| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Ngãi khẩn trương thu hoạch nông sản trước bão

Thứ Bảy 11/09/2021 , 18:09 (GMT+7)

Do ảnh ảnh hưởng bão số 5, tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn, người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh hối hả thu hoạch nông, thủy sản trước khi bão đổ bộ.

Lực lượng chức năng Quảng Ngãi hỗ trợ người dân thu hoạch lúa trước bão số 5. Ảnh: N.Đ.

Lực lượng chức năng Quảng Ngãi hỗ trợ người dân thu hoạch lúa trước bão số 5. Ảnh: N.Đ.

Ông Lý Quang Dũng (trú xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) cho biết, vụ này gia đình ông trồng 3.000m2 dưa hấu. Dù dưa còn vài ngày nữa mới đến ngày thương lái thu mua nhưng trước ảnh hưởng của bão số 5, gia đình ông đành phải thu sớm hơn dự kiến.

“Mấy ngày trước nắng đẹp dưa hấu xanh tốt nên rất hi vọng một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, mưa lớn những ngày qua, lo sợ dưa hư hỏng, thối rữa, tôi đành phải khẩn trương thu hoạch để hạn chế một phần thiệt hại”, ông Dũng buồn rầu nói.

Ngoài ra, các loại nông sản khác như lúa hè thu, sắn thì việc thu hoạch “chạy bão” cũng được nông dân hết sức khẩn trương nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Một số địa phương có diện tích lúa lớn của tỉnh Quảng Ngãi như Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành lúa mới chín được khoảng từ 80 – 90%. Tuy nhiên, nông dân đành thu hoạch sớm vị lo sợ lúa ngập nước sẽ nảy mầm. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh còn khoảng 5.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch.

Diện tích sắn ở những vùng trũng thấp đang được thu hoạch sớm tránh ngập úng, hư hại. Ảnh: N.Đ.

Diện tích sắn ở những vùng trũng thấp đang được thu hoạch sớm tránh ngập úng, hư hại. Ảnh: N.Đ.

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Minh Triển ngụ thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh khi nghe thông tin bão số 5 sẽ ảnh hưởng đến địa phương nên đã huy động nhân lực ra đồng thu hoạch sắn. “Vụ này, gia đình tôi trồng 0,9 ha sắn, đã thu hoạch được 0,6 ha. Hiện vẫn còn 0,3 ha ngoài đồng, nếu không nhổ kịp, mưa lớn sẽ ngập úng, thối củ, hư hỏng vì diện tích sắn này nằm trên đất trũng, ứ nước”, ông Triển nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong sáng và trưa ngày 11/9, nhiều hộ nuôi tôm, cá ở TP Quảng Ngãi gồm các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê cũng đang khẩn trương thu hoạch tôm, cá để bán. Gia đình ông Võ Văn Giáp (xã Tịnh Khê) có 6 hồ nuôi tôm, dù còn hơn nửa tháng mới đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình ông phải chấp nhận bán sớm.

Đến thời điểm này, ông Giáp đã bán hết được 3 hồ, còn lại 3 hồ nếu không thu hoạch kịp khi có mưa lớn kéo dài gây ngập hồ, tôm sẽ tràn ra ngoài. Theo ông Giáp, giá bán tôm thẻ chân trắng lúc này được thương lái thu mua ở mức 100 nghìn đồng/kg, thấp hơn 30 nghìn đồng so với năm ngoái.

Người dân dầm mình giữa trời mưa để thu hoạch tôm cá. Ảnh: N.Đ.

Người dân dầm mình giữa trời mưa để thu hoạch tôm cá. Ảnh: N.Đ.

Còn tại hồ nuôi cá rộng 1.700m2 của ông Nguyễn Thanh Trà (trú xã Tịnh Hòa) với trên 2.000 con cá đối cũng đang gấp rút thu hoạch dù chưa đến kỳ vì lo sợ gió bão đánh sạt lở bờ ao. Trong sáng nay, nhà ông đã bắt được 1,3 tạ cá và đang tiếp tục thu hoạch số cá còn lại. Ông Trà cho biết: “Năm nay, việc tiêu thụ tôm, cá gặp rất nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng người mua ít khiến giá bán sụt giảm mạnh, thông thường chủ hộ nuôi bán với giá 90-100 nghìn đồng/kg, giờ chỉ còn 70 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ chấp nhận thua lỗ”.

Qua thống kê sơ bộ, ở các xã Tịnh Khê Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa có hàng chục hộ nuôi tôm, cá với diện tích khá lớn, trong đó có nhiều diện tích ao nuôi chưa đến kỳ thu hoạch hoặc đang trong thời điểm thu hoạch. Do vậy, việc người dân chủ động thu hoạch sớm để ứng phó với mưa bão sẽ góp phần hạn chế thiệt hại.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.