Tôi về báo đầu năm 1981 phải nói là do cơ duyên. Bởi những sinh viên Văn khoa mơ mộng thời bấy giờ ra trường số 1 là về các Viện nghiên cứu, còn báo là phải Văn nghệ TW, Văn nghệ thành phố, rồi Nhân dân, Quân đội Nhân dân…, chứ ai biết trên đời còn cả báo Nông nghiệp, Lương thực nữa.
Tôi, ngoài học Ngữ Văn còn tham gia học thêm sân khấu, điện ảnh và các thầy dạy điện ảnh đã hứa sẽ nhận về khi ra trường, nên vừa tốt nghiệp xong tôi vội vàng mang hồ sơ đến liền.
Hai lần đến các thầy đều bận họp, rồi đi với chuyên gia Liên Xô, mãi tới lần thứ 3 gặp được anh Tám Nhân đang thường trực, anh bảo: “Cậu về đây làm gì, chán lắm!”. Rồi anh nói tiếp: “Báo Sài Gòn giải phóng, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố đang rất thiếu người như các cậu, còn không thì về Báo Lương thực ở 97 Nguyễn Trãi. Có mấy anh em thôi, lại có cái ôtô đi các tỉnh hay lắm”.
Máu mê xe cộ nổi lên, anh Tám lại chỉ rõ được địa chỉ cụ thể nên tôi vội đạp xe đi ngay.
Vừa vào đến trụ sở, gặp một bác trị sự tên là Nhân, bác bảo: “Đồng chí Trưởng phòng liên lạc đi họp và giờ cũng sắp về nhà ở phòng 372, số nhà 23 Lý Tự Trọng rồi”.
Nghe vậy, tôi vội quay xe đến nhà và quả nhiên chỉ vài phút thì gặp được một người trung niên bặt thiệp và dễ mến, đó là anh Nguyễn Đức Hy. Về sau này là Tổng Biên tập của Báo.
Anh tiếp tôi chừng 5 phút và hỏi hai câu: “Có nhà ở chưa? Có hộ khẩu thành phố chưa?”. Tôi trả lời là có rồi. Thế là vài hôm sau anh Hy sang trường đại học xem bảng điểm học tập của tôi và gặp giáo sư chủ nhiệm khoa Mai Cao Chương, sau đó về làm thủ tục tiếp nhận luôn.
Cùng về một đợt với tôi có 2 người là anh Lê Tòng từ Báo Bình-Trị-Thiên và anh Trần Đình Sơn Cước (luật sư trước 1975). Anh Tòng có biệt tài là thuộc ngay bài viết của mình, còn anh Sơn Cước dù cơ quan có ồn ào cách mấy vẫn viết được bài dễ dàng.
Còn tôi viết thật vất vả, thường phải 10 giờ đêm vợ con đi ngủ hết, làm ấm trà đậm, gói thuốc lá Đà Lạt nặng, rồi cày sáng đêm mới ra được bài.
Rồi việc tôi chuyển qua làm cán bộ quản lý cũng là cơ duyên. Bởi lúc còn làm phóng viên tôi ước mơ trở thành chuyên gia viết giỏi về ĐBSCL nên đã thi vào khoa Kinh tế Nông nghiệp của trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Ngày 12/9/1983 là ngày nhập học thì ngày 11/9 đồng chí trưởng chi nhánh báo đột ngột thôi chức. Hồi bấy giờ việc liên lạc giữa Sài Gòn và tòa soạn Hà Nội vô cùng khó khăn, có khi đăng ký cả tuần cũng không liên lạc bằng điện thoại được.
Để cơ quan có người lãnh đạo, anh em chi nhánh gọi tôi về họp bỏ phiếu kín bầu người tạm thời thay thế lãnh đạo và tôi được 90% phiếu bầu. Tôi hứa trước tập thể cũng là với chính lòng mình sẽ làm tất cả những gì có thể để “nước nổi, bèo nổi” đời sống anh em đi lên trong đó có tôi.
Kể cũng lạ, hòa bình đã được mấy năm rồi, đất đai ĐBSCL phì nhiêu, thẳng cánh cò bay mà vẫn đói kém. Ở rừng nhiều khi gạo chưa về kịp cũng đói nhưng chúng tôi đi đào củ mài, tìm quả trường (giống quả vải), quả gùi vốn rất sẵn để ăn. Còn ngồi giữa Sài Gòn hoa lệ mà chẳng biết lấy cái gì bỏ vào bụng.
Thời sinh viên buổi chiều tự học nhưng đói quá, 4h là đã đến nhà ăn Hoa Lư chực cơm và phải 20 tiếng đồng hồ sau, nghĩa là 12h trưa mai mới có 2 bát bo bo (hạt lúa mì nguyên vỏ) với canh rau lõng bõng nước, sau khi đã tiếp thu bài giảng của thầy về vật chất quyết định ý thức ở giảng đường lớn.
Hóa ra ở quê vẫn sướng. Sáng ăn khoai hoặc sắn, trưa thì ăn khoai độn cơm, còn tối ăn ngô hoặc bí đỏ đến no thì thôi. Anh Trịnh Bá Ninh (Phó Tổng biên tập Báo) thì kể quê đồng bằng Bắc bộ của anh lại nấu cơm độn với tỏi, ăn một thời gian cả làng “đơ” hết đường ruột vì trong tỏi có chất sát khuẩn làm hỏng hết men tiêu hóa chăng?
Còn anh Vũ Hùng, người lãng mạn nhất cơ quan có sáng kiến đến chủ nghĩa thực dụng Hoa Kỳ cũng phải gọi bằng “cụ”, đó là: “Thăm nom ốm đau xin các “bố” đừng cam, chanh, đường, sữa mà hãy mua 1 kg thịt lợn để cả nhà vợ, chồng, con cái cùng được ăn là khỏe liền à!”.
Nói đến cái đói có lẽ cũng nên dừng lại chỗ cô Ba Thi, Giám đốc công ty Lương thực TP.HCM. Tuy chỉ là giám đốc công ty của địa phương nhưng cô nổi tiếng khắp nước dám cãi băng cả Bộ trưởng.
Cũng đúng thôi, hình ảnh treo trên tường làm việc cũng là chỗ ở của cô có hầu hết lãnh tụ, Bộ Chính trị đến thăm; còn cán bộ cỡ Chánh văn phòng Bộ Lương thực như anh Phan Xuân Hương và Tổng Biên tập đăng ký mãi cũng chỉ được tiếp vào 9h30 tối và dĩ nhiên có nồi cháo gà thơm lựng.
Hơn 30 năm rồi (1983) tôi vẫn còn nhớ như in giọng cô Ba Thi khàn khàn do đi báo cáo điển hình cả ngày về. “Con khỉ nó còn biết làm theo, còn mình là người cộng sản mà đầu óc bò, heo gì lại không biết học làm theo”.
Cô đang phẫn nộ vì có người ngăn cản việc làm của công ty. Học cô sao được, từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu, Kiên Giang có cả chục trạm kiểm soát, cố định, lưu động, liên ngành mang vài kg gạo là bị bắt tịch thu, còn cô ùn ùn xe tải, xà lan chở gạo mua 2-3đ về bán 8-10đ/kg.
Cô còn cho nhập bột mì của rất hiếm sau 1975 về bán 1 vốn 4 lời, tiền nhiều khủng khiếp.
Tuy nhiên do khâu quản lý cũng phá rào nên nhiều người vào vòng lao lý kể cả anh Quang con rể cô. Có lần sang dự họp ở Bộ thấy tôi đang đứng xớ rớ ở sân 135 Pasteur cô hỏi: “Báo cháu có mấy người?". Tôi trả lời: “10 ạ”. Cô ngoắt lại cốp xe ôtô rồi đưa cho 10 cái bánh bao. Tôi mang vào cho anh em, còn suất của tôi lén mang về cho vợ con ăn chung.
Chao ôi! Cũng chỉ là cái bánh bao như kiểu Đức Phát bây giờ, ngoài là bột mì, nhân là thịt nạc băm với mộc nhĩ, hành tím, tiêu và 2 quả trứng chim cút thơm lừng mà sao ăn vào cảm giác nó ngấm đến tận từng thớ thịt! Cô em tôi còn bảo “sao anh không nói bên báo có 20 người!”.
Hồi bấy giờ kể cũng lạ là thần kinh xấu hổ nó lặn đâu hết?! Giấc mộng mê ôtô mà về báo mới thấy thật bẽ bàng. Xe đi các tỉnh ĐBSCL chỉ cấp xăng đến Long An (40km) còn lại ghé đâu tự đi xin nhé. Còn ở TP.HCM cũng chỉ cấp 5-7 km nên phải liệu lộ trình nơi quen biết mà ghé xin còn không phải… đẩy bộ!
Phải chấm dứt sự xin xỏ này. Cha mẹ, trời đất sinh ra mình cũng đầu, mình, tay, chân đầy đủ sao cứ đi ăn xin mãi? Quả đắng của sự sĩ diện không ăn xin được nếm liền ngay Tết đầu tiên. Số là hồi đó báo cũng sinh hoạt với Công đoàn Văn phòng Bộ nên thông thường vẫn được chia cho một số tiêu chuẩn chung như là thịt để ăn Tết.
Nhưng Tết đó do đã chuyển trụ sở khỏi Văn phòng Bộ về 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm nên các anh chị Công đoàn Bộ vô tình quên mất 10 suất thịt lợn Tết của anh em Báo. Hơn 12h rồi mà vẫn chưa thấy gọi lấy thịt nên anh em tự động sang văn phòng hỏi, mọi người vội vàng chữa cháy bằng cách lấy xương xẩu, chân cẳng còn sót lại chặt ra 10 suất.
Đắng cay, anh Vũ Hùng đang cầm trên tay 1.000đ tiền bán chó béc-giê để ăn Tết, tôi liền mượn tạm chia ngay cho mỗi người 100đ thay thế suất xương đó.
Mãi về sau nghe kể Tết đó nhà anh chị Vũ Hùng mua được con gà 8-9 lạng về nấu cháo gà để cúng, đêm thức khuya tâm sự chuyện đời, ngủ quên nên mèo tha mất gà cúng, còn lại nồi cháo không đón Tết.
Thế rồi, để thoát nghèo, nhục, anh em chi nhánh bắt đầu bằng việc tổ chức sản xuất bia, do kỹ sư nông học Nguyễn Hữu Tâng làm tổ trưởng. Đây là loại bia dân gian thường gọi là bia “lên cơn” (lên men) hay “Hải Ẩu” (Hải Âu) rất rẻ tiền, phổ biến hồi bấy giờ.
Cách làm là dùng một thiết bị giống như máy trộn hồ bây giờ nhưng là quay tay, cho vào nửa cây nước đá lớn (làm lạnh), rồi cho nước, cồn, hương liệu quay 100 vòng rồi xịt CO2 là cho ra đóng chai.
Hôm ra mắt giới thiệu sản phẩm với anh em bạn hữu, khách hàng ở cơ quan chi nhánh báo cả chục bàn ăn làm tôi phát hoảng. Nguyên do là uống đến 10h đêm, mặt mày đỏ tía tai hết cả lượt rồi mà quan khách vẫn tỏ ta hăng hái, nhiệt tình lắm.
Tôi vội bảo anh Tâng bí mật cắt cầu giao điện đi chứ có chuyện gì thì tôi với ông ngày mai đi tù đấy. Hồi bấy giờ Sài Gòn ngoài cúp điện luân phiên thì sự cố mất điện nhiều như cơm bữa, nên anh Tâng cúp cầu giao điện không ai hay biết, nghi ngờ cả mới chịu ra về.
Bia của chi nhánh báo được đánh giá là khá “chuẩn”, uống không nhức đầu vì làm bằng cồn của nhà máy rượu Bình Tây, hương liệu của Viện Công nghệ thực phẩm, còn nguồn nước là nước máy nghiêm chỉnh của thành phố.
Nhưng cũng vì vậy mà giá thành sản xuất khá cao, không thể cạnh tranh nổi với cồn, hương liệu thủ công trôi nổi, nước giếng khoan của các xưởng bia khác nên “nhà máy” bia của chi nhánh báo chỉ hoạt động được một thời gian thì đóng cửa.
Để giải quyết xăng cho ôtô cũng là câu chuyện thú vị. Nhân dịp họp báo cuối năm ở tòa soạn Hà Nội, tôi mon men lên Vụ Kế hoạch của Bộ gặp anh Danh (có nụ cười thật hiền) hình như là cán bộ miền Trung tập kết trình bày nỗi khổ không xăng dầu hoạt động, rồi dúi vội cho anh 1 gói mì chính (bột ngọt), mặt anh tái dại vội đẩy ra ngay.
Tôi vạch ra cho anh thấy là tôi còn 1 gói và nói nhanh: “Đây là quà của em mang về quê biếu bố mẹ dịp ra Bắc, nếu anh giúp cho thì em rất biết ơn, còn khó cân đối quá không được cũng không sao cả".
Anh chùng lại giây lát cảm nhận được sự thành thật rồi nói nhỏ: “Bây giờ cấp cho cậu 5 tấn, năm tới 10 tấn. Cậu có lấy thêm cặp lốp xe U –oát không?”. Tôi nói “thôi ạ”.
Về sau anh em bảo dại thế, cứ lấy lốp đó về đổi sang lốp xe mình cũng được, còn không hê ra thị trường cũng được món hời. Thời bao cấp thiếu thốn trăm bề nên cấp cho ai chả đúng đối tượng. 10 tấn xăng hình như là 14.000 lít, 70 thùng phuy loại 200 lít là chất dễ cháy nổ, chỗ đâu mà chứa, không lấy kịp là họ cắt chỉ tiêu liền.
Thật may cuối cùng cô Loan có đôi mắt thăm thẳm làm cửa hàng trưởng xăng dầu tại góc Võ Văn Tần và Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) đã cho gửi nhờ. Cán bộ, phóng viên lúc bấy giờ cũng được cấp 5-10 lít/tháng, ai không có xe máy thì đi mượn, nhưng về sau nghe phản ánh có hiện tượng “tham gia thị trường” nên mới cắt hẳn.
Tuy vậy, người mà anh em Báo Nông nghiệp Việt Nam phải ghi ơn nhiều nhất đó là chị Cao Thị Hảo – Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc.
Cho đến bây giờ tôi cũng không thể nào hiểu được tại sao chị Hảo lại có thể tin tưởng giao cho chúng tôi tới 30 – 40 tỷ đồng để làm đại lý cung ứng gạo ra Bắc và xuất khẩu một cách cực kỳ vô tư như vậy?
Lúc bấy giờ xã hội rất hiếm tiền, 5 ngàn là mệnh giá lớn nhất nên 1 tỷ bạc phải bằng cả trăm tỷ bây giờ. Có một điều là các Tổng Công ty, Công ty Lương thực khác bị bắt tù rất nhiều nhưng Tổng Bắc của chị Hảo thì vô sự. Chi nhánh báo một lúc anh Phí Văn Điển có thể chỉ huy tàu 7-8 ngàn tấn giao gạo đi Bắc ở cảng Hải Phòng, còn anh em chi nhánh giao tàu gạo xuất khẩu 1 vạn tấn ở cảng Sài Gòn.
Do cơ quan ít người nên phải huy động cả vợ chồng, con cái, anh em, người gác chốt ở kho, người ra cảng kiểm kiện suốt ngày đêm. Cuối 1991 khi tôi ra Hà Nội nhận chức Tổng Biên tập cũng là tàu gạo cuối cùng.
Chị Hảo có bảo chi nhánh làm cung ứng gạo tiếp nhưng tôi dứt khoát xin thôi vì không phải không tin tưởng anh em, mà ngay cả những người dày dạn thương trường cũng đã để mất cả trăm tỷ, bài học nhãn tiền ra đó.
Về sau, báo có kế hoạch chuyển hướng đầu tư vào miền Trung – Tây Nguyên một phần là do tiềm năng nhưng Trưởng văn phòng Báo Nguyễn Mạnh Thường là người rất nhiệt huyết. Tôi và anh Trịnh Bá Ninh vào đó nghiên cứu việc mua tàu đánh cá. Song suy nghĩ “quản lý thế nào? Tàu chìm giữa biển thì sao?” cũng thấy lạnh gáy rồi thôi.
Không có tàu để chìm nhưng lại suýt mắc cạn ở trại tôm Phước Thể. Đây là một công trình lớn 10 ha, 20 ao nuôi tôm đất cực đẹp bên bờ biển Bình Thuận cùng đường điện cao thế, hệ thống bơm nước biển hiện đại nhưng rồi phải nhượng lại (có lời) do hạn chế chuyên môn và động lực cho người trực tiếp làm. Người nhận nhượng lại chỉ 2 năm đã thu hồi vốn và nay thì phải được mấy chục lần vốn rồi.
Tuy nhiên tiếc nhất là trả lại rừng Ea Sô đẹp như mơ cùng gần 200 con bò lai Sind, 9 hồ nước của anh Sáu Lài – Bí thư Huyện ủy sở tại.
Anh Sáu Lài đã từng là Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk nên anh nắm được các bộ ngành đang làm thủ tục chuyển 4.000 ha/37.000 ha của rừng bảo tồn này ra rừng kinh tế, sản xuất.
Nguyên do tìm đến Ea Sô là giá giấy in báo tăng liên tục, nếu có 1.000 ha màu mỡ ở Tây Nguyên với sinh khối tối thiểu 20-25 m3/ha/năm thì chúng ta sẽ đưa được giá giấy về không để phục vụ bà con nông dân.
Tôi và anh Nguyễn Mạnh Thường đã lội bộ suốt cả ngày, mồ hôi ướt sũng cả áo tới quần. Anh Nguyễn Văn Đẳng – Thứ trưởng thường trực Bộ cũng là một chuyên gia về lâm sinh rất ủng hộ gọi điện liền cho anh Khôi – Giám đốc nhà máy dăm bào Nha Trang cho người lên đo đạc để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Nhưng rồi ông Thành Long – Giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM bắn con bò tót bị đi tù đã gây nên một cơn “bão báo” trên các phương tiện thông tin đại chúng nên không ai dám ký gì về vùng rừng này nữa. Thế là anh Sáu Lài hoàn lại tiền cho Báo...
Nhắc lại những ký ức vụn về năm tháng gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam để thấy được khó khăn vừa qua là lớn lao, nhưng những khó khăn, thách thức phía trước còn lớn hơn nhiều. Chúng ta vững tin nơi các bạn!
(*): Tác giả nguyên là Tổng Biên tập báo Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 1991 - 2013