Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Environmental International (Môi trường Quốc tế) cho thấy, tương tự như cà phê, các hóa chất trong vật dụng bằng nhựa hàng ngày có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ-thức 24 giờ tự nhiên của cơ thể và nhịp sinh học, làm tăng nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ, tiểu đường, các vấn đề về miễn dịch và ung thư.
Nghiên cứu đã xem xét các hóa chất được chiết xuất từ ống truyền thức ăn y tế PVC và túi đựng nước bằng polyurethane, giống như những loại mà người chạy đường dài thường sử dụng. PVC và polyurethane cũng được sử dụng rộng rãi trong đồ chơi, bao bì thực phẩm và đồ nội thất.

Hóa chất nhựa có thể làm lệch đồng hồ sinh học bên trong cơ thể tới 17 phút. Ảnh: ST.
Đây là nghiên cứu lần đầu tiên cho thấy hóa chất nhựa có khả năng ảnh hưởng đến các tín hiệu tế bào điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, làm lệch đồng hồ sinh học tới 17 phút. "Mặc dù có vẻ nhỏ, nhưng đồng hồ sinh học rất nhạy cảm và độ lệch như vậy là đáng kể", ông Martin Wagner, đồng tác giả của nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Na Uy cho biết.
Theo các tác giả, nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy nhựa chứa các hợp chất gây ra nhiều tác động độc hại. Do vậy, cần thay đổi cơ bản quy trình thiết kế và sản xuất nhựa để đảm bảo nhựa được sử dụng an toàn.
Nhịp sinh học là đồng hồ phân tử điều chỉnh sự tỉnh táo và mệt mỏi liên quan đến ánh sáng ban ngày và bóng tối. Nhịp sinh học thay đổi có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, mất trí nhớ và bệnh tim mạch, cùng nhiều vấn đề khác.
Nghiên cứu về độc tính của hóa chất nhựa thường tập trung vào cách các hóa chất như phthalate và bisphenol tác động đến hệ thống nội tiết và các tác động liên quan đến hormone, có thể mất nhiều năm mới rõ biểu hiện. Nghiên cứu mới đã phát hiện tác động thông qua một con đường sinh học khác: tế bào. Nghiên cứu cho thấy các tác động bất lợi đến thụ thể adenosine - thành phần chính trong quá trình kiểm soát tế bào của đồng hồ bên trong tham gia vào việc truyền tín hiệu điều chỉnh nhịp sinh học.
Quá trình hóa chất nhựa ảnh hưởng đến cơ thể về mặt sinh học tương tự như tác động của caffeine đến nhịp sinh học và thụ thể adenosine. Caffeine có thể ngăn chặn hoạt động của thụ thể adenosine, do đó làm tăng nhịp sinh học và giúp chúng ta tỉnh táo. Trong khi đó, các hóa chất nhựa kích hoạt thụ thể adenosine, nhưng cũng có tác dụng tương tự giúp tỉnh táo như caffeine.
Ông Wagner cho biết thụ thể này nằm trong não và gửi tín hiệu đến cơ thể rằng “mặt trời đang mọc - hãy bắt đầu ngày mới". Nhưng khi thụ thể adenosine được kích hoạt bởi các hóa chất, nó có thể không truyền thông điệp, làm chậm các quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể.
Theo ông Wagner, mặc dù tác động của hóa chất nhựa yếu hơn caffeine nhưng lại diễn ra nhanh hơn so với tác hại thông thường do hormone từ nhựa gây ra. Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện vẫn chưa biết chính xác điều này ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể, nhưng điều này rất đáng lo ngại.
Nghiên cứu trên được tiến hành trên tế bào người trong phòng thí nghiệm. Ông Wagner cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ thử nghiệm tác động của hóa chất nhựa lên cá ngựa vằn. Mục tiêu là xác định các hóa chất cụ thể gây ra vấn đề này và thúc đẩy các quy định hạn chế việc sử dụng chúng.
Nghiên cứu trong tương lai cũng sẽ xem xét loại hóa chất nào trong nhựa và PVC đang ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ-thức. PVC có thể chứa bất kỳ loại hóa chất nào trong số 8.000 loại, một số trong đó là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất, vì vậy vật liệu này rất phức tạp và khó quản lý.
Ông Wagner cho biết những phát hiện của mỗi nghiên cứu mới sẽ hối thúc các nhà lập pháp ban hành các quy định, đồng thời khuyến khích ngành công nghiệp loại bỏ các hóa chất khỏi nhựa.