| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ Hạnh Phúc

Thứ Sáu 11/07/2025 , 16:47 (GMT+7)

LÀO CAI Đánh thức 'nàng công chúa' Trạm Tấu để dệt giấc mơ Hạnh Phúc là khát vọng mãnh liệt của thầy giáo dạy văn Vũ Mạnh Cường.

Khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu ở xã Hạnh Phúc nằm giữa núi rừng, không gian phía trước là những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu ở xã Hạnh Phúc nằm giữa núi rừng, không gian phía trước là những thửa ruộng bậc thang. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Hạnh Phúc, tỉnh Lào Cai (thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cũ) - nơi những dãy núi trập trùng ôm lấy mây trắng, nơi con suối khoáng nóng âm thầm chảy giữa lòng đất mẹ. Nơi đây từ lâu đã được ví như một "nàng công chúa ngủ trong rừng". Nơi đây, có một người đàn ông, với tâm hồn của một thầy giáo dạy Văn và trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương, đang ngày đêm nỗ lực chung tay đánh thức nàng công chúa. Anh là Vũ Mạnh Cường, người đã gác lại 13 năm bụi phấn để thổi hồn vào núi rừng sông suối, vào đất đai, đá sỏi, với một ước muốn cháy bỏng đưa du lịch Trạm Tấu vén màn bước ra sân khấu.

Thổi hồn vào đá sỏi

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với anh Vũ Mạnh Cường - Chủ khu du lịch suối khoáng nóng Trạm Tấu, bắt đầu không phải bằng những con số kinh doanh, mà bằng một nỗi niềm rất thật. "Khi khách du lịch hỏi Trạm Tấu có phải ở Văn Chấn không, hay thậm chí không biết Trạm Tấu ở đâu, nó chạm đến trái tim mình, mình cảm thấy hổ thẹn với quê hương. Nỗi hổ thẹn ấy, cùng với hình ảnh người dân quê mình còn quá nghèo khó trên một mảnh đất giàu tiềm năng, đã trở thành động lực lớn nhất thôi thúc mình hành động".

Anh Vũ Mạnh Cường ấp ủ giấc mơ phát triển du lịch. Ảnh: NVCC.

Anh Vũ Mạnh Cường ấp ủ giấc mơ phát triển du lịch. Ảnh: NVCC.

Vốn là một thầy giáo dạy Văn, 13 năm cắm bản khắp các xã khó khăn nhất của huyện như Tà Si Láng, Xà Hồ, anh Cường thấu hiểu hơn ai hết những tiềm năng quý giá của núi rừng, vẻ đẹp hoang sơ, và cả những gian khó của mảnh đất này. Anh nhìn thấy những sản vật tinh túy của tự nhiên, từ quả đào rừng chua thanh mà sạch, đến bắp ngô tím của người Mông dẻo thơm bị lãng quên hoặc bán đi với giá trị thấp. Quá khứ của anh Cường cũng đã nhiều phen dập dụi tưởng chừng không đứng lên nổi nếu không có bờ vai vững chãi của quê hương, vì thế nên anh nghĩ, một vùng đất cũng như một con người, chỉ cần có điểm tựa vững chãi là có thể đứng lên, tỏa sáng. Với suy nghĩ ấy, mặc dù rất đam mê nghề giáo nhưng anh biết anh chỉ có một sự lựa chọn và sẽ phải dốc lòng dốc sức cho sự lựa chọn đó mới mong tạo ra sức bật. Năm 2019, anh quyết định dừng việc dạy học để bắt đầu hành trình làm du lịch. Không phải để làm giàu cho riêng mình, mà để chung tay "đánh thức" tiềm năng du lịch Trạm Tấu.

Dòng khoáng nóng tự nhiên, quanh năm bốn mùa thu hút khách du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Dòng khoáng nóng tự nhiên, quanh năm bốn mùa thu hút khách du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh làm du lịch bằng một sự trân trọng đối với thiên nhiên. Vậy nên, tham quan khu du lịch của anh Cường, tôi không thấy sự can thiệp nhiều của bê tông, cốt thép. Điểm nhấn của khu du lịch chính là những bể bơi ngoài trời được thiên nhiên ban tặng từ mạch khoáng nóng lộ thiên tự ngàn xưa, nơi dòng nước trong vắt, ấm áp tỏa khói mờ ảo quanh năm tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Anh Cường đã khéo léo thiết kế khu bể bơi làm toát lên vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hòa quyện với kiến trúc độc đáo. Những bungalow (loại hình nhà ở hoặc nơi lưu trú, thường có một tầng và diện tích nhỏ, được thiết kế đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi) xinh xắn, nép mình bên sườn đồi, mang đến cảm giác mộc mạc, ấm cúng nhưng không kém phần tinh tế. Một không gian kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, mang đậm triết lý nghỉ dưỡng kiểu Nhật, được thực hiện bằng chính đôi tay và tư duy của người Mông bản địa.

Những bungalow được thiết kế từ các vật liệu tự nhiên bản địa như đá, gỗ pơ mu cổ. Ảnh: Thanh Tiến.

Những bungalow được thiết kế từ các vật liệu tự nhiên bản địa như đá, gỗ pơ mu cổ. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Cường chia sẻ, nói về khoáng nóng là phải nói đến sự hòa hợp tương phùng của đá và gỗ. Gỗ anh dùng trong các bungalow trong không gian khoáng nóng là gỗ, ván pơ mu cũ của người Mông, còn đá thì anh lặn lội khắp nơi, nhặt đá cuội dưới suối ở địa phương hoặc mua lại những phiến đá đa sắc ở Lai Châu, rồi tự mình thổi hồn vào chúng. Anh không thuê kiến trúc sư từ thành phố lớn, mà tin tưởng vào tư duy thẩm mỹ tự nhiên của người bản địa. Họ xếp đá theo bản năng, theo văn hóa, theo nếp sống một cách tự nhiên vốn có. "Nhìn sâu vào đó mới thấy cái hồn, mỗi viên đá đều có một sứ mệnh, một vẻ đẹp riêng như mỗi con người trong xã hội. Nếu mình chỉ tay viên này đặt chỗ này, viên kia chỗ kia, bức tranh đó đã sai lệch với tự nhiên rồi".

Cái "hồn văn" của một thầy giáo cũ thấm đẫm trong từng góc nhỏ. Anh không chỉ xây dựng một cơ sở lưu trú, anh đang kể một câu chuyện về văn hóa, về sự tôn trọng tuyệt đối với Mẹ Thiên nhiên. Anh bảo vệ từng vạt rừng thông, giữ lại những cây hoa tớ dày, trồng thêm những cây chuối rừng có hoa đỏ rực rỡ để tạo cảnh quan. Với anh, du lịch đẳng cấp nhất chính là du lịch tự nhiên.

Giấc mơ về một bản giao hưởng chợ phiên

Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất, anh Cường không ngần ngại trả lời ngay: Con đường vào Trạm Tấu chính là rào cản lớn nhất. Đó là một cung đường nhỏ hẹp, uốn lượn đầy thử thách, dài khoảng 30km từ thị xã Nghĩa Lộ cũ. Một bên là vách núi đá sừng sững, với nhiều khúc cua tay áo hiểm hóc và những mỏm đá sắc nhọn như chực chờ chìa ra cản lối. Bên còn lại là vực sâu chênh vênh, hun hút, khiến bất cứ tay lái nào cũng phải tập trung cao độ. Chính cung đường này khiến vùng đất Trạm Tấu dù có khí hậu tuyệt vời, thiên nhiên trong lành và bản sắc đậm đà, vẫn chưa thể đón được những dòng khách lớn, đặc biệt là khách quốc tế chất lượng cao.

Con đường giao thông đến với vùng đất Trạm Tấu còn nhiều khó khăn nên du lịch chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ảnh: Thanh Tiến.

Con đường giao thông đến với vùng đất Trạm Tấu còn nhiều khó khăn nên du lịch chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ảnh: Thanh Tiến.

Điều đó càng thôi thúc anh hướng đến du lịch bền vững, giữ lấy cái chất riêng có. Và trong tâm trí anh, một giấc mơ lớn hơn đang thành hình, đó là một phiên chợ vùng cao đúng nghĩa. Trong mường tượng của anh, đó không chỉ là nơi mua bán, phiên chợ đó sẽ được dựng từ những ván gỗ cổ của người Mông, không có một mái tôn xanh đỏ. Nơi đó sẽ chỉ bán những nông sản sạch, nguyên bản của bà con, từ mớ rau rừng, củ khoai sọ đến bắp ngô Mông thơm dẻo. Sẽ có một ban quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ai bán hàng pha tạp sẽ bị loại trừ.

Điều đặc biệt nhất, phiên chợ của anh Cường sẽ là một "bản giao hưởng" không cần loa máy. Ở đó có tiếng người Mông giã bánh dày chát bụp; tiếng sảy ngô rào rào, tiếng chặt củi, tiếng xe lanh, tất cả sẽ hòa quyện theo một nhịp điệu. Đó là âm thanh của sự sống, của văn hóa. Đâu đó trên mỏm đá, chàng trai Mông thổi sáo réo rắt. Đâu đó dưới gốc thông, cô gái Mông múa ô dìu dặt. Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên nhất, như không hề có sự sắp đặt. "Du khách sẽ đến đây đông hơn, văn hóa bản địa sẽ như một cách đánh thức mạnh mẽ tiềm năng du lịch của vùng đất này".

Nếu phiên chợ đó được hình thành như ý tưởng đang thôi thúc, anh Cường sẽ khuyến khích bà con tự quản, tự thu vé tham quan, để họ thực sự được hưởng lợi trên chính mảnh đất của mình.

Ngoài chú trọng xây dựng cảnh quan tự nhiên, anh Cường đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một không gian chợ phiên của người Mông để cùng bà con làm du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài chú trọng xây dựng cảnh quan tự nhiên, anh Cường đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một không gian chợ phiên của người Mông để cùng bà con làm du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.

Hình ảnh người thầy giáo cũ với làn da sạm nắng, đôi mắt lúc nào cũng ánh lên niềm say mê, trăn trở và ước mơ viết bản giao hưởng chợ phiên nói riêng, đánh thức khu du lịch Trạm Tấu nói chung cứ lưu luyến chúng tôi trên suốt chặng đường rời Hạnh Phúc trở về. Anh không chỉ là người làm kinh doanh du lịch. Anh là một người kể chuyện, một "nhạc trưởng" đang cố gắng điều phối bản giao hưởng của đá, của cây, của văn hóa và con người Trạm Tấu.

Con đường để đánh thức "nàng công chúa" Trạm Tấu vẫn còn nhiều chông gai, mà trở ngại lớn nhất vẫn là hạ tầng giao thông. Nhưng với những con người có tâm như anh, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, có thể tin rằng, du lịch ở vùng đất Trạm Tấu, Hạnh Phúc sẽ bừng tỏa, rực rỡ trong một ngày không xa.

Xem thêm
Dằng dặc mùa khoai

Tôi nhớ vườn khoai lang, nhớ bóng hình của mẹ vào đận tháng ba ngày tám, và những ngày khô khát nắng nôi.

Nguyễn Thùy Linh thăng lên hạng 20 cầu lông nữ thế giới

Tay vợt cầu lông nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh tăng 2 bậc, lên hạng 20 nữ thế giới sau thành tích Á quân giải Canada mở rộng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất