
Bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long là hoạt động thường xuyên, nhằm bảo tồn các giá trị Di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Cường Vũ.
Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long đã tăng cao trở lại. Việc tuyên truyền cho du khách không sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi đi thăm vịnh đã được thực hiện qua hệ thống loa phát thanh tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Qua tuyên truyền, vận động, hầu hết khách đều vui vẻ, tự nguyện để lại trên bờ các loại chai nhựa, túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần… nhằm chung tay bảo vệ môi trường di sản.
Chị Hoàng Mai Anh (du khách đến từ Lạng Sơn), chia sẻ: "Tôi rất đồng tình với chủ trương không sử dụng đồ nhựa dùng một lần khi thăm vịnh Hạ Long. Rác thải được thu gom, phân loại gọn gàng. Mỗi lần đến thăm vịnh tôi lại thấy nơi đây sạch đẹp hơn".
Ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở du khách, từ năm 2019 đến nay, tất cả tàu du lịch, nhà hàng nổi và các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên vịnh Hạ Long đều phải cam kết không sử dụng, cung cấp hoặc cho phép khách mang theo sản phẩm nhựa dùng một lần. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động. Qua đó đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh.

Các tàu du lịch đã chuyển sang sử dụng nước lọc trong các chai thuỷ tinh thay vì chai nhựa trong chương trình "Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa". Ảnh: Thùy Dung.
Ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH du thuyền BHAYA, cho biết: Hơn 5 năm qua, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra chủ trương giảm thải tối đa các vật dụng bằng nhựa, túi nilon; thành lập Ban bảo vệ môi trường của đơn vị. Chủ trương này đã được đơn vị truyền thông rộng rãi, đưa vào tiêu chí hành động cụ thể đến tất cả cán bộ, nhân viên. Chúng tôi đã chuyển sang sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như cốc thủy tinh, cốc giấy, chai thủy tinh đựng nước, túi giấy, ống hút giấy... Nhờ đó, rác thải nhựa đã giảm 50% so với trước kia. Thành công lớn nhất là du khách đánh giá, ghi nhận rất cao ý thức bảo vệ môi trường của công ty.
Theo ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, với quyết tâm làm sạch môi trường vịnh, Ban Quản lý vịnh thường xuyên bố trí lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý lượng rác thải, duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường, kịp thời báo cáo để xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Công tác thu gom rác, phao xốp trôi nổi luôn được duy trì đều đặn hằng ngày nhằm đảm bảo môi trường vịnh Hạ Long luôn xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, Ban quản lý vịnh cũng tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước (UNESCO, IUCN, JICA, đại học Osaka, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam…) triển khai thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác thu hút đầu tư, khoa học kỹ thuật trong bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long như: Trồng rừng ngập mặn, trao đổi thông tin trong quan trắc, phân tích chất lượng môi trường, tổ chức đợt tham quan học tập nâng cao năng lực bảo vệ môi trường; Lắp đặt thiết bị xử lý nước thải theo công nghệ Jokaso tại các điểm tham quan trên vịnh.
Phát triển du lịch bền vững từ việc giảm thiểu rác thải nhựa
Mỗi cá nhân một hành động đẹp, sẽ tạo nên một cộng đồng đẹp. Đó cũng là mục đích mà huyện Cô Tô đang hướng tới khi thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo. Để làm được điều này, Cô Tô đã triển khai Đề án 175 "Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa", nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo, góp phần phát triển du lịch một cách bền vững.

Hội nông dân thị trấn Cô Tô phối hợp với UBND thị trấn lắp đặt mô hình phân loại rác tại điểm công cộng. Ảnh: Ngọc Hân.
Huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh đến doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, khu, điểm du lịch, khách du lịch và cộng đồng. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị vận động các cơ sở lưu trú thực hiện thay thế toàn bộ chai nhựa đựng nước uống bằng chai thủy tinh dùng nhiều lần để đặt trong các phòng nghỉ.
Đặc biệt, một số cơ sở lưu trú đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên "tour nhặt rác", được nhiều du khách và người dân hưởng ứng, nhất là du khách nước ngoài. Người dân, du khách vừa thu gom rác ở các đảo và bờ biển, vừa được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo, vì thế "tour nhặt rác" đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách và nhận được sự hưởng ứng tích cực của những người làm du lịch trên huyện đảo Cô Tô.
Không chỉ ngành Du lịch, đến nay đa số các hộ dân đều chấp hành thực hiện Đề án "Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa" và phân loại rác thải tại hộ gia đình. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, tiểu thương đã dần thay thế, sử dụng túi nilon sinh học trong các hoạt động kinh doanh. Trong đó, 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình "Nói không với rác thải nhựa" được phát động rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức, như: Hội Phụ nữ với "Biến rác thành tiền", "Hố ủ phân hữu cơ"; Hội Cựu chiến binh với CLB "Bảo vệ môi trường", tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp; phong trào tổng vệ sinh thứ 5 hằng tuần…

Giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện Cô Tô thực hiện phong trào "Tiếng trống sạch trường" dọn rác trên bãi biển. Ảnh: Ngọc Hân.
Ngành giáo dục huyện đã đưa việc thực hiện Đề án 175 là một tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua cuối năm của các trường học; phát triển rộng rãi phong trào "Tiếng trống sạch trường", "Tuyến đường em chăm", "Kế hoạch nhỏ". Bên cạnh việc ký cam kết trường học không rác thải nhựa; nêu gương của cán bộ đảng viên trong thực hiện Đề án 175, các trường học trên địa bàn còn thường xuyên duy trì các buổi lao động vệ sinh tại các bãi biển, khu dân cư, nghĩa trang liệt sĩ,… trung bình mỗi tuần có từ 30-35 buổi lao động tập thể của giáo viên và học sinh.
Nối tiếp huyện đảo Cô Tô, cuối tháng 4/2024, UBND huyện Vân Đồn cũng đưa ra một quyết sách mạnh mẽ, yêu cầu du khách tới 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi và Bản Sen không được mang theo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Loại bỏ phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Song song với việc giảm nhựa tại các khu du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo môi trường nước từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Quảng Ninh đã xóa bỏ phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản. Nuôi trồng thủy sản bằng phao nhựa HDPE được đánh giá là một hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh. Ảnh: Cường Vũ.
Quảng Ninh có trên 42.000 ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó diện tích nuôi biển 10.200 ha. Đặc biệt, bờ biển của tỉnh dài 250 km, diện tích mặt biển hơn 6.000 km², trên 43.000 ha rừng ngập mặn và bãi triều có thể nuôi nhiều giống thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao... Đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được.
Tuy nhiên, thời gian trước đây, người nuôi thủy sản có thói quen sử dụng phao xốp để làm lồng bè. Mặc dù phao xốp là vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, có độ nổi mặt nước tốt nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ 2-3 năm. Đồng thời, do nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão, người nuôi bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Từ đầu năm 2020, tỉnh Quảng Ninh thực hiện chủ trương thay thế phao xốp trắng bằng phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển, hướng tới phát triển thủy sản bền vững. Hơn 2 triệu phao xốp trắng bị loại bỏ được tập kết tại khu vực cảng cá Cái Rồng.

Phao xốp được loại bỏ, tạm thời tập kết tại cảng Cái Rồng. Ảnh: Cường Vũ.
Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, sóng to, gió lớn, tuổi thọ 30-50 năm. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản bằng phao nhựa HDPE được đánh giá là một hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh.
Như vậy, chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo nuôi trồng thủy sản bền vững. Chủ trương này cũng được đông đảo người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đồng thuận ủng hộ. Anh Vũ Văn Tình (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: "Gia đình tôi có 20 dây nuôi hàu, sau khi được tuyên truyền cũng như thấy tác hại của phao xốp, tôi đã chuyển đổi toàn bộ sang phao nhựa hợp quy chuẩn. Thời gian tới khi được xã phê duyệt mở rộng diện tích nuôi, tôi cũng cam kết sẽ tiếp tục dùng phao nhựa để bảo vệ môi trường và phát triển nghề nuôi biển bền vững".

Nuôi trồng thủy sản tại Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh) cho biết: Hiện ngành thủy sản đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các vùng, vị trí nuôi đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức giao cho người dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sử dụng vật liệu nổi hợp quy, đảm bảo môi trường nuôi an toàn.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng tăng cường mở các đợt cao điểm kiểm tra các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổi trong nuôi biển. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán, vận chuyển, cung ứng các sản phẩm phao nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm tra rà soát, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển không đúng quy định và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trong nuôi trồng thủy sản và sử dụng vật liệu nổi gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, ở một số vùng cửa biển huyện Cô Tô, Hạ Long, Hải Hà xuất hiện đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm... Đây chính là minh chứng cụ thể cho thấy hệ sinh thái, cảnh quan, môi trường biển của Quảng Ninh đang ngày càng tốt lên. Với sự nỗ lực của tỉnh, cơ quan, đơn vị và nhất là người dân, môi trường biển của Quảng Ninh sẽ được giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.