Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển - PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 121,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 213,9 tỷ đồng, giảm 7%.
Về kết quả kinh doanh của từng mảng, tín dụng vẫn đóng vai trò trọng yếu khi mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần hơn 437 tỷ đồng riêng trong quý II/2024, tăng trưởng 28,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, mảng này ghi nhận khoản lãi gần 815 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng lại không mấy khởi sắc khi chỉ mang về cho ngân hàng tổng cộng 18,8 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm mạnh tới 48,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi thuần 6,4 tỷ đồng, giảm 59,6% trong kinh doanh ngoại hối lỗ 11,6 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt mức 456,2 tỷ đồng, tăng 20,8% so với quý II/2023. Chi phí hoạt động tăng 12,4% lên 201 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGBank trong quý II/2024 ở mức 255 tỷ đồng, tăng 28,4%.
Trong kỳ, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank tăng mạnh tới 2,1 lần cùng kỳ, lên 103,5 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ thu nhập lãi thuần tăng tốt nên lợi nhuận trước thuế không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Đến 30/6/2024, tổng tài sản của PGBank đạt mức 59.715 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 3,9%. Tín dụng của PGBank chủ yếu rót vào nhóm khách hàng doanh nghiệp (công ty TNHH khác và CTCP khác) khi dư nợ vào nhóm này lên tới 21.354 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng gần 8,9% so với đầu năm và chiếm 58,2% tổng dư nợ của ngân hàng. Dư nợ cho hộ kinh doanh, cá nhân chỉ nhích nhẹ 2% so với đầu năm, đạt 14.849 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, đến cuối tháng 6/2024, tổng số nợ xấu nội bảng của PGBank là 958 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với đầu năm. Nhờ cho vay tăng trưởng trong khi số dư nợ xấu giảm, tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng đã giảm xuống còn 2,61%, so với mức 2,85% vào đầu năm.
Năm 2024, PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng 57,7% so với kết quả năm 2023. Như vậy, với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành 48,3% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tổng tài sản dự kiến đến 31/12/2024 đạt 63.503 tỷ đồng tăng, tăng 8.012 tỷ đồng, tương đương 14% so với cuối năm 2023. Tổng huy động đạt 56.530 tỷ đồng tăng 13,5%, trong đó huy động vốn thị trường đạt 41.230 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%.
Dư nợ tín dụng đạt 40.476 tỷ đồng tăng trưởng 12,88% (Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của PGBank được NHNN giao).
Cũng trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là 800 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ dự kiến lên 5.000 tỷ đồng.
PGBank có tiền thân là Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank). Sau khi cổ đông lớn chiếm tới 40% vốn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái hết vốn, tháng 11/2023, Hội đồng quản trị của PG Bank quyết định thay đổi tên thương mại từ "Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng Dầu Petrolimex" thành "Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển".
Tên viết bằng tiếng nước ngoài thay đổi từ Petrolimex Group Commercial Joint Stock Bank thành Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank. Tên viết tắt thay đổi từ PG Bank thành PGBank.
Sau khi Petrolimex thoái vốn, PGBank hiện có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát và Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức.
Đây chính là ba doanh nghiệp đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Petrolimex. Đáng chú ý cả 3 pháp nhân này đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công (TC Group).
Cụ thể, CTCP Quốc tế Cường Phát do ông Nguyễn Văn Mạnh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Mạnh từng là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch TC Group sáng lập và sở hữu vốn.
Trong khi đó, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức do ông Vũ Văn Nhuân làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn.
Việt Hưng là một thành viên của Tập đoàn Thành Công, được thành lập bởi CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ. Ông Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.