Quảng Ninh - nơi hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm
Quảng Ninh là địa phương hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai cực đoan. Những cơn bão quét qua, triều cường dâng cao hay mưa lũ dồn dập không chỉ là chuyện "đến hẹn lại lên" mà ngày càng khốc liệt, dữ dội và khó lường hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Nhưng cũng chính nơi đây, hệ thống phòng chống thiên tai đang từng bước được hình thành, kiên cường như những bức tường thành bảo vệ cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác phòng chống bão tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.
Khoảng 30 năm trở lại đây, hệ thống đê điều của Quảng Ninh đã có sự "thay da đổi thịt" rõ rệt. Nếu như trước năm 2000, những tuyến đê chỉ cầm cự được với gió cấp 7 kết hợp triều cường, thì nay, nhờ các chương trình, dự án từ Trung ương và sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, toàn hệ thống đê đã chống chịu được bão cấp 9-10, mức đảm bảo cao so với nhiều địa phương ven biển trong cả nước.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, cho biết, hiện toàn tỉnh có hệ thống đê điều trải dài gần 400km, với các tuyến đê từ cấp III đến cấp V. Hệ thống đê hiện nay đang bảo vệ hơn 43.600 ha đất đai và sinh mạng của khoảng 250.000 người dân Quảng Ninh.
Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình giáp biển, Quảng Ninh không được phép chủ quan. Cơn bão số 3 ngày 7/9/2024 là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất. Trước thực tế ấy, tỉnh đã chủ động lập Đề án nâng cao an toàn hệ thống đê điều thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đề án đặt mục tiêu nâng cấp toàn diện hệ thống đê để đủ sức chống chịu với các hình thái thời tiết cực đoan như bão số 3 vừa qua. Song hành với đê điều, hệ thống hồ chứa nước cũng giữ vai trò sống còn. Với 176 hồ chứa lớn nhỏ, tổng dung tích thiết kế lên tới 360 triệu mét khối, những công trình thủy lợi này không chỉ cấp nước tưới tiêu cho hơn 33.000 ha nông nghiệp, mà còn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Các hồ chứa nước dung tích lớn đang được Quảng Ninh quan tâm đầu tư, nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Thành.
Phân cấp quản lý phòng chống thiên tai
Trước xu hướng sử dụng nước ngày càng nghiêng về công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt, với nhu cầu dự kiến tăng từ 450 triệu/năm hiện tại lên 650 triệu mét khối vào năm 2030, việc đảm bảo an ninh nguồn nước đã được tỉnh xem là nhiệm vụ trọng yếu.
Các hồ lớn do doanh nghiệp nhà nước quản lý, còn các hồ nhỏ thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp địa phương. Mô hình quản lý phân cấp này giúp nâng cao tính chủ động, sát sao với thực tế từng địa phương.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ninh, ngay sau mùa mưa bão năm 2024, Sở đã chủ động triển khai sớm các giải pháp kỹ thuật. Việc kiểm tra, đánh giá, duy tu được đẩy nhanh, theo đó, 8 công trình đê điều cấp IV được đưa vào kế hoạch tu bổ với mục tiêu hoàn thành trong tháng 6/2025, sẵn sàng cho mùa mưa bão tới.
Không chỉ khắc phục hậu quả, tỉnh còn chủ động xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai cho từng vùng trọng điểm như vùng đê Hà Nam (TX Quảng Yên), đồng thời, củng cố phương án vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Có thể nói, trong thế trận phòng chống thiên tai của Quảng Ninh, con người và công nghệ là hai mũi nhọn không thể tách rời. Cùng với việc đầu tư hệ thống đo mưa tự động, bản đồ cảnh báo sạt lở, các lớp tập huấn, diễn tập cứu nạn, tuyên truyền cộng đồng… cũng được đẩy mạnh.
Tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ phòng chống thiên tai” đang dần lan tỏa, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả đô thị lớn, khu công nghiệp cũng đang được phủ sóng thông tin kịp thời, hiệu quả.