Theo hai nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, Trung Quốc đã gửi tín hiệu tới chính phủ Brazil về việc sẽ đầu tư vào Quỹ Rừng nhiệt đới vĩnh cửu (TFFF) - quỹ hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn các khu rừng đang bị đe dọa trên toàn cầu.

Loài cây mới mọc ở rừng Amazon tại Brazil. Ảnh: DGB Group.
Đây là sáng kiến do Brazil đề xuất lần đầu vào năm 2023, nhằm huy động nguồn lực từ cả khu vực công và tư để hỗ trợ tài chính lâu dài cho các quốc gia đang gìn giữ rừng nhiệt đới.
Động thái này được đánh giá là bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực tài chính khí hậu, khi mở rộng sự tham gia từ các nền kinh tế mới nổi, vốn không có nghĩa vụ tài chính như các quốc gia phát triển theo Thỏa thuận Paris 2015. Trong bối cảnh các nước giàu như Mỹ thu hẹp cam kết tài chính khí hậu, việc Trung Quốc quan tâm đến Quỹ Rừng nhiệt đới vĩnh cửu được coi là tín hiệu tích cực cho nỗ lực toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo nguồn tin từ Reuters, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An đã trao đổi trực tiếp với người đồng cấp Brazil Fernando Haddad bên lề cuộc họp các bộ trưởng tài chính trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS, diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil.
Dù chưa đưa ra con số cụ thể, Trung Quốc đánh giá cao ý tưởng của quỹ và thể hiện mong muốn hợp tác. Thông báo chính thức về khoản đóng góp của Trung Quốc có thể sẽ được công bố tại Hội nghị khí hậu Hội nghị lần thứ 30 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) vào tháng 11 tới tại Brazil.
Brazil kỳ vọng TFFF có thể thu hút thêm các quốc gia đang phát triển giàu tài nguyên, đặc biệt từ Trung Đông, và trở thành sáng kiến tiêu biểu của nước này tại COP30. Quỹ này đặt mục tiêu huy động 125 tỷ USD trong dài hạn, dùng để hỗ trợ tài chính hằng năm cho các quốc gia dựa trên diện tích rừng nhiệt đới được bảo tồn.
Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ ban đầu từ Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi đó, Mỹ từng ủng hộ nhưng sau đó rút lại sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris. Sự quan tâm quốc tế đến TFFF cho thấy vai trò ngày càng lớn của rừng nhiệt đới trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.