Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện tái chế bao bì, sản phẩm bắt đầu từ 01/01/2024.
Ngày 06/01/2025, Chính phủ đã ban hành nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong đó có nhiều quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) mà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu cần lưu ý. Điều này đã tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp, khiến họ lúng túng trong việc tuân thủ đầy đủ các quy định mới.

Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi tạo ra thách thức mới cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện EPR. Ảnh: Pro Việt Nam.
Là liên minh các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu và tái chế, Pro Việt Nam tiên phong thúc đẩy thực hiện EPR tại Việt Nam. Tổ chức đã hỗ trợ các doanh nghiệp qua các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, tập huấn và xây dựng mô hình tái chế bền vững. Năm 2024, Pro Việt Nam đạt kết quả thu gom và tái chế hơn 64.500 tấn bao bì các loại, hoàn thành 100% khối lượng tái chế uỷ quyền từ các thành viên.
Trước khi quy định về tái chế bao bì và sản phẩm có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, Pro Việt Nam đã tích cực tham gia vào các diễn đàn chính sách, đóng góp ý kiến xây dựng để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai. Đồng thời, tổ chức đã kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý thông qua các buổi tọa đàm và hội thảo trong và ngoài nước, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc và tìm kiếm các giải pháp thực hiện EPR hiệu quả.
Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi nghĩa vụ EPR bằng cách cung cấp thông tin, tư vấn và xây dựng hệ sinh thái thu gom - tái chế bao bì, Pro Việt Nam còn kết nối các bên liên quan như nhà sản xuất, nhà tái chế và lực lượng thu gom rác dân lập.

Pro Việt Nam tích cực triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Ảnh: Pro Việt Nam.
Bên cạnh đó, Pro Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, bao gồm hợp tác với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn; phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) thực hiện các nghiên cứu và đánh giá về hệ thống thu gom và tái chế chất thải rắn tại Việt Nam, đồng thời xuất bản các tài liệu liên quan.
Mặt khác, Pro Việt Nam cũng tích cực triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về 3R (Reduce - Reuse - Recycle) nhằm khuyến khích phân loại rác tại nguồn và tiêu dùng bền vững.
Bày tỏ mong muốn góp phần cho việc thực thi EPR hiệu quả, bà Nguyễn Thị Phương Hà, Phó Chủ tịch Pro Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc thực thi EPR thông qua các hoạt động đóng góp xây dựng chính sách; tư vấn, chia sẻ, kết nối; và xây dựng hệ sinh thái thu gom - tái chế bền vững và có thể nhân rộng.