| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Bình rũ bùn đứng dậy sau lũ lớn

Thứ Sáu 18/12/2020 , 21:18 (GMT+7)

Lũ lớn chưa rút hết, lãnh đạo Bộ NN-PTNT liên tục thăm hỏi, chỉ đạo, hỗ trợ người dân Quảng Bình nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung gượng dậy tái thiết sản xuất…

Trong chuyến công tác tại Quảng Bình vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: “Khẩn trương đưa giống gia cầm để tái thiết sản xuất. Chú trọng đến vụ rau màu. Phải đảm bảo đến Tết là bà con có thu nhập từ sản xuất”.

Tiếp sức cho nông dân 

Hai cơn lũ lớn tràn qua, hậu quả để lại cho người dân Quảng Bình quá nặng nề. Hàng ngàn ngôi nhà trong tỉnh bị lũ làm sập hoặc hư hỏng nặng, gần 5 ngàn tấn giống lúa bị hư hại, hầu hết gia súc, gia cầm bị chết, trôi. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng bị hư hại cần khắc phục ngay lên đến hàng trăm km. Quảng Bình thiệt hại trên 3.500 tỷ đồng, trong đó, riêng nông nghiệp gần 1.800 tỷ, chiếm tỷ trọng trên 50% tổng số thiệt hại.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thả tôm giống tại xã Bảo Ninh. Ảnh: N.Tâm

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thả tôm giống tại xã Bảo Ninh. Ảnh: N.Tâm

Lũ chồng lũ, bão chồng lũ đã làm đảo lộn toàn bộ đời sống của người dân và ảnh hưởng nặng nề trên lĩnh vực nông nghiệp. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết thêm: “Trận mưa lũ lịch sử khiến gần 7.000 ha hoa màu, cây trồng của bà con nông dân Quảng Bình bị hư hại. Ngoài ra, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, lòng bè và phương tiện khai thác thủy hải sản bị thiệt hại nặng nề...”.

Lũ chưa rút hết, Bộ NN-PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác về Quảng Bình để hỗ trợ, sẻ chia với bà con nông dân. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã giao Sở NN-PTNT Quảng Bình tiếp nhận 270.000 con giống gà, vịt. Số con giống này được đưa về và tổ chức nuôi một thời gian rồi phân bổ cho các địa phương. Sau đó, chia ra mỗi hộ 50 - 100 con.

Thứ trưởng đề nghị: “Giao cho cơ quan thú y, khuyến nông hỗ trợ các hộ dân trong việc hướng dẫn bà con tu bổ chuồng trại, phun khử trùng, đảm bảo chăn nuôi được mới chuyển giao con giống. Những vùng chưa thể khắc phục hậu quả để tái nuôi thì phân bổ lần sau. Có như thế mới phát huy hiệu quả chăn nuôi hộ gia đình và tạo niềm tin cho bà con. Với số con giống này, bà con sẽ có thu nhập, có gà vị dùng trong dịp tết”.

Cùng đi với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT còn có các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ bà con thức ăn chăn nuôi, hóa chất khử trùng, vacxin phòng bệnh cho vật nuôi…

Tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm hỏi, động viên người dân nuôi tôm bị thiệt hại do mưa lũ. Thứ trưởng cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp hỗ trợ con giống tôm, thức ăn, chế phẩm sinh học… trị giá hàng chục tỷ đồng cho người dân.

Theo ông Bùi Bá Sự, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt - Úc, để hỗ trợ người nuôi tôm ở miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ, Tập đoàn đã triển khai chương trình hỗ trợ đợt 1 gồm 50 triệu con giống với trị giá trên 6 tỷ đồng.

“Trong đợt này, Tập đoàn hỗ trợ cho 5 trang trại nuôi tôm bị thiệt hại nặng ở Quảng Bình với số lượng 7 triệu con giống, có trị giá khoảng 1 tỷ đồng” - ông Sự cho biết.

Bà Bùi Thị Huỳnh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Việt - Đức cũng đã trao hỗ trợ 12.500 gói chế phẩm men vi sinh trị giá 2 tỷ đồng cho các hộ nuôi trồng thủy sản 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại.  “Chúng tôi còn tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con các tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng” - bà Hoa nói.

Đưa giống gia cầm đến người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Đưa giống gia cầm đến người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: N.Tâm

Trong cơn mưa dội bùn nặng hạt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đội mưa thả những bao tôm giống đầu tiên xuống hồ nuôi để động viên bà con. “Với sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp về chế phẩm sinh học an toàn vệ sinh hồ, con giống và thức ăn đảm bảo, bà con có thể yên tâm sản xuất và nhanh chóng có hiệu quả cao. Thu nhập mang lại giúp bà con đứng lên sau lũ dữ”- Thứ trưởng nói.

Những cánh đồng rau xanh trên ngọn lũ

Chúng tôi về rốn lũ An Thủy (huyện Lệ Thủy) một ngày giữa tháng 12. Bà con nông dân ở đây đang khẩn trương làm đất, chuẩn bị giống lúa để triển khai vụ đông xuân. Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã cho hay, sau khi lũ rút, ngoài nhận hàng cứu trợ của mọi miền thì An Thủy cũng đã nhận được sự động viên kịp thời của Bộ NN-PTNT. Đó là hạt giống rau, giống lúa, con giống gà vịt đã kịp thời đưa về cho bà con sớm khắc phục hậu quả mưa lũ và tái thiết sản xuất.

Cũng theo ông Quyết, bà con trong xã đã nhận được gần 90 ngàn con giống gia cầm đảm bảo chất lượng để đưa về nuôi làm lưng vốn ban đầu.

Rau xanh sau lũ đã cho người dân thu nhập. Ảnh:  N.Tâm

Rau xanh sau lũ đã cho người dân thu nhập. Ảnh:  N.Tâm

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải trong lũ bị trôi mất hết gần 100 con gà vịt. Sau khi tu sửa lại chuồng trại, ông được nhận hai chục con gà nuôi gây đàn. Đàn gà được chăm nên cũng chóng lớn. Ông Hải bộc bạch: "Sau này tui được nhận thêm hai chục con gà và vịt thả thêm nữa. Lứa đầu có mấy con vượt đàn nên tui khoanh nuôi riêng để thúc nhanh cho kịp có gà ăn tết. Số còn lại ra giêng là có thịt ăn hoặc bán. Lúc đó, đàn vịt cũng sẽ cho trứng mỗi ngày. Như vậy là quá tốt rồi”.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Sở NN-PTNT Quảng Bình tiếp nhận từ Bộ NN-PTNT và phân bổ ban đầu cho nông dân 7 tấn giống lúa, ngô và 4,2 tấn hạt giống rau các loại. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết thêm: “Hiện, chúng tôi tiếp tục tiếp nhận và lên kế hoạch phân bổ về các địa phương 640 tấn lúa giống, 120 tấn ngô và 10 tấn rau từ nguồn hỗ trợ của Trung ương”.

Nhận được mấy bao hạt giống rau cải, bà Nguyễn Thị Hương (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) vội giục chồng ra đồng. Trên vạt đất lũ vừa rút, hai vợ chồng khẩn trương cuốc phơi đất cho ráo nước rồi bón lót phân chuồng, tra hạt giống.

Hơn tháng sau lũ, gặp lại bà Hương kể: "Sau khoảng 3 tuần, nửa sào rau nhà tui đã cho mớ rau sống đầu tiên. Tui nhổ, rửa sạch biếu cho mấy nhà chưa có rau xanh ăn. Phần còn lại nhổ cấy thêm diện tích. Khoảng tháng sau là rau tốt lắm, thu hoạch bán cũng được mấy chục ngàn. Bà con xung quanh chưa trồng được rau thì tui cũng vừa bán, vừa cho để ai cũng vui. Hạt giống nhà nước hỗ trợ thì mình cũng hỗ trợ lại cho bà con thôi”.

Những vườn rau trên vùng rốn lũ Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). Ảnh: N.Tâm

Những vườn rau trên vùng rốn lũ Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy). Ảnh: N.Tâm

Huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Ngoài khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tiến hành khử trùng, tiêu độc, củng cố chuồng trại để đưa con giống vào phục hồi sản xuất. Khởi động nhanh cây rau màu vụ thu đông để có rau xanh cho bữa ăn hàng ngày”.

Có được nguồn giống hỗ trợ kịp thời sau lũ, hàng ngàn hộ dân các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy…(huyện Lệ Thủy) chạy đua với thời tiết, tranh thủ những ngày hửng để làm đất, xuống phân. Hàng trăm ha rau đã lên xanh khi ngoài đồng xa lũ còn chưa rút hết.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Hồng Thủy) cho hay, khi đó, bà con muốn mua hạt giống rau về để gieo trồng nhằm có rau xanh ăn nhưng cũng không có nơi nào bán hạt giống. Đường sá đi lại đang còn khó khăn. May mà có được hạt giống rau của Trung ương, tỉnh đưa về cho bà con kịp thời.

“Nhà tôi trồng hơn sào rau xanh các loại. Sau lũ, đến đến nay là gần hai tháng đã thu hoạch được ba lứa rồi. Ngoài có rau ăn, nhà còn thu về được mấy triệu bạc cũng giải quyết được khó khăn trước mắt. Gần như bà con trong xã đều có thu nhập từ vườn rau mà được hỗ trợ hạt giống”- ông Quang hồ hởi nói.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 3] Nuôi gà Đông Tảo thuần chủng

Tây Ninh Gà Đông Tảo từng được xem là gà 'tiến vua', tại xã biên giới Tân Hà, anh Nguyễn Thế Thao đang trở thành tâm điểm chú ý khi nhân nuôi thành công giống gà này.

Hợp tác nhiều bên phòng chống hiệu quả bệnh dại

5 năm qua, sự hợp tác giữa địa phương, tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp, chủ nuôi, cộng đồng… đã tạo nên thành công trong phòng chống bệnh dại ở Đức Huệ, Long An.

Hàng nghìn ha cao su bị rụng lá, khô cành

QUẢNG BÌNH Gần tháng nay, hàng ngàn ha cao su đang vào kỳ khai thác tại Quảng Bình bị héo khô lá, gây thiệt hại nặng.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.