Theo ANRPC, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2025 sẽ tăng 0,5% so với năm 2024, đạt 14,892 triệu tấn. Trong đó, sản lượng của Thái Lan tăng 1,2%, Indonesia giảm 9,8%, Trung Quốc tăng 6%, Ấn Độ tăng 5,6%, Việt Nam giảm 1,3%, Malaysia giảm 4,2%, Campuchia tăng 5,6%, Myanmar tăng 5,3%...
Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,3%, lên 15,565 triệu tấn trong năm 2025. Trong đó, Trung Quốc tăng 2,5%, Ấn Độ tăng 3,4%, Thái Lan tăng 6,1%, Indonesia giảm 7%, Malaysia tăng 2,6%, Việt Nam tăng 1,5%, Srilanka tăng 6,7%, Campuchia tăng 110,3% và các nước khác giảm 3,5%.

Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,3%, lên 15,565 triệu tấn trong năm 2025. Ảnh: Hồng Thắm.
Với dự báo trên, thị trường thế giới dự kiến sẽ thâm hụt 673.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2025 với những lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nguyên nhân đến từ sự bất ổn trong chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và khả năng thương mại suy giảm do giá nhập khẩu sản phẩm cao su tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cao su tại Nhật Bản và Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian qua, với mức giảm lên đến 17,5% và 20% trong 6 tháng đầu năm, còn giá tại Thái Lan cũng giảm 9,1% dù xuất khẩu khởi sắc.
Theo ước tính, tháng 6/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 130.000 tấn, trị giá 220 triệu USD, tăng 33,5% về lượng và tăng 25,7% về giá trị so với tháng 5/2025, nhưng giảm 15,6% về lượng và giảm 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cao su Việt Nam ước tính đạt 680.000 tấn, trị giá 1,27 tỷ USD, giảm 6,5% về lượng, nhưng vẫn tăng 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024, do giá xuất khẩu tăng 22,4%, đạt mức bình quân 1.865 USD/tấn.