Chiều 23/5, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam năm 2025 (Dự án TVA) phối hợp với Sở Du lịch TP Huế, UBND xã Quảng Lợi tổ chức Lễ ra mắt “Điểm du lịch giảm nhựa Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc”.

Ra mắt Điểm du lịch giảm nhựa Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc. Ảnh: Văn Dinh.
Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc nằm ven vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Từ xưa đến nay, cư dân ở đây đã phát triển những nghề truyền thống như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, đan lát và phát triển ẩm thực đặc trưng vùng đầm phá. Hiện nơi đây là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng đặc trưng nhất của xứ Huế. Việc lựa chọn Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc triển khai mô hình giảm nhựa không chỉ góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và sinh kế địa phương, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc thất thoát rác thải nhựa ra môi trường, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Du lịch, Dự án TVA và chính quyền địa phương, 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Quảng Lợi đã cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh.
Các cơ sở tiên phong bao gồm: Hợp tác xã Du lịch Dịch vụ Cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi, Nhà hàng Cồn Tộc, Nhà hàng Minh Cúc, Nhà hàng Thế giới Hải sản Tam Giang, Nhà hàng Lý Hương, Nhà hàng Tam Giang Hội Quán, Nhà hàng Hương Bình và Nhà hàng Quỳnh Như.

Việc ra mắt mô hình du lịch cộng đồng giảm nhựa tại Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc góp phần hạn chế thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên, bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái. Ảnh: Văn Dinh.
Các cơ sở trên cam kết tăng cường sử dụng các vật dụng thân thiện thay thế nhựa một lần ở các nhà hàng, tour tuyến du lịch: như sử dụng bình đựng nước bằng thủy tinh thay thế chai nhựa, bố trí cho du khách mượn bình đựng nước cá nhân để tái nạp đầy nước và thu hồi lại sau mỗi chuyến tham quan. Ngoài ra, hạn chế túi nilon, sử dụng bao gói và vật dụng thân thiện môi trường như túi vải, túi xách cá nhân. Đặc biệt, việc sử dụng mẹt tre truyền thống để phục vụ món ăn - vừa giảm thiểu rác thải, vừa tăng tính trải nghiệm bản địa cho du khách.
Dự án TVA còn hình thành hệ thống “Ngôi nhà xanh” được bố trí tại Công viên Cồn Tộc và khu vực đầm phá để thu gom rác tái chế, nâng cao ý thức phân loại và bảo vệ môi trường của người dân và du khách. Song song đó, các cơ sở được hỗ trợ trang thiết bị ban đầu như bình nước thủy tinh, máy lọc nước uống, bảng nhận diện cơ sở giảm nhựa, thùng rác phân loại… nhằm đồng bộ hóa mô hình và đảm bảo tính thực tiễn trong quá trình vận hành.
Sở Du lịch TP Huế và UBND xã Quảng Lợi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở kinh doanh để duy trì và mở rộng mô hình, hướng tới xây dựng Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc trở thành điểm đến kiểu mẫu về du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, văn hóa đặc sắc và phát triển bền vững.

Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc nằm ven vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng đặc trưng nhất của xứ Huế. Ảnh: Văn Dinh.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án TVA cho rằng, Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc là vùng đất giàu bản sắc và giá trị sinh thái của đầm phá Tam Giang. Việc ra mắt mô hình du lịch cộng đồng giảm nhựa tại đây góp phần hạn chế thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên, bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái. WWF-Việt Nam kỳ vọng mô hình sẽ tiếp tục được hoàn thiện, nhân rộng tại Quảng Lợi, góp phần xây dựng cộng đồng du lịch xanh, có trách nhiệm.
Cũng trong dịp này, Trường Cao đẳng Du lịch Huế đã phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức các chương trình tour trải nghiệm tại Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc với trọng tâm giảm thiểu rác thải nhựa.
Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam do WWF-Na Uy tài trợ, thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và được tiếp nhận bởi UBND TP Huế.