| Hotline: 0983.970.780

Nước mặn, ‘mỏ vàng’ của miền Tây Nam bộ

Thứ Ba 13/05/2025 , 21:03 (GMT+7)

Nước mặn để nuôi trồng thủy sản đã trở thành ‘mỏ vàng’, giúp nông dân làm giàu. Nước ngọt được cân nhắc sử dụng hiệu quả hơn, không khai thác bằng mọi giá.

"Mỏ vàng" vùng ven biển

Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã xác định: nước mặn không chỉ là thách thức mà còn là nguồn tài nguyên.

Trên tinh thần đó, ĐBSCL được định hướng chuyển đổi sang phát triển các ngành kinh tế dựa vào nước lợ, nước mặn như: nuôi trồng, khai thác thủy sản, thay vì tập trung ngọt hóa phục vụ trồng lúa như trước đây.

Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng, là động lực và đòn bẩy quan trọng cho vùng ĐBSCL có cơ hội kiểm soát nguồn nước mặn-ngọt-lợ. Từ đó, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng hơn. 

Tận dụng nguồn nước mặn, nhiều địa phương ven biển đang phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Tận dụng nguồn nước mặn, nhiều địa phương ven biển đang phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Theo TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL, chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, sau hơn 7 năm triển khai, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2024, Nghị quyết 120 được hiện thực hóa rõ nét qua các mô hình sản xuất thực tiễn. Quan điểm “nước mặn cũng là tài nguyên” không còn nằm trên giấy, mà trở thành động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

Thực tế, những năm gần đây, các tỉnh ven biển ĐBSCL đã khai thác nguồn nước mặn để nuôi tôm nước lợ, cua biển, khai thác thủy sản biển và sản xuất muối. Đây là minh chứng nước mặn đang trở thành "mỏ vàng" của vùng.

Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu dẫn đầu cả nước về sản lượng tôm, với trên 284 nghìn tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD, riêng tôm chiếm 1,13 tỷ USD.

Theo sau là tỉnh Sóc Trăng với sản lượng tôm nuôi đạt trên 200 nghìn tấn và dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 223 nghìn tấn. Dù kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ của Sóc Trăng chưa cán mốc “tỷ đô”, nhưng với 910 triệu USD, góp 22,75% vào kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước, là thành tích đáng kể. Đặc biệt tỉnh có đến 4 doanh nghiệp được vinh danh xuất khẩu thủy sản xuất sắc năm 2024, nhiều nhất cả nước.

Các mô hình luân canh tôm - lúa được mở rộng trên 200.000 ha ở ĐBSCL, cho lợi nhuận bình quân 60-70 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần trồng 2-3 vụ lúa. Ảnh: Kim Anh.

Các mô hình luân canh tôm - lúa được mở rộng trên 200.000 ha ở ĐBSCL, cho lợi nhuận bình quân 60-70 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần trồng 2-3 vụ lúa. Ảnh: Kim Anh.

Tại các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh, nghề làm muối truyền thống cũng được duy trì và phát triển, đạt sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm, mang lại sinh kế ổn định cho hàng nghìn diêm dân trong mùa khô hạn.

“Các mô hình sản xuất dựa vào nước mặn ở ĐBSCL đều đem lại thu nhập đáng kể, thậm chí vượt trội so với nhiều ngành truyền thống dùng nước ngọt. Quan điểm nước mặn là tài nguyên đã chứng minh rõ qua việc coi con tôm, cua, cá biển là thế mạnh để làm giàu”, TS Dương Văn Ni nhận định.

Chuyển dịch "thuận thiên"

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp ĐBSCL đang có sự chuyển dịch theo quan điểm “thuận thiện” là giảm dần tỷ trọng lúa gạo, tăng tỷ trọng thủy sản và cây ăn trái.

Trước năm 2017, tức thời điểm khi Nghị quyết 120 chưa ra đời, ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào lúa và xem nước mặn là yếu tố cản trở sản xuất. Khoảng 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của ĐBSCL thì có tới 1,82 triệu ha trồng lúa; 860 nghìn ha nuôi trồng thủy sản và 385 nghìn ha cây ăn trái.

Đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên trên 900 nghìn ha, cây ăn trái tăng lên 450 nghìn ha, trong khi đất trồng lúa giảm còn khoảng 1,7 triệu ha.

Tận dụng nguồn nước mặn, phong trào nuôi cá nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng đang phát triển mạnh. Ảnh: Kim Anh.

Tận dụng nguồn nước mặn, phong trào nuôi cá nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng đang phát triển mạnh. Ảnh: Kim Anh.

Giai đoạn 2022-2023, xu hướng này càng rõ nét hơn khi thủy sản và trái cây liên tục lập kỷ lục xuất khẩu, trong khi lúa gạo tuy tăng về lượng xuất khẩu nhưng giá trị tăng không nhiều.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn nông nghiệp “vỡ òa” khi đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD. Trong đó, rau quả chạm mốc 7,12 tỷ USD, gạo là 5,75 tỷ USD và tôm đạt 3,86 tỷ USD.

Chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL cho biết thêm: “Thủy sản nước lợ (gồm tôm, cua, khai thác biển...) hiện đóng góp trên 30-40% giá trị nông nghiệp, ngang ngửa hoặc cao hơn lúa gạo. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đến năm 2030 cũng nêu rõ, tỷ trọng thủy sản, trái cây sẽ tiếp tục tăng, lúa gạo sẽ giảm. Điều này phù hợp với thực tiễn và điều kiện tự nhiên của vùng”.

Việc xác định nước mặn là tài nguyên, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giúp ĐBSCL thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu. Bằng cách chấp nhận mùa khô cho nước mặn vào vùng trũng nuôi thủy sản; mùa mưa xả nước ngọt trồng lúa hoặc hoa màu. Nhờ vậy, hệ sinh thái được cân bằng, thu nhập người dân cải thiện.

Nhìn lại giai đoạn 2021-2024, TS Dương Văn Ni đánh giá, nước mặn, nước lợ từng bị xem là bất lợi, nay thực sự trở thành tài nguyên quý để vùng đất Chín rồng phát triển thịnh vượng, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu. 

Chủ trương xem 'nước mặn cũng là tài nguyên' của Nghị quyết 120/NQ-CP đã thể hiện tính đúng đắn. Ảnh: Kim Anh.

Chủ trương xem “nước mặn cũng là tài nguyên” của Nghị quyết 120/NQ-CP đã thể hiện tính đúng đắn. Ảnh: Kim Anh.

Để khai thác hiệu quả tài nguyên này, việc phát triển thủy lợi theo hướng: kiểm soát lũ, cấp nước, tiêu nước, kiểm soát mặn, phòng chống xói lở bờ... đã được phối hợp chặt chẽ, giải quyết hiệu quả bài toán đa mục tiêu là thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp, dân cư, giao thông, cấp nước sinh hoạt, nhất là phục vụ nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ).

Thời gian tới, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục quản lý và khai thác hạ tầng thủy lợi tốt hơn để phục vụ sản xuất linh hoạt, đảm bảo quản lý tốt nước ngọt và nước mặn theo mùa; nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; chế biến nâng cao giá trị. Đồng thời giữ vững vùng ngọt ổn định cho cây lúa chất lượng cao và cây ăn trái đặc sản.

Chính nhờ khả năng thích ứng linh hoạt với các điều kiện tự nhiên đặc thù như nước mặn, nước lợ và nước nổi, ĐBSCL tiếp tục khẳng định vai trò là vựa nông sản chiến lược của quốc gia, ngày càng phát triển giàu có và bền vững.

Xem thêm
Chính thức kiểm tra 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi

NGHỆ AN Ngày 6/5, Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật của 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại tỉnh Nghệ An đã chính thức được bắt đầu.

Lan tỏa nhận thức, khơi dậy hành động vì biển xanh

Thông qua các hoạt động của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, sẽ tạo những giải pháp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của kinh tế biển Việt Nam.