, Việt Nam từng làm được những việc khiến thế giới phải sửng sốt, thán phục. Rừng Cần Giờ là một ví dụ như thế. Tôi nhớ khoảng hơn 20 năm trước, có một nhà sinh thái học nổi tiếng của Mỹ đến Cần Giờ, đã tròn mắt ngạc nhiên khi thấy màu xanh bạt ngàn của rừng ở đây. Bởi trước đó, ông ấy là một trong những nhà khoa học từng đến Cần Giờ khảo sát và khẳng định chắc nịch rằng, rừng ở đây bị hủy diệt do chất khai quang, phải mất khoảng 100 năm mới có thể phục hồi được như cũ. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đến 20 năm, chúng ta đã làm được”, ông Nguyễn Đình Cương mở đầu câu chuyện.

Hàng ngàn người đã mất hơn 1 thập kỷ trồng rừng năm xưa. Ảnh: Tư liệu BQL Rừng phòng hộ Cần Giờ.

Hàng ngàn người đã mất hơn 1 thập kỷ trồng rừng năm xưa. Ảnh: Tư liệu BQL Rừng phòng hộ Cần Giờ.

Năm 1982, với vai trò là Phó Giám đốc Lâm trường Duyên Hải (nay là Cần Giờ), ông Cương được giao nhiệm vụ phụ trách chiến dịch trồng rừng Cần Giờ. Nhân sự là hàng ngàn người của 22 nông trường (khi ấy, mỗi quận, huyện của TP.HCM có một nông trường) và người dân 7 xã của Cần Giờ. Kế hoạch đặt ra là mỗi năm phải trồng khoảng 4 ngàn ha rừng, đồng nghĩa với việc phải có khoảng 1.500 tấn trái đước, bần giống.

“Để có trái giống, chúng tôi phải dong ghe về các nông trường ở tận Cà Mau (khi đó là tỉnh Minh Hải) để mua. Vì chỉ dưới đó mới có loại cây này nhiều. Lúc đó, thuyền máy cũ, công suất thấp nên mỗi chuyến đi từ dưới Minh Hải về đến Cần Giờ mất nửa tháng. Mà đặc điểm của loại cây rừng ngập mặn này là cây con mọc từ trái trên cây rụng xuống trong điều kiện tự nhiên. Nếu để trái quá khô hoặc nhiệt độ quá cao, sẽ bị hư. Vì thế, khi về đến nơi, trái đước bị hư khoảng 30-40% vì những bao nằm trên thì khô, còn dưới đáy ghe thì gần như chín luôn vì nhiệt độ. Sau vài chuyến, tôi rút kinh nghiệm, không chở quá nhiều, ghe nhẹ chạy nhanh hơn, rút ngắn thời gian, lại giảm trái hư”.

Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đang kể lại những tháng năm đi trồng rừng Cần Giờ. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đang kể lại những tháng năm đi trồng rừng Cần Giờ. Ảnh: Phúc Lập.

Ngừng một lát, ông Cương cười, nói tiếp: “Hơn chục năm trồng rừng, 5 nông trường ở tỉnh Minh Hải hồi đó và 34 ngàn ha rừng ở Cần Giờ, gần như chỗ nào cũng có dấu chân tôi. Và rất nhiều người như tôi. Có thể nói, những đôi chân vạn dặm cũng không ngoa.

Hồi đó, đi trồng rừng cực khổ lắm, mỗi chuyến đi từ 10 ngày đến nửa tháng, có khi đến 20 ngày, vì phải trồng xong diện tích được giao. Hết trái giống mới được về. Cần Giờ là vùng bán ngập, thủy triều lên là nhấn chìm tất cả. Nên mỗi khi đến điểm trồng rừng mới, việc đầu tiên là đắp đất cao lên, ước chừng cao hơn nước triều dâng, rồi trải bạt nhựa, dựng chòi thành 2 dãy cho nam, nữ sinh hoạt riêng. Nhưng đất rất mềm, nằm lâu là lõm xuống. Cũng có lúc gặp sự cố, đó là do không tính được con nước triều lên cao hay thấp nên đêm ngủ say quá, nước dâng lên ngập người mới tỉnh ngủ.

Công việc vất vả là vậy, ăn uống thiếu thốn, kham khổ, nhưng vẫn rất vui, ai cũng ý chí cao ngút. Đội này thi đua với đội kia xem, mỗi đội lại chia thành các tổ, thi đua với nhau. Cuối mỗi đợt trồng sẽ có bình xét, tổ nào, đội nào làm nhanh, có sáng kiến, sẽ có phần thưởng. Đám thanh niên ban ngày thì vừa làm việc hăng say không biết mệt, vừa pha trò, hát hò, đối đáp rôm rả, sau giờ làm việc lại tổ chức văn nghệ… Sau mỗi chuyến đi rừng như thế, lại có vài đôi nên duyên vợ chồng”, nói đến đây, tôi thấy trong ánh mắt ông ánh lên một niềm vui.

Để có những gốc đước 'cổ kính' thế này, mất đến hơn 40 năm. Ảnh: HT.

Để có những gốc đước "cổ kính" thế này, mất đến hơn 40 năm. Ảnh: HT.

“Có khi nào gặp nguy hiểm không?”, tôi hỏi. Ông đáp: “Có chứ. Ví dụ như lần tôi đưa đoàn cán bộ của thành phố xuống nghiệm thu rừng. 3 giờ sáng xuất phát bằng ghe từ bến Bạch Đằng, TP.HCM, đi vào mùa gió chướng, nên xuống đến Cần Giờ là 3 giờ chiều. Khi còn đang lênh đênh trên biển, cách Cần Giờ hơn 1 hải lý thì sóng gió nổi lên. Nước tràn vào thuyền. Chúng tôi vừa hì hục tát nước ra, vừa phải đổ hết mấy can dầu xuống biển, lấy can rỗng làm phao cứu hộ nếu thuyền chìm. Vất vả chống chọi khá lâu mới vào được nơi an toàn. Không thấy ai sợ sệt, mà lại tiếc mấy can dầu”.

Đến năm 1990, với cương vị Giám đốc Lâm trường Duyên Hải, ông Cương tiếp tục đóng góp vào công cuộc bảo vệ rừng bằng phương án giao rừng cho các hộ dân. Những năm tháng cùng người dân đi trồng rừng, chia ngọt sẻ bùi, vất vả có nhau, đã giúp ông gắn bó với dân như ruột thịt. Đề xuất của ông nhanh chóng được 10 hộ dân xung phong tham gia.

“Tôi nghĩ, trồng rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn. Lực lượng mỏng, nếu không dựa vào dân thì không thể nào làm nổi”, ông Cương nói. Và đúng như lời ông nói, những hộ dân này đã góp một phần rất quan trọng vào việc bảo vệ, chăm sóc rừng an toàn.

Nụ cười ngư dân trên dòng sông Lòng Tàu, bình yên và đẹp như cổ tích. Ảnh: Phúc Lập.

Nụ cười ngư dân trên dòng sông Lòng Tàu, bình yên và đẹp như cổ tích. Ảnh: Phúc Lập.

Nên duyên từ những ngày trồng rừng - Thế hệ thứ 2

Trong khi tôi còn đang đắm chìm với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, thì bất ngờ chiếc ca nô giảm tốc rồi từ từ tấp vào một căn nhà bên góc rừng, sát bờ sông. Kiểm lâm viên của trạm Kiểm lâm Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, tên Thái Bảo, ngồi bên cạnh tôi, nói to trong tiếng gió ù ù: “Đây là nhà của Trần Minh Tùng, con trai bà Đinh Thị Hồng, người tham gia trồng rừng từ những năm 1980. Bà Hồng là 1 trong 10 hộ dân đầu tiên nhận khoán giữ rừng năm 1990”.

Chiếc ca nô từ từ tấp vào bờ, ông Tùng đã đứng đợi sẵn trên bờ, nắm tay tôi kéo bước lên triền sông dốc cao, trơn nhẫy.

Ông Trần Minh Tùng, một trong những người có thâm niên trồng và giữ rừng Cần Giờ lâu nhất, gần 50 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Trần Minh Tùng, một trong những người có thâm niên trồng và giữ rừng Cần Giờ lâu nhất, gần 50 năm. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Tùng sinh năm 1970, bắt đầu theo mẹ đi trồng rừng năm 12 tuổi. Đến khi bà Hồng nhận khoán bảo vệ rừng năm 1990, ông cũng học xong phổ thông, theo mẹ vào rừng ở hẳn. “Mẹ tôi năm nay đã 76 tuổi, bà nghỉ hưu từ năm 2011, vợ chồng tôi thay mẹ giữ rừng”, ông Tùng nói.

Chính những ngày đi trồng rừng, cả ngày lấm lem bùn đất, ông Tùng đã gặp được “nửa kia” của mình, đó là cô gái nhỏ hơn ông 2 tuổi, tên Nguyễn Thị Lắng. Cuộc tình của họ, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, vất vả, nhưng vẫn rất lãng mạn.

“Hồi đó tôi biết chơi ghi ta, nên cứ sau giờ làm, mọi người trong tổ hơn 50 người lại ngồi nghe tôi đàn. Còn vợ tôi lại có giọng ca vọng cổ khá mùi, 2 đứa thường bị mọi người “ép” lên đàn hát. Ban đầu còn ngượng ngùng, nhưng sau vài đợt trồng rừng, chúng tôi cảm mến nhau lúc nào không hay. Mẹ tôi biết chuyện, dặn dò 2 đứa kỹ lắm, bảo chưa đủ tuổi, rồi hứa khi nào trồng rừng xong mẹ sẽ lo đám cưới cho. Vậy nhưng mãi đến năm 1994, chúng tôi mới tổ chức được đám cưới. Nhà trai được Ban quản lý cho mượn chiếc ghe lớn đi từ rừng vào xã rước dâu, vui lắm”, ông Tùng bồi hồi kể. Còn bà Lắng ngồi bên cạnh, vừa nghe vừa tủm tỉm, lâu lâu lại ngước nhìn chồng bằng ánh mắt biết cười.

Ngoài chăm sóc, bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán còn có nhiệm vụ gom rác thải. Trong ảnh là ông Tùng và túi rác khổng lồ. Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài chăm sóc, bảo vệ rừng, các hộ nhận khoán còn có nhiệm vụ gom rác thải. Trong ảnh là ông Tùng và túi rác khổng lồ. Ảnh: Phúc Lập.

“Hồi mới ra đây, vợ chồng tôi còn ở căn nhà lá phía dưới, gần bờ sông, không có điện, dùng đèn dầu, nhiều lần thủy triều lên sóng sánh dưới chân, sáng ngủ dậy nước rút, mang luôn cả đôi dép đi. Nhưng có khi đi tuần rừng lại tìm thấy, vì dép nhựa không chìm, sóng đánh dạt vào bờ, mắc dưới rễ cây. Năm 2012, Nhà nước xây cho mỗi hộ nhận khoán 1 căn nhà nhỏ nhưng khang trang trên nền đất cao, nên không còn lo lâu lâu ngủ dưới nước nữa”, bà Lắng cười.

Sau đám cưới, bà Lắng theo chồng vào rừng, 3 đứa con lần lượt chào đời dưới tán rừng. Nay, người con lớn và cô con gái thứ 2 đã có gia đình riêng, chỉ còn cậu con trai út Trần Duy Linh ở cùng cha mẹ và đang làm quen với công việc chăm sóc, tuần tra rừng. Vài năm nữa, Linh sẽ là thế hệ thứ 3 giữ rừng Cần Giờ. “Cháu út từ nhỏ đã mắc hội chứng chậm phát triển trí tuệ, học chậm. Nên hết cấp một, tôi đưa con ra rừng ở với ba mẹ. Ở đây thấy cháu khỏe hơn, có lẽ cháu giống tôi, hợp với cuộc sống ở rừng”, ông Tùng nói.

Cặp cợ chồng hạnh phúc và lãng mạn nhất rừng Cần Giờ Trần Minh Tùng - Nguyễn Thị Lắng. Ảnh: Phúc Lập.

Cặp cợ chồng hạnh phúc và lãng mạn nhất rừng Cần Giờ Trần Minh Tùng - Nguyễn Thị Lắng. Ảnh: Phúc Lập.

Cô gái Mường và chuyện tình như duyên tiền kiếp - Thế hệ thứ 3

Ở rừng Cần Giờ, cặp vợ chồng sinh năm 1992 là cô gái dân tộc Mường Phạm Thị Oanh và chồng là Lê Hoàng Anh khá đặc biệt. Họ đến với nhau như do số phận sắp đặt, khiến ai nghe cũng tròn mắt ngạc nhiên.

Oanh kể, năm 2011, cô từ Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân. Thời ấy, ngoài chiếc điện thoại đen trắng, cô chỉ có thêm chiếc radio để nghe tin tức, ca nhạc giải trí sau giờ làm. Còn Hoàng Anh, vì sống trong rừng, không có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu các cô gái, nên tìm vận may bằng cách đăng ký “kết bạn bốn phương” trên đài phát thanh TP.HCM.

Lê Hoàng Anh, hậu duệ đời thứ 3 giữ rừng Cần Giờ và cô vợ xinh đẹp người dân tộc Mường Phạm Thị Oanh. Ảnh: Phúc Lập.

Lê Hoàng Anh, hậu duệ đời thứ 3 giữ rừng Cần Giờ và cô vợ xinh đẹp người dân tộc Mường Phạm Thị Oanh. Ảnh: Phúc Lập.

“Một lần em mở đài lên đúng lúc đang đọc số điện thoại và thông tin của Hoàng Anh. Đến bây giờ em cũng không hiểu sao lúc đó mình lại nhớ số điện thoại ổng ngay lần đầu nghe, em ghi lại rồi đánh liều gọi, nhưng không gọi được, nên nhắn tin, mãi không thấy trả lời, nghĩ chắc ông này đăng ký cho vui. 2 ngày sau, bất ngờ anh ấy gọi lại, nói ở rừng, sóng điện thoại lúc có lúc không. Những ngày sau đó, tụi em chủ yếu liên lạc bằng tin nhắn. Hồi đó còn có dịch vụ đăng ký 3 ngàn đồng 10 tin nhắn. Mấy tháng trời liên lạc, tốn mấy chục ngàn đăng ký tin nhắn thì anh ấy lên Bình Dương gặp em. Sau 3 lần gặp, em đồng ý về ra mắt nhà chồng. Còn nhớ lúc qua phà Bình Khánh, em cứ tưởng đi ra biển”, Oanh nói rồi che miệng cười.

Oanh nhớ lại, lần đầu tiên về gặp cha mẹ Hoàng Anh, cả 2 ông bà nhìn cô bằng ánh mắt ái ngại, khuyên cô suy nghĩ kỹ trước khi quyết định, khiến cô không khỏi băn khoăn. Rồi đến lúc tận mắt thấy nơi ăn ở, công việc của Hoàng Anh giữa rừng heo hút, cô lại thêm dao động. Nhưng khi nghe anh nói câu: “Đã thương anh rồi thì thương cho trót, anh sẽ cố gắng không làm em thất vọng”, thì cô không còn “lăn tăn” nữa, chấp nhận gửi gắm cuộc đời vào chốn rừng xanh cùng người đàn ông cô yêu.

Vợ chồng Oanh trong khoảnh rừng được giao khoán. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng Oanh trong khoảnh rừng được giao khoán. Ảnh: Phúc Lập.

Sau 9 tháng làm công nhân, cô gái Mường xinh đẹp với nước da trắng ngần đã theo chồng về rừng trong sự tiếc nuối của nhiều nam thanh niên khác tại công ty. “Hồi mới vào, chưa có ngôi nhà xây này đâu. Khi sinh con gái đầu lòng năm 2012, tụi em còn ở nhà lá. Chưa có điện năng lượng, còn dùng đèn dầu. Bây giờ như vầy là khá hơn nhiều rồi. Có điện, có wifi để gọi video nói chuyện với ông bà nội ngoại, với các con, đỡ nhớ”, Oanh hồ hởi.

Anh Lê Văn Châu Út, Trưởng Phân khu 3, cho biết, ở rừng Cần Giờ, những trường hợp đời thứ 2 tiếp quản việc chăm sóc, giữ rừng cũng khá nhiều. Nhưng đời thứ 3 thì mới chỉ có Lê Hoàng Anh. Ông Lê Văn Hai, ông nội của Hoàng Anh là một trong 10 hộ đầu tiên vào giữ rừng Cần Giờ. Đến năm 2009, ông Hai mất, người con trai là Lê Văn Thơm, năm nay 60 tuổi, tiếp quản. Nhưng sau đó, do không đủ sức khỏe nên ông Thơm giao lại cho con trai Hoàng Anh.

Hiện nay, vợ chồng Oanh được giao quản lý 80ha rừng tại Tiểu khu 6, Phân khu 3. Thu nhập mỗi tháng của cả 2 từ công việc giữ rừng chỉ hơn 6 triệu đồng. “Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng 14 năm gắn bó, em đã quen với chốn bình yên này và đã yêu mọi thứ nơi đây. Bây giờ, chỉ cần đi vào xã 1 ngày thôi đã thấy sốt ruột, không biết rừng nhà mình có ổn không”, Oanh nói.

Mẹ con nhà khỉ và cá thể rái cá là 2 trong số hàng chục loài động vật hoang dã tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Phúc Lập.
Mẹ con nhà khỉ và cá thể rái cá là 2 trong số hàng chục loài động vật hoang dã tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Phúc Lập.

Mẹ con nhà khỉ và cá thể rái cá là 2 trong số hàng chục loài động vật hoang dã tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Phúc Lập.

Là người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, Oanh bắt nhịp với cuộc sống ở rừng khá nhanh. Cô kiếm thêm thu nhập bằng cách hái dừa nước, bắt ba khía, cua, ốc, trồng rau trong thùng xốp... để cải thiện bữa ăn. Riêng công việc tuần tra, giữ rừng, dù từng là “ngoại đạo”, nhưng nhờ chịu khó, lại có sức khỏe tốt, nên chỉ sau vài năm, cô đã làm rất giỏi, thay chồng đứng tên chủ hợp đồng giao khoán.

Tính đến nay, vợ chồng Oanh đã có 14 năm hạnh phúc trong căn nhà nhỏ giữa rừng. Con gái lớn 13 tuổi (đang học lớp 7), con trai 9 tuổi (học lớp 3), cả 2 đang ở với ông bà nội trong xã Tam Thôn Hiệp. Cuối tuần, Hoàng Anh lại “đánh” ghe về đón 2 con ra rừng chơi.

"Rừng Cần Giờ là hiện thân của sự đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, lực lượng trồng rừng có lúc huy động lên tới 5- 6 ngàn người, trong đó phải kể đến người dân 7 xã của Cần Giờ cùng hàng ngàn thanh niên xung phong thành phố, các nhà khoa học, nhà quản lý… Bất chấp nắng mưa, bì bõm lội sình cắm từng trái bần, trái đước xuống. Rồi sau đó là quá trình chăm sóc, trồng lại những chỗ cây bị chết và bảo vệ cho đến nay, rừng Cần Giờ trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, thực sự là một kỳ tích”, ông Nguyễn Đình Cương nói.

Xem thêm
Mở đợt cao điểm đấu tranh chống thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả

QUẢNG NINH UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.