| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cao su vào EU: Cuộc đua minh bạch chuỗi cung từ hộ tiểu điền

Chủ Nhật 13/07/2025 , 06:23 (GMT+7)

Việt Nam đối mặt sức ép từ quy định EUDR, buộc ngành phải minh bạch chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhóm tiểu điền vốn còn thiếu dữ liệu và pháp lý.

Tiểu điền - mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng cao su

Từ ngày 1/1/2026, toàn bộ sản phẩm cao su và cà phê xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR), yêu cầu truy xuất nguồn gốc và chứng minh chuỗi cung ứng không liên quan đến phá rừng. Với nguồn nguyên liệu chủ yếu từ các nông hộ nhỏ lẻ, ngành cao su Việt Nam đang đối mặt sức ép lớn trong việc minh bạch hóa dữ liệu sản xuất.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dù Việt Nam được xếp vào nhóm “rủi ro thấp”, mọi lô hàng vẫn phải chứng minh tính hợp pháp thông qua dữ liệu địa lý và hồ sơ pháp lý đầy đủ. EU không có ngoại lệ trong thực thi EUDR đối với bất kỳ quốc gia nào.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo 'Chuỗi cung cao su tiểu điền: Thực trạng và khả năng đáp ứng Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu'. Ảnh: Forest Trends.

Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo 'Chuỗi cung cao su tiểu điền: Thực trạng và khả năng đáp ứng Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu'. Ảnh: Forest Trends.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thích ứng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như GIZ, IDH và Forest Trends xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng trên nền tảng số. Mỗi lô nguyên liệu có thể được truy xuất thông qua mã QR gắn với thửa đất cụ thể. Một số địa phương trọng điểm đã thí điểm tập huấn nông dân sử dụng ứng dụng ghi nhật ký sản xuất, kể cả trong điều kiện không có kết nối Internet.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Cao su tiểu điền - chiếm 54% diện tích và khoảng 63% sản lượng - đang là mắt xích yếu nhất. Hầu hết các hộ trông cao su ở Việt Nam chưa có sổ ghi chép sản xuất, giấy tờ đất không đầy đủ, trong khi việc thu mua diễn ra qua các kênh phi chính thức. Nguyên liệu từ các hộ thường bị trộn lẫn, không có hợp đồng, hóa đơn hay hệ thống định danh.

Các đại lý trung gian thường không đăng ký kinh doanh, không lưu trữ dữ liệu, khiến nguyên liệu bị "mất dấu" ngay từ khâu đầu tiên.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng cơ chế tài chính để duy trì hệ thống dữ liệu vùng trồng và thúc đẩy hợp tác với EU. Các địa phương được yêu cầu cập nhật dữ liệu thường xuyên, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và hộ dân hoàn thiện hồ sơ trước thời điểm quy định có hiệu lực.

Việt Nam đứng thứ tư toàn cầu về xuất khẩu cao su tự nhiên, đạt hơn 2 triệu tấn vào năm 2024, giá trị tương đương 3,4 tỷ USD. Các sản phẩm cao su công nghiệp xuất khẩu như lốp xe, linh kiện cũng mang về 5,1 tỷ USD cho nước ta. Trên thế giới, hị trường EU chiếm hơn 627 triệu USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng có tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về phát triển bền vững.

Theo đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), phần lớn nguyên liệu trong nước đến từ nhóm hộ tiểu điền, quy mô nhỏ, chưa có bản đồ số, thiếu giấy tờ đất và chưa được tích hợp vào hệ thống dữ liệu tập trung. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia, Lào, những khu vực chưa đủ cơ sở pháp lý để xác minh nguồn gốc rõ ràng.

Hộ sản xuất tiểu điền hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành cao su nước ta. Ảnh: Nguyễn Phương.

Hộ sản xuất tiểu điền hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu ngành cao su nước ta. Ảnh: Nguyễn Phương.

Doanh nghiệp chuyển hướng số hóa để giữ thị phần EU

EUDR không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là phép thử về năng lực quản trị chuỗi cung ứng và mức độ gắn kết giữa các tác nhân trong ngành.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nắm rõ quy định mới, thiếu thông tin hướng dẫn và không được hỗ trợ cụ thể. Mối liên kết giữa nông dân - đại lý thu mua - nhà máy còn lỏng lẻo, trong khi chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thực sự chủ động vào cuộc.

Dù vậy, một số tín hiệu tích cực đang xuất hiện. Một số doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước đã áp dụng hệ thống truy xuất nội bộ, cấp chứng chỉ bền vững, thiết lập bản đồ vùng trồng. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang liên kết với hộ dân để định vị thửa đất, số hóa giao dịch và quản lý hồ sơ bằng phần mềm.

VRA đang phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn, tổ chức hội thảo tập huấn và thiết lập hệ thống chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế. Hiệp hội cho rằng điều quan trọng là sớm hình thành một nền tảng truy xuất quốc gia thân thiện với người dùng, đạt chuẩn EUDR và có thể hỗ trợ doanh nghiệp tạo báo cáo DDS (hệ thống thẩm định rủi ro). Cùng với đó là chính sách hỗ trợ pháp lý về đất đai, phần mềm giao dịch và khuyến khích các mô hình tiên phong.

VRA cũng kiến nghị Chính phủ xem xét một giai đoạn chuyển tiếp 2-3 năm dành riêng cho nhóm tiểu điền để có thời gian thích nghi và tận dụng các gói hỗ trợ kỹ thuật từ EU. Các doanh nghiệp được khuyến nghị từ bỏ tâm thế chờ đợi quy định mà chủ động hành động nếu muốn giữ được thị phần tại châu Âu.

Theo chuyên gia Nguyễn Vinh Quang - Tổ chức Forest Trends, phần lớn giao dịch trong chuỗi cao su tiểu điền hiện nay chưa đủ điều kiện đáp ứng EUDR. Dù chiếm tới 88% diện tích thu hoạch và hơn 60% sản lượng, nhóm hộ nhỏ này vẫn vận hành chủ yếu qua các kênh không chính thức, không lưu trữ dữ liệu. Khảo sát của tổ chức này cho thấy, đa số trong hơn 260.000 hộ trồng cao su không ghi chép giao dịch hay lưu hồ sơ sản xuất.

Ở cấp xã, mỗi nơi có khoảng 10-20 điểm thu gom nhưng phần lớn không đăng ký kinh doanh, không số hóa dữ liệu. Các đại lý vừa thu mua trực tiếp từ hộ dân, vừa gom lại từ các đại lý khác, khiến chuỗi cung ứng mất kiểm soát. Ngay cả các nhà máy sơ chế cũng thường chỉ nhận danh sách hộ từ đại lý mà không có phương pháp xác minh.

Forest Trends đề xuất 3 nhóm giải pháp trọng tâm: hỗ trợ pháp lý về quyền sử dụng đất, ứng dụng công nghệ ghi nhận sản xuất - giao dịch, và thúc đẩy liên kết trực tiếp giữa hộ nông dân với nhà máy. Đặc biệt, cần chuyển đổi số hệ thống thu mua của đại lý và hình thành cơ chế xã hội hóa để "chính thức hóa" toàn bộ chuỗi, nhất là với nhóm hộ nhỏ, dễ bị tổn thương.

Việc thích ứng với EUDR vừa để duy trì thị trường xuất khẩu, vừa là cơ hội để ngành cao su Việt Nam, đặc biệt là nhóm tiểu điền, nâng cấp toàn diện và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

VRA kiến nghị Chính phủ xem xét một giai đoạn chuyển tiếp để nhóm tiểu điền có thời gian thích nghi, tận dụng các gói hỗ trợ kỹ thuật từ EU. Ảnh: BT.

VRA kiến nghị Chính phủ xem xét một giai đoạn chuyển tiếp để nhóm tiểu điền có thời gian thích nghi, tận dụng các gói hỗ trợ kỹ thuật từ EU. Ảnh: BT.

Một số mô hình tiên phong đã cho thấy tiềm năng chuyển đổi. Các doanh nghiệp như Mai Vĩnh, Việt Sing, Thuận Lợi đã liên kết với nông dân và đại lý để tổ chức lại chuỗi cung, áp dụng truy xuất nguồn gốc và quản lý theo tiêu chuẩn EUDR. Các lô hàng từ mô hình này đã được xuất khẩu sang EU với giá cao hơn từ 150-300 USD/tấn so với sản phẩm thông thường, nhờ đáp ứng yêu cầu về minh bạch và trách nhiệm môi trường.

Theo TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Forest Trends, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng chuỗi cung ứng tiểu điền bền vững. Việc đồng hành cùng nông dân trong khâu hợp thức hóa đất đai, ghi nhật ký điện tử, kiểm soát đầu vào - đầu ra, không những giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường, mà còn tạo vùng nguyên liệu ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hỗ trợ nhóm tiểu điền đáp ứng yêu cầu minh bạch chuỗi cung, theo ông, nên trở thành hợp phần cơ bản trong chiến lược kinh doanh dài hạn.

Năm 2024, cả nước có gần 910.000 ha cao su, trong đó nhóm tiểu điền chiếm hơn một nửa. Hiện chuỗi cung ứng cao su tiểu điền vẫn hoạt động chủ yếu theo hướng tự phát, không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, gây nhiều khó khăn trong việc chứng minh tính hợp pháp và không gây mất rừng, 2 yêu cầu cốt lõi của EUDR.

Xem thêm
Bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là ‘bệ đỡ’ an sinh cho người lao động lúc mất việc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

[Bài 4]: Gỡ điểm nghẽn thể chế, tiếp sức cho doanh nghiệp

Để tư nhân đầu tư vào nông nghiệp cơ quan quản lý cần gỡ đúng nút thắt về những vấn đề hể chế, đất đai, tín dụng...

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại bậc lũy tiến thuế thu nhập cá nhân

Biểu thuế lũy tiến, giảm trừ gia cảnh và cách tính thu nhập chịu thuế sẽ được Bộ Tài chính sửa đổi toàn diện, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bình luận mới nhất