| Hotline: 0983.970.780

Hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học và y tế bền vững

Thứ Tư 21/05/2025 , 15:31 (GMT+7)

Nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), WHO nhấn mạnh vai trò của y học cổ truyền như cầu nối gắn kết đa dạng sinh học và y tế bền vững.

Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học 2025 (22/5) nhấn mạnh mối liên hệ vốn có giữa con người và thế giới tự nhiên với chủ đề "Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững".

Chủ đề này tầm quan trọng của các mục tiêu trong Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh -Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Các mục tiêu này có liên hệ hệ chặt chẽ với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đến năm 2030, bao gồm đảm bảo y tế bền vững cho nhân loại. 

Theo TS. Shyama Kuruvilla - Giám đốc lâm thời Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên hành trình hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học và y tế bền vững, y học cổ truyền có thể là cầu nối thúc đẩy nỗ lực này. 

Y học cổ truyền là cầu nối

“Y học cổ truyền không chỉ là chăm sóc sức khỏe, mà là cách sống hài hòa với thiên nhiên”, TS. Kuruvilla lưu ý.

Theo chuyên gia của WHO, nhiều cộng đồng bản địa trên thế giới vẫn duy trì thế giới quan coi con người, động vật, thực vật, sông ngòi và núi non là một mạng lưới gắn bó chặt chẽ. Do đó học cổ truyền phát triển như một phần không thể tách rời của hệ sinh thái và văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, hệ thống y tế hiện đại - vốn tập trung vào dược phẩm và công nghệ - đôi khi đang bỏ qua mối liên hệ căn bản này giữa việc hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học với y tế bền vững.

“Hơn một nửa dược phẩm hiện đại có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng hệ thống pháp lý và nghiên cứu lại chưa phản ánh đầy đủ giá trị này,” bà chỉ ra. 

Chính vì thế, WHO đang thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp, trong đó y học cổ truyền là cầu nối giữa khoa học hiện đại và tri thức bản địa. Bà Kuruvilla nhấn mạnh: “Y học cổ truyền chính là lời nhắc nhở rằng thiên nhiên không chỉ là nguồn thuốc, mà là nguồn sống.”

Theo bà Kuruvilla, Công ước Đa dạng sinh học (CBD) và Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận và Chia sẻ Lợi ích (ABS) đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tri thức truyền thống liên quan đến cây thuốc và tài nguyên di truyền.

Trong đó, Điều 8(j) của CBD kêu gọi tôn trọng, gìn giữ và duy trì tri thức truyền thống gắn với bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Y học cổ truyền được xem là cầu nối hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học và y tế bền vững. Ảnh: Biodiversity and Community Health. 

Y học cổ truyền được xem là cầu nối hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học và y tế bền vững. Ảnh: Biodiversity and Community Health. 

Năm 2024, một bước ngoặt quan trọng đã được thiết lập với Hiệp ước mới của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) yêu cầu công khai nguồn gốc tài nguyên trong các đơn xin sáng chế - qua đó giúp ngăn chặn khai thác trái phép và đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng.

Chiến lược Y học Cổ truyền Toàn cầu giai đoạn 2025–2034, dự kiến được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 78, cũng đề xuất các mô hình pháp lý bao trùm và tôn trọng quyền của cộng đồng sở hữu tri thức y học truyền thống.

Tuy vậy, việc triển khai cơ chế ABS vẫn còn gặp nhiều thách thức. Bà Kuruvilla chỉ ra rằng tri thức bản địa thường được truyền miệng, mang tính tập thể và khó lượng hóa bằng các tiêu chí hiện đại. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển còn hạn chế về năng lực thể chế, trong khi luật pháp về y tế, môi trường và sở hữu trí tuệ thường chưa được tích hợp.

Những thay đổi trong công nghệ sinh học, như sử dụng dữ liệu trình tự số (DSI) thay cho mẫu vật thực tế, đang đặt ra bài toán mới cho việc chia sẻ lợi ích công bằng. “Chúng ta cần nhanh chóng cập nhật chính sách để không bỏ sót cộng đồng sở hữu tri thức truyền thống,” bà nhấn mạnh.

WHO hiện đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng mô hình tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy sự tin cậy và công bằng giữa các bên.

Sự phát triển song hành

Dù còn nhiều khó khăn, bà Kuruvilla vẫn lạc quan rằng những nỗ lực hài hòa mục tiêu đa dạng sinh học và y tế bền vững hoàn toàn khả thi.

Bà chỉ ra đã có nhiều trường hợp thành công trong nỗ lự kết hợp y học cổ truyền và bảo tồn đa dạng sinh học. Tại Indonesia và Brazil, chương trình Health In Harmony đã cung cấp dịch vụ y tế miễn phí để đổi lấy cam kết bảo vệ rừng từ cộng đồng. Kết quả, các dịch vụ này hỗ trợ giảm tới 90% nạn phá rừng, giảm 67% tử vong trẻ sơ sinh và phục hồi hơn 21.000 ha rừng.

Ở châu Phi, nhiều cộng đồng bản địa vẫn duy trì rừng thiêng như khu bảo tồn dược liệu tự nhiên. Tại Ấn Độ, hệ thống AYUSH thúc đẩy trồng dược liệu, vườn thảo dược và ngân hàng hạt giống. Trung Quốc thì phát triển nuôi trồng các loài thuốc quý nhằm giảm áp lực lên rừng nguyên sinh.

“Những câu chuyện này cho thấy y học cổ truyền không chỉ chữa lành con người, mà còn phục hồi cả hệ sinh thái”, bà nói.

TS. Shyama Kuruvilla – Giám đốc lâm thời Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO. Ảnh: News18.

TS. Shyama Kuruvilla – Giám đốc lâm thời Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO. Ảnh: News18.

Để hài hòa mục tiêu đa dạng sinh và y tế bền vững, bà Kuruvilla cho biết, WHO đang phát triển Thư viện Y học Cổ truyền Toàn cầu, dự kiến ra mắt vào tháng 12/2025. Thư viện này sẽ lưu trữ khoảng 2 triệu tài liệu, từ công trình nghiên cứu khoa học đến luật pháp và tri thức dân gian – trở thành nguồn dữ liệu mở cho cộng đồng quốc tế.

Cùng lúc đó, các công cụ trí tuệ nhân tạo đang được thử nghiệm để nhận diện cây thuốc, hỗ trợ chẩn đoán và phát triển dược phẩm. Tuy nhiên, WHO nhấn mạnh việc sử dụng AI cần tuân thủ nguyên tắc đạo đức, minh bạch và bảo vệ quyền của cộng đồng bản địa.

Khi được hỏi về hướng đi tương lai, bà Kuruvilla cho biết Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO đang định hình như một “trung tâm tri thức sống” – nơi kết nối các bên liên quan từ y tế, môi trường đến quyền bản địa và công nghệ số.

Chiến lược đến năm 2034 tập trung vào xác thực độ an toàn – hiệu quả của cây thuốc, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, và hỗ trợ các nước xây dựng chính sách tích hợp y học cổ truyền vào hệ thống y tế quốc gia.

“Chúng tôi không cổ vũ cho mọi thực hành truyền thống, mà chọn lọc dựa trên bằng chứng khoa học, phù hợp văn hóa và có sự đồng thuận của cộng đồng sở hữu tri thức,” bà khẳng định.

Nhân ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, đại diện WHO nhấn mạnh: “Đa dạng sinh học không chỉ là nguồn thuốc mà còn là nguồn sống. Ngày nay, chúng ta tôn vinh cộng đồng gìn giữ tri thức thiên nhiên qua nhiều thế hệ. Y học cổ truyền là cây cầu kết nối trí tuệ tổ tiên với tương lai y tế toàn cầu và là con đường để phát triển bền vững đặt con người và thiên nhiên làm trung tâm.”

Tổng hợp từ WHO và Digital Discourse Interviews

Xem thêm
Cần có hành động thực chất để bảo tồn biển

Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Đại dương của chúng ta (OOC) lần thứ 10 vừa diễn ra tại Busan, Hàn Quốc.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.