Khi tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được dịch ra tiếng Anh thì nó thực sự tạo ra một vụ nổ cho văn xuôi Việt Nam đương đại. Theo trí nhớ của tôi, tờ New York Times đã viết: “Chúng ta không còn lý do gì để không trao một giải thưởng lớn cho cuốn sách này”. Cho đến bây giờ, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới. Và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đạo diễn điện ảnh Mỹ - Nicolas Simon sẽ chính thức bấm máy bộ phim dựa theo tiểu thuyết này.
Bộ phim sẽ được quay ở Việt Nam, nơi diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt nhất thế kỷ 20, nơi cuốn sách đã ra đời, được trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam và tác giả của nó được coi là nhà tiểu thuyết hy vọng nhất của nền văn xuôi đương đại Việt Nam. Đó cũng là nơi mà một số nhà văn đã bỏ phiếu giải thưởng cho cuốn sách nhưng sau đó lại chối từ cuốn sách và phủ nhận chính lá phiếu của mình với những lý do chỉ làm cho bạn đọc thêm thất vọng. Và cũng là nơi mà một số đạo diễn điện ảnh Việt Nam vừa khao khát làm bộ phim từ tiểu thuyết này vừa lo ngại và lảnh tránh nó.
Nhưng cuối cùng, điện ảnh phải tìm đến những tác phẩm văn học như vậy. Các đạo diễn điện ảnh trên thế giới chưa bao giờ bỏ sót những tác phẩm văn học danh giá khi có cơ hội. Đạo diễn Nicolas Simon đã theo đuổi nhà văn Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh suốt mười năm để mở ra một thế giới nữa bằng ngôn ngữ điện ảnh về câu chuyện mà nhà văn Bảo Ninh đã kể.
Trước khi bộ phim được bấm máy, chúng tôi đã tiến hành hai cuộc trò chuyện với hai nhân vật liên quan đến bộ phim này: Một người làm công tác quản lý điện ảnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Nguyên Cục phó Cục Điện ảnh, hiện là Ủy viên BCH Hội Điện ảnh VN, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh VN (HODAFILM) và người kia là Bảo Ninh, cha đẻ của Nỗi buồn chiến tranh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Áp lực lớn cho người chuyển thể…
Thưa chị, Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết nổi tiếng của văn xuôi đương đại Việt Nam, nhưng lại chuẩn bị bấm máy bởi một nhà làm phim nước ngoài. Vì sao các nhà làm phim Việt Nam lại “nhường”, trong khi nền điện ảnh VN đang vô cùng khó khăn để kiếm một kịch bản hay?
- Cách đây hơn chục năm về trước, khi tiểu thuyết Thân phận tình yêu (tên gọi ban đầu của Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh được giải thưởng Hội Nhà văn VN, Giám đốc Hãng phim truyện VN khi ấy là NSND Hải Ninh đã riết róng muốn đưa tiểu thuyết này lên phim. Ông đã phân cho mấy nhà biên kịch của Hãng trong đó có tôi làm đề cương chuyển thể…
Sau rồi vì nhiều lý do công việc này không được tiếp tục…Bẵng đi một thời gian dài, kể từ ngày ấy đến nay Hãng đã thay đổi khá nhiều đời Giám đốc, mỗi đời GĐ lại có mối quan tâm riêng của mình… nên vẫn chưa ai động đến tác phẩm này. Thú thật, đây là quyển sách được giải cao của Hội nhà văn VN nên sẽ là một áp lực lớn cho người chuyển thể. Thứ hai, sách thì hay, đọc có thể thích nhưng đưa lên màn ảnh không phải dễ làm… vì thế không phải nhà biên kịch nào cũng dám “hăm hở nhào dzô”!! …
Khi nghe tin một đạo diễn nước ngoài chuyển Nỗi buồn chiến tranh thành phim thì nhiều người kêu lên mừng rỡ : “Nỗi buồn chiến tranh gặp may vì nếu để đạo diễn Việt Nam làm thì tiểu thuyết này coi như…chấm hết”. Chị nghĩ sao về điều này?
- Nói thế thì cũng hơi quá. Trong sáng tạo nghệ thuật không thể nói trước được điều gì. Ở đâu và ở nước nào cũng vậy thôi. Nó phụ thuộc nhiều vào tài năng của nghệ sĩ. Đương nhiên nước ngoài thì có ưu thế hơn ta về nhiều mặt (kỹ thuật và tính chuyên nghiệp) nhưng không phải đạo diễn nước ngoài nào cũng là James Cameron, Clint Eastwood, Steven Spielberg…
Được biết toàn bộ bộ phim này sẽ quay ở Việt Nam. Vậy kịch bản bộ phim có bị phía Việt nam duyệt trước không ?
- Đương nhiên là phía Việt Nam phải xem xét kịch bản. Kịch bản phải dịch ra tiếng Việt cẩn thận và trình lên các cấp quản lý có thẩm quyền đọc và thẩm định. Sau khi thấy nội dung tốt, Bộ VH-TT-DL mới cấp phép.
Nếu Nỗi buồn chiến tranh được hai nhà làm phim Việt Nam và nước ngoài làm thành hai tác phẩm điện ảnh thì trong hình dung của chị hai tác phẩm này sẽ khác nhau ở những điểm gì?
- Cũng khó nói được một cách cụ thể bởi chưa bao giờ có việc đạo diễn hai nước Việt Nam và Mỹ cùng một lúc làm ra hai bộ phim từ một tác phẩm văn học cả. Trừ tác phẩm vĩ đại “Chiến tranh và Hòa bình“ của Lev Tolstoi do hai nền điện ảnh lớn là Liên xô trước đây và Mỹ cùng sản xuất. Đạo diễn Mỹ làm có cái hay riêng của họ và đạo diễn Bônđatruc làm có cái hay riêng, sự sâu sắc riêng của ông. Cá nhân tôi, tôi thích phim của Bônđatruc hơn vì nó…Nga hơn!
Hội điện ảnh có nghĩ tới việc cho một số nhà làm phim và đạo diễn Việt Nam đi theo các nhà làm phim nước ngoài khi họ làm phim Nỗi buồn chiến tranh để học hỏi thực tế cách làm phim của họ không?
- Tôi nghĩ là có. Nhưng phải đề nghị với đối tác, nếu họ chấp nhận thì đây cũng là cơ hội tốt để tiếp cận và học hỏi. Nhưng cũng phải hỏi ngược lại là phía mình có ai muốn học như vậy không đã? Bởi hầu như đạo diễn nào cũng bận với công việc của mình, thời gian đâu để đến với đoàn phim nước ngoài với mỗi một mục đích là học tập? Nhớ ngày đạo diễn Phillip Noyce sang làm phim “Người Mỹ trầm lặng” ở Việt Nam, ông cũng dành cơ hội cho hai đạo diễn một ở phía Bắc, một ở phía Nam đi theo để xem ông dàn dựng, để tiếp cận với cách làm phim của Hollywood nhưng cuối cùng chỉ có mỗi đạo diễn phía Nam đi thôi, đạo diễn phía Bắc “bận” khiến Phillip Noyce cứ… buồn mãi!
Chị có thông tin gì về diễn viên của bộ phim này không? Họ chọn diễn viên Việt Nam hay diễn viên các nước Châu Á khác?
- Theo như tôi được biết thì họ sẽ chọn diễn viên Việt Nam, diễn viên chính cũng sẽ là diễn viên Việt Nam. “Thân phận tình yêu” là câu chuyện của người Việt Nam, được quay trên đất Việt Nam, do diễn viên Việt Nam đóng. Chỉ có kinh phí để làm phim và các thành phần chính như đạo diễn, quay phim, âm thanh…là của nước ngoài thôi.
Nhà văn Bảo Ninh: Đây là bộ phim thuần Việt
Từ lâu, người ta đã nói đến việc Nỗi buồn chiến tranh sẽ được đưa lên màn ảnh nhưng bây giờ chuyện đó mới trở thành hiện thực. Vì sao câu chuyện lại kéo dài như thế?
- Có lần nào đó lâu lắm rồi, tận thế kỷ trước kìa, đạo diễn Khánh Dư có điện thoại bảo tôi thế. Nhưng cũng lại lâu lâu sau đó gặp nhau không thấy anh ấy bảo sao nữa. Đại khái thì cũng biết là vì sao nên cũng chẳng hỏi cụ thể vì sao. Ngày ấy mọi sự khó khăn hơn bây giờ nhiều...
Một tác phẩm văn học khi chuyển thành phim đã thay đổi lớn, ông có được xem kịch bản phim này không? Đạo diễn phim này có bàn luận với ông về tư tưởng bộ phim không? Hay là ông bán đứt đứa con của mình cho họ làm gì thì làm?
- Nếu không có gì thay đổi thì đạo diễn của phim này khi khởi quay là Nicholas Simon còn biên kịch là Peter Himmelstein. Kịch bản đề là "dựa trên tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh" do vậy tôi có xem tất cả các lượt bản thảo đã được dịch ra Tiếng Việt. Tôi có tham gia vào việc sửa chữa, chủ yếu là rà lại lời thoại của những nhân vật Việt Nam sao cho hợp người, hợp cảnh, hợp thời. Vì dự định là thoại Việt phụ đề Anh nên phần việc của tôi cũng khá quan trọng. Nhưng chỉ là một sự góp phần vào thôi. Tôi là người viết văn chứ không phải người làm điện ảnh. Mà việc viết văn thì không chỉ là rất riêng mà còn vô định nữa, tuy không tới mức như làm thơ. Như là đạp góc phương vị mà đi xuyên rừng trong bóng đêm.
Có khi cuốn sách in ra, tác giả cầm đọc như một độc giả và tự thấy lạ lùng, thấy sao mà khác với khi định viết và khi đang viết. Nghe nhà phê bình, nghe độc giả bàn về nó lại càng thấy khác. Nhưng như thế mới là sự thú vị của nghề văn chứ. Nhà đạo diễn, nhà biên kịch cũng như mọi độc giả khác, họ thích và họ hiểu cuốn sách, nhưng theo một cách không giống tác giả. Vì vậy thì họ mới làm thành phim cuốn sách đó, còn cách nhìn y chang anh nhà văn thì làm phim làm gì? Đại khái chúng tôi nghĩ vậy đấy, quan niệm y hệt nhau thì đừng làm. Chúng tôi chỉ chung nhau một quan niệm như thế này: đây là một bộ phim thuần Việt, và sự thuần Việt của nó phải đạt đến độ mà không cứ là người Việt, không cứ là người đã đọc cuốn sách, không cứ là người đã tham chiến mới hiểu chuyện gì đang diễn ra trên màn ảnh. Được như thế thì mới hy vọng phim sẽ có cơ may thành công, không được thế thì miễn.
Có dư luận cho rằng: đã có đạo diễn Việt Nam đặt vấn đề làm phim Nỗi buồn chiến tranh nhưng ông không đồng ý, mà cuối cùng đồng ý cho một đạo diễn nước ngoài. Nếu đúng vậy, thì lý do gì kiến ông đi đến quyết định đó? Tiền bản quyền hay ông sợ tiểu thuyết của ông sẽ biến thành một bộ phim nhạt nhẽo và bị áp đặt tư tưởng bởi các nhà làm phim Việt Nam ?
- Đặt vấn đề thì đúng là đã có đạo diễn Khánh Dư. Nhưng chuyện qua lâu rồi. Về sau vài ông bạn đạo diễn cũng có bảo, có điều là bàn luận chơi chơi với nhau thế thôi. Các anh ấy cũng phải xem xem tình hình thế nào. Đạo diễn N.Simon nồng nhiệt và cả quyết muốn làm bộ phim dựa trên cuốn sách. Ông ấy dứt khoát thế đã từ hơn mười năm trước, chúng tôi làm quen và làm bạn với nhau từ đấy và chỉ bằng vào việc ấy.
Trong suốt mười năm qua trọng tâm công việc của ông ấy ở Mỹ và ở Việt Nam cũng là việc ấy, chuẩn bị mọi sự cần thiết để làm bộ phim, gồm cả việc thuyết phục tôi. Qua thời gian, tôi ngày một thêm quý trọng và tin cậy tư chất con người và năng lực nghề nghiệp của ông ấy để có thể đi đến đồng ý làm việc cùng nhau. Đã tin nhau, đã đồng ý với nhau rồi là dứt khoát. Một đạo diễn Mỹ làm một bộ phim có kịch bản dựa hoàn toàn trên một cuốn tiểu thuyết Việt Nam viết về đề tài chiến tranh Việt - Mỹ, điều ấy có trái khoáy không? Không. Thậm chí tôi còn thấy có một cái gì đấy không những hợp lý mà còn làm tôi cảm động nữa trong sự hội tụ văn hoá ấy.
Tiểu thuyết của ông có tên Nỗi buồn chiến tranh còn bộ phim làm từ tiểu thuyết này có tên là gì ?
- Theo tôi được biết thì bản sách mà P. Himmelstein sử dụng để chuyển thể là của Nhà xuất bản Phụ Nữ. Đấy là một cuốn sách khá đặc biệt. Nó có hai nửa in ngược chiều nhau. Một nửa là nguyên bản Tiếng Việt - Nỗi buồn chiến tranh, nửa kia là bản dịch Tiếng Anh, dịch là The sorrow of war. Bộ phim cũng sẽ tên thế, Nỗi buồn chiến tranh với phụ đề là The sorrow of war.
Nếu khi bộ phim ra mắt mà nó mang tinh thần không phải của Nỗi buồn chiến tranh thì ông có buồn không và ông sẽ hành xử thế nào với nhà làm phim?
- Bộ phim sẽ thành công, tôi tin như vậy. Không phải dân điện ảnh mà tại sao tin thì thật khó cắt nghĩa. Nói sao nhỉ? Chẳng hạn thế này. Khi cuốn Nỗi buồn chiến tranh được giải thưởng Hội Nhà văn, đã có một vài dịch giả bàn chuyện dịch nó ra tiếng Anh với tôi. Một chữ Anh bẻ đôi tôi cũng không biết mà tôi không đồng ý. Nhưng khi các dịch giả Phan Thanh Hảo và F. Palmos đặt vấn đề, dù trình độ Anh ngữ của tôi vẫn zê-rô, tôi nhận lời ngay. Khi bản dịch phát hành ở Anh được chuyển về Việt Nam, tôi đưa cho những người bạn biết tiếng Anh đọc. Người khen hết lời, người chê tột độ. Tôi chẳng thể bàn cãi gì mà vẫn luôn tin ở những lời khen. Tôi luôn tin nó đã thành công. Với bộ phim, rồi đây tôi cũng sẽ thế. Vâng, đúng thế.